Chuyện bình đẳng của phụ nữ nhân ngày 8.3

13/03/2007
Phong trào nữ quyền phát triển rất sớm tại Đan Mạch. Từ năm 1905, phụ nữ đã được đi bầu Hội đồng hàng tỉnh và thị xã; năm 1910, Hội Phụ nữ Đan Mạch KVINFO cùng Viện Goethe của Đức đã đánh dấu ngày 8/3 bằng Hội nghị Copenhagen, đòi quyền bình đẳng nam nữ trong chính trị và việc làm.

Qua năm sau, 1911, Đan Mạch, Đức, Áo và Phổ là những quốc gia đầu tiên mừng ngày 8/3.


Đối với người Đan Mạch, 8/3 là ngày nữ quyền nên hành động tặng phụ nữ hoa hay các món quà được xem là gắn liền với phái yếu như kẹo, nước hoa... chẳng những không được hoan nghênh mà còn bị coi là biểu hiện phân biệt giới tính! Nam giới tỏ ra ủng hộ quan điểm này (giúp họ tiết kiệm được một khoản đáng kể mỗi năm) còn nữ giới cũng không tiện có ý kiến. Có lẽ vì vậy nên phụ nữ Đan Mạch không mấy quan tâm đến ngày 8-3, trừ những nhà hoạt động nữ quyền hay các chính trị gia.


Thập niên 1970-1980, khi phụ nữ Bắc Âu đã có tất cả những gì họ muốn, phong trào phụ nữ chuyển sang hướng giải phóng thân thể và cách mạng tình dục. Đan Mạch là quốc gia đầu tiên chấp nhận hôn nhân đồng giới và lối sống “có con, không chồng” cũng trở nên phổ biến tại đây.


Thống kê năm 1996 cho thấy tỉ lệ trẻ em sống với mẹ độc thân là 14,3% (riêng tại thủ đô Copenhagen là 25%), với cha độc thân là 1,7%; đến năm 2005, tỉ lệ con cái sống với mẹ hoặc cha độc thân trên cả nước đã lên tới 25%. Tuy các nhà xã hội học chưa kết luận gì về ảnh hưởng của kiểu gia đình này lên đứa trẻ nhưng ngay từ cấp mẫu giáo, các cô giáo, bảo mẫu đã phải dành cho chúng sự quan tâm đặc biệt.


Do nhiều phụ nữ Đan Mạch không thích bị ràng buộc bởi hôn nhân - chỉ 1/3 các cặp nam nữ sống chung là có kết hôn, nên trong những năm gần đây số đàn ông lấy vợ nước ngoài gia tăng đáng kể. Rất nhiều cô dâu đến từ Đông và Trung Âu, Thái Lan, Nam Mỹ... thông qua các tổ chức chuyên giới thiệu hôn nhân hoặc dịch vụ trên Internet.


Phong trào nữ quyền tại đây cũng tác động mạnh đến những cộng đồng dân nhập cư, nhất là những người Hồi giáo đến từ các nước Trung Cận Đông và Pakistan. Khi không tìm được sự dung hòa giữa tập tục truyền thống với môi trường mới thì mâu thuẫn nảy sinh, lắm khi dẫn đến bi kịch mà nạn nhân chính là phụ nữ. Hiện Tối cao Pháp viện Đan Mạch đang xét xử vụ Ghazala Khan, cô gái gốc Pakistan, 18 tuổi, bị anh trai bắn chết ngoài phố ngay giữa ban ngày vì đã tự ý kết hôn với một thanh niên gốc Afghanistan năm 2005.


Từ đầu năm 2007 tại Đan Mạch rộ lên phong trào nam giới làm những công việc từ trước đến nay vẫn thuộc về phụ nữ tại đây như cắt tóc nam nữ, chăm sóc người già, nhân viên y tế... Bà Eva Kjer Hansen, bộ trưởng Bộ Bình quyền, khẳng định đây là một dấu hiệu tích cực, tránh được tình trạng có quá nhiều phụ nữ trong một số ngành nghề và mở ra cơ hội cho mọi người đều được làm công việc mình ưa thích. Thế nhưng không phải ai cũng đồng ý với quan điểm này.


Tình trạng nữ giới bị nam giới “lấn sân” còn thể hiện qua cuộc thi hát “Melodi Grand Prix” tháng hai vừa qua để chọn người đại diện Đan Mạch tại cuộc thi cấp châu lục. Người thắng giải có biệt hiệu D.G, là một “đực rựa” hẳn hoi nhưng lại dự thi trong trang phục phụ nữ. Không chừng rồi đây Đan Mạch sẽ có “Ngày quí ông” để nam giới tại đây không cảm thấy... bị phân biệt đối xử!

ĐCSVN.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video