Chuyên đề: Thu hút nữ thanh niên tham gia Hội LHPN Việt Nam

22/08/2008
Nữ thanh niên- lực lượng trẻ khỏe, năng động, có tri thức, luôn đi đầu trong mọi phong trào, lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời cũng là lực lượng nòng cốt, lớp cán bộ kế cận quan trọng của Hội LHPNVN. Tuy nhiên, đến nay Hội LHPNVN mới tập hợp được 21,17% trên tổng số 13 triệu hội viên cả nước và mới có 1/3 nữ thanh niên (2,8 triệu/tổng số 11,4 triệu nữ thanh niên)tham gia vào tổ chức Hội LHPNVN. Làm thế nào để tập hợp nữ thanh niên đang là mối quan tâm, trăn trở, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội LHPNVN. Báo PNVN đăng tải các bài viết, ý kiến của một số nữ thanh niên, cán bộ cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp nhằm giúp các cấp Hội tìm ra các biện pháp nhằm tập hợp nguồn nhân lực quan trọng này.

Vẫn còn nhiều nữ thanh niên chưa tham gia vào các tổ chức đoàn thể

Kết quả nghiên cứu Điều tra cơ bản thực trạng nữ thanh niên và công tác nữ thanh niên của Hội LHPNVN năm 2007 tại 11 tỉnh/thành phố đại diện 8 vùng miền trong cả nước cho thấy, trong số 3.057 nữ thanh niên được phỏng vấn, có 28,8% trả lời không tham gia tổ chức đoàn thể nào, 55,1% tham gia 1 tổ chức đoàn thể, 12,4% tham gia 2 đoàn thể, 2,7% tham gia 3 tổ chức, tỷ lệ tham gia 4 hoặc 5 đoàn thể chiếm tỷ lệ rất nhỏ (1%). Nguyên nhân chủ yếu là do nữ thanh niên không có thời gian, bận công việc gia đình, thiếu việc làm, điều kiện kinh tế khó khăn hoặc nội dung sinh hoạt chưa phù hợp, chưa hấp dẫn. Bên cạnh đó là sự phát triển của các phương tiện truyền thông với các chương trình giải trí phong phú, tâm lý e ngại, thiếu hiểu biết về các tổ chức đoàn thể xã hội khiến nữ thanh niên có phần sao nhãng hoặc không quan tâm đến hoạt động Đoàn, Hội.

 

Nghiên cứu cũng cho thấy, công tác nữ thanh niên chưa được đầu tư thỏa đáng, chưa đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nữ thanh niên, chương trình hoạt động của các cấp bộ Đoàn, tổ chức đoàn thể vì sự tiến bộ của nữ thanh niên còn hạn chế. Nghiên cứu cũng chỉ ra có tới 2/3 nữ thanh niên bày tỏ nguyện vọng về cơ hội giáo dục, việc làm, gần ½ mong muốn được hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách đối với thanh niên và 40% có nguyện vọng được tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Những nguyện vọng của nữ thanh niên đang đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn từ tổ chức đoàn thể và toàn xã hội. Đặc biệt là vấn đề tạo nguồn cán bộ tham gia lãnh đạo ở nữ thanh niên còn khá khiêm tốn.

 

Trong số các đoàn thể, Đoàn TNCSHCM và Hội LHPNVN có tỷ lệ nữ tập hợp nữ thanh niên nhiều nhất, tuy nhiên sự phối hợp giữa Đoàn và Hội có nơi còn mang tính hình thức, chưa có chiều sâu, mới dừng ở BCH Hội LHPN và chi đoàn, chi Hội chứ chưa tới được từng đoàn viên, hội viên. Tính xuyên suốt trong hoạt động phối hợp từ T.W đến địa phương còn hạn chế, chưa có kế hoạch khoa học và dài hạn.

 

Kết quả trên cho thấy, vẫn còn một số lượng không nhỏ nữ thanh niên không và chưa tham gia hoạt động của các đoàn thể xã hội. Để công tác tập hợp nữ thanh niên mang lại hiệu quả thiết thực, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nữ thanh niên, đa dạng hóa các hình thức, mô hình hoạt động của các tổ chức đoàn thể đóng vai trò quan trọng. Công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh tới từng gia đình, từng đoàn viên, hội viên để nữ thanh niên hiểu rõ được quyền lợi khi vào tổ chức đoàn thể vừa phát huy năng lực mà vẫn không ảnh hưởng tới cuộc sống riêng. Đối với việc đa dạng hóa các hình thức hoạt động, cần phân biệt giữa hoạt động phong trào và hoạt động hỗ trợ, tạo việc làm. Đối với hoạt động phong trào, cần thiết lập, duy trì, nhân rộng các mô hình phù hợp. Đối với hoạt động hỗ trợ tạo việc làm cần có mục tiêu rõ ràng, chú ý đào tạo nghề, hỗ trợ vốn. Bên cạnh đó, để công tác tuyên truyền và tổ chức hoạt động – hai hoạt động cốt lõi phát huy hiệu quả thì việc phối hợp nhịp nhàng giữa các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền các cấp cũng rất quan trọng, tạo sức thu hút mạnh hơn đối với thanh niên nói chung và nữ thanh niên nói riêng.

Tập hợp nữ thanh niên: Đòi hỏi những cách làm mang tính đột phá


Bướcvào thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, nữ thanh niên Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức mới trong nhiều vấn đề: Học tập, tìm kiếm việc làm, chăm sóc SKSS, tăng thu nhập, tình bạn, tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình; nguy cơ đại dịch HIV/AIDS và các tệ nạn ma túy, mại dâm, buôn bán PNTE, bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới. Đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, tình trạng trẻ em gái bỏ học khá phổ biến, nhất là từ bậc THCS, đây có thể ví như “đội quân dự bị” của thất nghiệp, thiếu việc làm và TNXH. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn tồn tại dai dẳng, dưới nhiều hình thức dẫn đến khoảng cách chênh lệch khá xa giữa nam và nữ về trình độ học vấn. Càng ở cấp cao, tỷ lệ này càng lớn. Nhiều doanh nghiệp từ chối không nhận lao động nữ do lo ngại phải chi trả bảo hiểm, phúc lợi xã hội nhiều hơn nam giới, lo nữ giới mất nhiều thời gian sinh con, chăm sóc gia đình. Công tác cán bộ nữ, đặc biệt là cơ hội học tập, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, cất nhắc vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, các cơ quan dân cử còn nhiều vấn đề phải bàn…

Với chức năng, nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trong đó có lực lượng đông đảo nữ thanh niên, Hội LHPNVN đã có nhiều cách làm, biện pháp nhằm tập hợp nữ thanh niên. Kết quả rõ nét nhất là thành lập các mô hình, tổ nhóm, CLB: CLB nữ thanh niên, nữ học sinh, sinh viên, CLB phụ nữ trẻ, nhóm phụ nữ mới lập gia đình, CLB gia đình phụ nữ trẻ…Nội dung hoạt động tập trung phổ biến kiến thức về tình bạn, tình yêu, hôn nhân, SKSS, kiến thức nuôi dạy con, nữ công gia chánh, kiến thức về giới, làm mẹ, làm dâu, xây dựng gia đình hạnh phúc, đối nhân xử thế. Đặc biệt mô hình dạy nghề lưu động cho chị em, mặc dù mới triển khai ở một số tỉnh: Bình Dương, Bình Thuận, các thành phố lớn như: Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, TP. HCM nhưng đã tỏ ra khá hiệu quả và đang được triển khai nhân rộng. Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội cũng nhận thấy, so với yêu cầu thực tiễn, hoạt động của Hội chưa đáp ứng kịp thời các vấn đề đặt ra. Mặc dù có nhiều cố gắng song tỷ lệ nữ thanh niên tham gia sinh hoạt Hội còn thấp, mang tính hình thức, mới chủ yếu dừng lại ở nữ thanh niên nông thôn, còn “bỏ ngỏ” một số đối tượng: Nữ thanh niên tại địa bàn, nữ học sinh, sinh viên, lao động nữ trẻ tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Tất cả các yếu tố trên đã và đang đòi hỏi các cấp Hội không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, cần có cách làm mới, sáng tạo, sinh động nhằm tập hợp rộng rãi, đông đảo các đối tượng thanh niên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế sâu rộng. Các cấp Hội cần đi sâu tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt thực trạng, tình hình nữ thanh niên, tham mưu, đề xuất kịp thời với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn, đồng thời kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước đề ra các chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho nữ thanh niên tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương và được tạo điều kiện phát triển ngang bằng với nam giới. 

Hoa Lan
- Báo Phụ nữ Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video