Chuyện cổ tích giữa đời thường

10/10/2012
Có hai người phụ nữ tuổi trên 45, chưa lấy chồng, chưa sinh con nhưng đã vượt qua khó khăn, vất vả, kể cả những lời dị nghị của một số người, dành tất cả tình thương yêu để nuôi nấng, chăm sóc 9 đứa trẻ tật nguyền do di chứng của chất độc màu da cam và bệnh tật hiểm nghèo.
Thể lệ cuộc thi “Những tấm gương Phụ nữ Việt Nam tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”

Khi chúng tôi đến, trong căn nhà nhỏ, 9 đứa trẻ đang được “hai mẹ” cho ăn. Một đứa trẻ đầu to, ngồi trên xe lăn, hàm răng nghiến lại, tay chân co quắp, lâu lâu lại đưa chân đá lung tung. Đứa trẻ bên cạnh mắt mở trừng trừng nhìn mọi người. Quanh đó, đứa thì miệng cười liên tục, đứa thì thân thể mềm nhũn, nằm bất động trên giường, có cháu thấy chúng tôi, bỏ chạy vào vào góc nhà ngồi co ro, sợ sệt… “Hai mẹ” vừa cho các cháu ăn sáng, vừa kể với chúng tôi: Trong 9 cháu, thì 6 cháu bị di chứng chất độc màu da cam, ba cháu bị bại não. Chín phần cơm, chín cái muỗng (thìa) nhỏ, hai mẹ cứ thế chuyền tay nhau cho 9 con ăn… Hơn một tiếng bữa cơm mới xong.

… Năm 1999, hai chị Nguyễn Thị Tuyết Lan và Trần Thị Hiền từ Lâm Đồng về lập nghiệp ở xóm Mới, thuộc tổ 3, phường Trà Bá, thành phố Pleiku (Gia Lai) với một mảnh vườn 7 sào, một căn nhà nho nhỏ. Một hôm, tình cờ có người bạn chị Hiền từ Kon Tum đến thăm, kể câu chuyện về cháu YLiu, con gái đầu lòng của vơi chồng ADuối, dân tộc Xê Đăng ở thôn 5, xã Ngọc Wang (Đắk Hà, Kon Tum). Cháu YLiu bị bệnh bại não, nằm liệt giường, mắt mở to và thấy ai đến thì cháu luôn cười, nụ cười “vô hồn” đầy thương cảm. Sinh cháu bị khuyết tật, người chồng sợ bị Giàng phạt đã bỏ vợ một mình chèo chống nuôi đứa con tật nguyền cùng với bố mẹ bị bệnh thần kinh để đi lấy vợ khác. Hai chị em Lan - Hiền không kìm nổinước mắt, liền ngỏ ý nhận Yliu về nuôi. Ngày đó Yliu đã 1 tuổi mà không khác gì lúc mới sinh, chỉ nằm quẫy đạp. Chị Hiền kể, lần đầi thấy cháu, chúng tôi nhìn nhau, không nói nên lời. Để cứu được cháu và có điều kiện chăm sóc, hai chị em bàn nhau dành tiền cho chị Hiền đi học lớp vật lý trị liệu cho trẻ bị di chứng chất độc da cam và bệnh bại não, khiếm thính ở TP. HCM. Học xong, hàng ngày chị Hiền cần mẫn điều trị phục hồi chức năng cho Yliu, dần dần cháu ngồi được. Hai chị em mừng quá, để dành tiền mua được một chiếc xe lăn… Giờ Yliu đã lớn, cháu biết ngồi lắc lư theo tiếng nhạc mà “hai mẹ” mở cho nghe.

Năm 2001, hai chị em có thêm một “đứa con” nữa. Chị Phương cùng tổ, có đứa con bị bệnh tim, vì gia đình khó kahưn đã tìm đến nhờ 2 chị nuôi giúp. Những năm sau, “đàn con” của hai chị em đông thêm, trong đó cuộc đời cháu YLiễu, người dân tộc Xê Đăng, nếu hai chị em không “nhanh chân” tìm đến để xin về làm con nuôi thì đã làm con “ma lẻ” giữa núi rừng hoang sơ.

“Hai mẹ” tâm sự: “Tội nhất là lúc đêm khuya, trời mưa, giá rét... các cháu bị bệnh, chị em chúng tôi phải cõng từng cháu đến bệnh viện thành phố hoặc bệnh viện tỉnh khám, điều trị, có những cháu bệnh nặng phải điều trị 6, 7 ngày. Nhiều người nhìn chúng tôi ái ngại, thương xót; có người nói: “Sao hai chị không lấy chồng mà sinh con, nuôi nấng. Cùng lắm thì xin một, hai đứa con bình thường về nuôi, sau nay nó lớn có điều kiện phụng dưỡng lúc tuổi già. Một số người không thông cảm, coi chúng tôi như những người “không bình thường”, người “khùng”. Đến bây giờ các cháu đã lớn, đỡ bệnh, kinh tế gia đình cũng tàm tạm, hai chị em phần nào thực hiện được ý nguyện của mình. Chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc...”

Nghe tôi hỏi: Sao cả hai chị không lấy chồng cho gia đình có cha có mẹ, có con đẻ, con nuôi để vui cửa, vui nhà? Hai chị em nhìn nhau và nói không một chút đắn đo: “Cũng ba, bốn người “tìm hiểu”, thời gian đầu họ cũng thương, muốn cùng nhau nên vợ, nên chồng... Nhưng sau khi đến tận nhà, thấy cuộc sống của hai chị em và những đứa trẻ tật nguyền, họ không chịu nổi rồi lặng lẽ ra đi. Thú thật, nhiều lúc cũng cảm thấy buồn. Nhưng cứ nhìn những đứa trẻ tật nguyền này, các cháu mất mát quá so với các em nhỏ khác, lại thấy thương thắt cả lòng. Cả hai chị em chúng tôi quyết định ở vậy nuôi con.

Bài dự thi những tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin, tự trọng, trung hậu đảm đang đăng trên Báo Phụ nữ Việt Nam số 120 ngày 5/10/2012

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video