Chung tay đẩy lùi HIV/AIDS

09/12/2010
Họ, những người có H lại trở thành những thành viên tích cực nhất trong cuộc truyền thông phòng chống HIV/AIDS

Những cám dỗ cuộc đời, những cạm bẫy khó lường đã dẫn họ đến với căn bệnh chết người HIV/AIDS. Đã có lúc, họ suy sụp tinh thần, tưởng chừng như tuyệt vọng. Và trong số ấy, đã không ít người tìm đến cái chết. Nhưng bên bờ vực của cay đắng, tủi nhục, của sự sống và cái chết, khát khao sống, khát khao được làm việc có ích cho đời lại mãnh liệt hơn bao giờ hết. Họ, những người có H lại trở thành những thành viên tích cực nhất trong cuộc truyền thông phòng chống HIV/AIDS: Chúng tôi muốn nói đến những thành viên của các CLB truyền thông, nhóm tự lực phòng, chống HIV/AIDS ở Hà Nội.

 

Vượt lên số phận,đẩy lùi HIV/AIDS


Chị đẹp, vẻ đẹp đủ để cuốn hút bất cứ người nào có dịp gặp chị. Nhưng khi tiếp xúc với chị, chúng tôi mới biết người đàn bà đẹp ấy đã nếm đủ cay đắng cuộc đời với căn bệnh thế kỷ. Nhưng chị đã vượt qua mọi định kiến xã hội để trở thành một thành viên tích cực phòng chống HIV/AIDS. Đó là chị Phạm Thị Huệ, người vừa vinh dự nhận danh hiệu hoa hậu HIV 2010. Chị lớn lên trong một gia đình làm nông nghiệp ở vùng chiêm trũng Hà Nam. Nhà có 4 anh em, Huệ không được học hết phổ thông, hơn 10 tuổi đã phải theo mẹ lên Hà Nội kiếm sống. Năm 20 tuổi, chị lấy chồng. Đứa con đầu lòng của chị sinh ra không may bị câm điếc bẩm sinh. 5 năm sau, Huệ phát hiện cả 2 vợ chồng đều bị nhiễm HIV. Chồng chị chết vài năm sau đó... Nhưng rồi, khi quay lại Hà Nội kiếm sống, chị tham gia công tác tại Trung tâm Sức khỏe phụ nữ Hà Nội. Công việc chính là tuyên truyền cho người dân, đặc biệt những người có nguy cơ cao có kiến thức phòng ngừa lây nhiễm HIV. "Chừng nào tôi còn có sức khỏe, tôi sẽ vẫn tiếp tục công việc, góp chút sức mọn của mình trong công cuộc đẩy lùi HIV"- chị chia sẻ.


Chị Hải cũng là một tuyên truyền viên tích cực và năng động trong các hoạt động phòng chống đại dịch thế kỷ ở Hà Nội. Chị sống chung với HIV từ 5 năm nay. "Khi biết mình có H từ chồng, tôi đã bị sốc. Ðã có lúc sự kỳ thị của mọi người xung quanh khiến tôi không muốn sống nữa. Nhưng bây giờ cuộc sống đã khác" - chị tâm sự. Ðộng lực để chị có thể đứng vững, vượt qua những dị nghị đời thường chính là hai đứa con... Chị quyết định tham gia các nhóm tình nguyện, và muốn xây dựng hình ảnh người có H, rằng không phải tất cả những người có H đều là hậu quả trực tiếp từ tệ nạn xã hội, mại dâm và ma túy, mà nhiều người có H do không may bị phơi nhiễm.


Cần sự vào cuộc đồng bộ


Hiện nay, ở Hà Nội có 12 CLB truyền thông, nhóm tự lực phòng chống HIV/AIDS đó là các nhóm: Ước mơ xanh, Cho bạn và cho tôi… Thành viên là những người có H, họ tham gia vào những công việc tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ cho những người có H tại cộng đồng...


Ông Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố Hà Nội cho rằng: Chính những thành viên trong các CLB ấy là những người tuyên truyền tích cực, hiệu quả nhất. Bằng chính cảm nhận, những trải nghiệm cuộc đời của họ, họ đã mang đến niềm tin và những kiến thức cho cộng đồng, giúp cộng đồng có biện pháp bảo vệ mình khỏi căn bệnh thế kỷ.


Ngoài các nhóm, các CLB trên còn có mô hình "Góc thân thiện" đặt ở một số bệnh viện: Phụ sản Hà Nội, Hòe Nhai và Thanh Nhàn nhằm cung cấp thông tin có liên quan đến HIV/AIDS. Theo ông Tuấn, giải pháp hiệu quả và lâu dài là cần có sự vào cuộc đồng bộ, sự phối hợp của đa ngành trong công tác phòng chống HIV/AIDS, và có sự huy động tham gia của toàn xã hội để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống căn bệnh thế kỷ.

Theo Kinh tế đô thị

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video