Chú trọng việc làm cho phụ nữ sau đào tạo nghề

27/06/2013
Để nâng cao chất lượng công tác dạy nghề, tạo việc làm, tăng tính liên kết trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đã ban hành hướng dẫn xây dựng mô hình thí điểm hỗ trợ tìm việc làm cho phụ nữ sau học nghề.

Theo đó, hướng dẫn yêu cầu các địa phương huy động mọi nguồn lực, phát huy nội lực của phụ nữ, thực hiện đồng bộ các giải pháp (dạy nghề/ chuyển giao KHKT, hỗ trợ vay vốn; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm) để xây dựng mô hình hiệu quả. Mô hình phải mang tính khả thi và bền vững, phù hợp với yêu cầu quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương, nhu cầu và điều kiện cụ thể của hội viên, phụ nữ.

Về loại mô hình, hướng dẫn chỉ rõ: thành lập mô hình hỗ trợ tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ dưới hình thức tổ liên kết, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, ưu tiên địa bàn nông thôn, vùng khó khăn. Mỗi mô hình gồm từ 25 - 30 thành viên, trong đó ít nhất 90% là lao động nữ, mỗi thành viên đại diện cho một hộ gia đình, được thành lâp trên một địa bàn dân cư.

Đối tượng thu hút vào các mô hình là lao động có nghề phù hợp với mô hình. Quan tâm đến sự tham gia của các hộ có vốn, có kinh nghiệm làm ăn, hộ nghèo, cận nghèo để giúp đỡ lẫn nhau, giảm nghèo bền vững; trong đó ưu tiên người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người trong diện thu hồi đất canh tác, phụ nữ bị mất việc làm từ các doanh nghiệp trở về nông thôn. Thu hút lao động cí khả năng và điều kiện đối ứng về nguồn lực khi tham gia theo yêu cầu cụ thể của mô hình (đất đai, phương tiện/công cụ sản xuất, nguồn tài chính…).

Phương thức xây dựng mô hình được hướng dẫn rõ với 5 bước 4 bước cơ bản là: Thu thập thông tin và lập kế hoạch; Tuyên truyền, vận động; Thành lập tổ phụ nữ liên kết, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã; Hoạt động của mô hình.

Bước thu thập thông tin và lập kế hoạch xây dựng mô hình cần: (1) nghiên cứu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, tình hình sản xuất, kinh doanh cụ thể của các hộ gia đình, hội viên, phụ nữ để xác định mô hình và lựa chọn thành viên phù hợp; (2) lập kế hoạch xây dựng mô hình, trong đó quan tâm tới việc lựa chọn và liên kết với các đối tác (nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng và các cá nhân, tập thể quan tâm...), phát huy vai trò của các đối tác trong quá trình xây dựng, thực hiện, duy trì và nhân rộng mô hình.

Bước tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia mô hình cần tuyên truyền để hội viên, phụ nữ hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước trong việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chính sách dạy ghề tạo việc làm cho phụ nữ; xác định được tầm quan trọng của việc học nghề và có việc làm bền vững; về hiệu quả của mô hình để thu hút sự tham gia của lao động nữ vào mô hình. Các hoạt động tuyên truyền được thực hiện trực tiếp tại cộng đồng dưới nhiều hình thức: qua sinh hoạt của chi/ tổ hội phụ nữ, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua tham quan các mô hình tiêu biểu…

Bước thành lập tổ phụ nữ liên kết, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã cần: hỗ trợ chuẩn bị các thủ tục thành lập mô hình: Tuỳ theo từng loại mô hình sẽ có thủ tục, quy trình, cấp ra quyết định phù hợp. Đối với tổ liên kết do UBND xã ra quyết định, hình thức hợp tác xã do UBND huyện ra quyết định; Thành lập Ban quản lý; Xây dựng quy chế và kế hoạch hoạt động; và Công bố/ ra mắt mô hình.

Các hoạt động của mô hình được hướng dẫn gồm: (1) Tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề hoặc chuyển giao khoa học – kỹ thuật; tập huấn kiến thức, kỹ năng về tổ chức và quản lý mô hình, tiếp thị và giới thiệu sản phẩm; tổ chức tham quan, học tập mô hình cho các nhóm đối tượng của mô hình; (2) Hỗ trợ để các thành viên trong mô hình tiếp cận nguồn vốn phù hợp: ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn, các chương trình tín dụng vi mô và các nguồn tín dụng khác; vận động các thành viên tham gia tiết kiệm hình thành nguồn vốn nội lực; (3) Hỗ trợ công cụ sản xuất, cây con giống, máy móc trang thiết bị và nguyên vật liệu khác (nếu cần); (4) Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thông qua việc liên kết với doanh nghiệp, hỗ trợ tham gia các hội chợ, giới thiệu sản phẩm; xây dựng thương hiệu (nếu có)...

Hướng dẫn cũng xác định rõ trách nhiệm của các cấp Hội trong việc triển khai thực hiện. Theo đó. TW Hội LHPN Việt Nam trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành Hội trong quá trình xây dựng và thực hiện mô hình; Thẩm định phê duyệt Kế hoạch và ký hợp đồng với các tỉnh, thành Hội để thực hiện mô hình; Hỗ trợ kinh phí để xây dựng và duy trì mô hình gồm: đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề cho lao động nữ; hỗ trợ công cụ sản xuất, cây con giống, máy móc trang thiết bị và nguyên vật liệu khác; Chủ trì và phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện mô hình; và Tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá kết quả và chỉ đạo nhân rộng mô hình.

Hội LHPN các tỉnh, thành phố có trách nhiệm lập kế hoạch xây dựng mô hình trình ĐCT phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; Phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan và các đối tác (nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng và các cá nhân, tập thể quan tâm...) huy động nguồn lực tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá mô hình; Phấn đấu đến năm 2015, mỗi năm xây dựng được ít nhất 02 mô hình, trong đó trung ương hỗ trợ xây dựng 01 mô hình và tỉnh, thành Hội chủ động vận động nguồn lực xây dựng 01 mô hình. Thanh quyết toán kinh phí từ nguồn TW cấp theo đúng quy định của nhà nước; Đảm bảo chế độ thông tin và báo cáo tình hình triển khai thực hiện mô hình định kì 6 tháng/ năm về TW Hội.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video