Chuyện của những "nữ xế" trên tuyến đường Trường Sơn

01/10/2019
Hơn 40 năm chiến tranh đã qua, những nữ chiến sỹ lái xe Trường Sơn thuở nào đã lên chức bà, nhưng những câu chuyện cảm động, đẹp đẽ một thời vẫn đong đầy, thắp lên tình đồng đội cả trong thời chiến lẫn thời bình.

Chiến tranh đã trôi qua hơn 40 năm, những nữ chiến sỹ lái xe Trường Sơn thưở nào đã lên chức bà. Hằng năm, Ban liên lạc nữ lái xe Trường Sơn đều tổ chức gặp mặt, cùng nhau ôn lại chuyện tình yêu cảm động, đẹp đẽ, chia sẻ nỗi niềm và thắp lên tình đồng đội cả trong thời chiến lẫn thời bình.  

Chuyến xe định mệnh thắp lửa tình yêu

Quán nước trước cửa nhà bà Bùi Thị Vân (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) trở thành nơi “hội tụ” của một số chị em từng là nữ chiến sỹ lái xe Trường Sơn một thuở. Những nữ chiến sỹ lái xe Trường Sơn ngày ấy nay đã tuổi xế chiều  nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp nhau để ôn lại kỷ niệm về những năm tháng gắn bó. 

Bà Vân quê Nam Định, năm 17 tuổi, bà đăng ký TNXP rồi chuyển sang quân đội học lái xe. Bà Vân nhớ lại, do thấp nhất nên khi ngồi vào buồng lái, chân bà không với được tay lái. Bà phải kê cái chăn lên ghế và lấy can xăng 20 lít để ở phía sau lưng để dựa vào. Khó khăn thế nhưng chiếc xe do bà lái lúc đó đã vượt qua biết bao đoạn đường nguy hiểm, gập ghềnh. Những tuyến đường ác liệt như Cổng Trời, Khe Tang, Ngã ba Đồng Lộc… đều ghi dấu chân bà và các đồng đội.

“Bom Mỹ thả phá trước thì chúng tôi tìm đường tắt mà đi, thả sau lưng thì cho xe chạy thật nhanh. Nhiều hôm đường 15 bị tắc, chúng tôi phải cho xe luồn ra đường 21 (Quốc lộ 3) để xuyên ra Quốc lộ 1 đi tiếp” - bà Vân kể.

Bà Vân gặp ông Nguyễn Trần Đừng (quê Thanh Trì, Hà Nội) - chồng bà bây giờ - trong chuyến xe chở thương binh về các trại an dưỡng ở Thường Tín. Ông Đừng nhập ngũ khi đang là sinh viên đại học Ngoại ngữ, là lái xe cho Binh trạm 32, Đoàn 559, bị thương nặng ở chân trong một trận càn của địch vào năm 1970. Không ngần ngại, cô tài xế người nhỏ nhắn vẫn cõng anh thương binh trên lưng từ cửa ga vào trại.

Dù kiệt sức vì mất máu nhưng chàng thương binh vẫn không quên xin địa chỉ và tên tuổi của cô gái lái xe để liên lạc. “Sau chuyến xe định mệnh ấy, thỉnh thoảng tôi lại nhận được những lá thư tình. Chữ viết trong thư nắn nót từng dòng, lời lẽ tha thiết, nói rằng “chỉ một lần gặp gỡ mà nhớ nhớ, thương thương...” hay “đối diện với chiến tranh bom đạn chưa từng sợ mà đối diện với người thương sao chẳng nói được điều tưởng chừng như đơn giản...”.

Những lá thư đó không ghi tên người gửi khiến tôi không biết là ai, nhưng lạ là lần nào chở thương binh về hậu cứ, anh Đừng lại chạy ra hỏi tôi có nhận được lá thư nào không? Có lần, tôi đùa: “Nhờ anh nói hộ người viết thư rằng tôi sắp lấy chồng rồi”. Lúc đó, anh Đừng mới bối rối thú nhận mình là người viết thư” - bà Vân nhớ lại.

Từ dạo đó, tình cảm giữa cô nữ lái xe và chàng thương binh Đừng ngày một nhân lên. Nhưng chiến tranh loạn lạc không biết ngày mai ra sao nên hai người không dám hứa hẹn điều gì. Không ngần ngại, ông Đừng thường xuyên động viên, giúp bà có niềm tin vào ngày sum họp. Khi chân đã bắt đầu đi lại được, ông Đừng vượt hơn chục km để thăm người yêu - lúc đó đơn vị bà đang đóng ở Thường Tín.

Đến năm 1974, chúng tôi tổ chức đám cưới sau khi Trung đội nữ lái xe kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình. Kết quả của đám cưới ngọt ngào ấy là 5 người con đều đã trưởng thành, cuộc sống ổn định. Với tôi, những năm tháng lái xe Trường Sơn không chỉ phục vụ chiến trường mà còn tìm được một mái ấm hạnh phúc” - bà Vân xúc động.

Kỷ vật tình yêu kéo dài... 11  năm

Các chị em trong Trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh đều tấm tắc ngợi ca chuyện tình yêu của bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (SN 1950, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) và ông Đinh Công Thắng (SN 1948). Bà Ánh là con gái lớn thứ hai trong một gia đình nhà giáo có đến 7 anh chị em quê ở Hưng Yên. Bố và chị gái của bà thường xuyên đi dạy học ở tỉnh xa, vì thế, từ bé, bà Ánh đã vừa giúp mẹ làm ruộng, vừa trông nom đàn em thơ.

 

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh  và ông Đinh Công Thắng


Năm 1965, giặc Mỹ leo thang chiến tranh miền Bắc, rải bom bắn phá nhiều nơi gây bao đau thương mất mát cho đồng bào ta. Cuộc sống gia đình còn khó khăn, nhưng lòng căm thù giặc của cô gái trẻ vừa bước qua tuổi trăng rằm càng thêm sôi sục. Nhân lúc Tỉnh đoàn kêu gọi thanh niên đăng ký gia nhập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, bà Ánh lén trốn gia đình đi đăng ký gia nhập TNXP của tỉnh.

Đầu tháng 9/1965, bà chuẩn bị hành trang với hai bộ quần áo, một vài thứ đồ dùng gói cái túi lưới gọn nhẹ, rời khỏi nhà lên xã tập trung quân. Tối hôm ấy, bà Ánh nhờ bạn gửi lời xin lỗi đến bố mẹ vì tham gia TNXP mà không báo cho gia đình biết.

Bà Nguyệt Ánh được biên chế vào Đại đội 9 thuộc Tổng đội TNXP 59 đóng quân tại công trường 130 Yên Bái. Ở đây, cô TNXP Nguyệt Ánh đã gặp và trao yêu thương cho chàng công binh Đinh Công Thắng để xây nên một mối tình đẹp kéo dài 11 năm dọc tuyến đường Trường Sơn bão lửa. 

Cuối năm 1966, Trung đoàn 251 công binh nơi ông Thắng đầu quân tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng. Ông Thắng nhiệt tình tham gia. Thấy bà Ánh cùng hai nữ TNXP khác đang lấp ló phía ngoài muốn vào xem văn nghệ, ông đến hỏi chuyện rồi nói khéo xin đồng chí cảnh vệ cho vào xem. Từ giây phút gặp gỡ đầu tiên, ông Thắng đã có ấn tượng đặc biệt với cô TNXP cao ráo và đôi mắt sáng lấp lánh Nguyệt Ánh. Thư từ tâm sự, hai người đã dành tình cảm cho nhau nhưng chưa một lần nắm tay, ngỏ lời.

Đầu năm 1968, đơn vị ông Thắng chuyển gấp vào Quảng Trị. Trước khi đi, ông lặn lội vượt đường đêm đến gặp người yêu. Cuộc gặp ngắn ngủi nhưng quyến luyến, bà Ánh nghẹn ngào dúi vào tay ông một chiếc khăn quàng cổ, một cái bấm móng tay và chiếc bật lửa làm vật kỷ niệm với lời dặn: “Anh nhớ giữ lấy để sau này gặp nhau còn có kỷ vật làm tin”. 

Hai người chia tay mà không hẹn ngày tái ngộ. Cuối năm 1968, bà Ánh trở thành nữ lái xe trên tuyến đường ác liệt. Là bộ đội công binh chuyên mở đường, ông thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của nhiệm vụ lái xe dọc tuyến Trường Sơn.

Ông Thắng mỉm cười: “Khi biết cô ấy là nữ lái xe, tôi đã rất… hụt hẫng. Trong thâm tâm chúng tôi lúc đó, phụ nữ làm sao lái được xe tải. Các cô phải rất mạnh mẽ, thậm chí ghê gớm để chống chọi với những khó khăn không chỉ có bom đạn của kẻ thù. Hơn 5 năm xa cách, đến năm 1973, trong một chuyến ra Bắc, ông Thắng tình cờ biết được trung đội của bà đang tập duyệt cho đợt tổng duyệt mừng ký kết hiệp định Pari ở sân bay Bạch Mai, ông đã lặn lội đến tận nơi xin gặp. Gặp lại nhau, cảm xúc trào dâng khiến bà nghẹn lời. Ông Thắng lấy từ trong túi ra chiếc khăn tay và cái bấm móng tay mà bà Ánh đã đưa làm tin, khẽ hỏi: “Em còn yêu anh nữa không?”.

Bà Ánh đỏ mặt, cúi đầu đáp: “Nếu em không yêu anh mà em còn chờ đợi anh đến bây giờ ư?”. Hóa ra, ở ngoài Bắc, bà vẫn thường xuyên về quê nhà thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe của gia đình ông Thắng. Đám cưới của họ tổ chức giản dị vào một ngày năm 1974. Vợ chồng bà Ánh có hai con, 1 trai 1 gái đã lập gia đình và rất thành đạt.  

* Đầu năm 1968, đế quốc Mỹ liên tục mở các cuộc tấn công dữ dội ra miền Bắc, tình hình chiến sự ngày càng phức tạp. Bộ Tư lệnh 559 đã quyết định chọn gấp một số chị em để đào tạo đội nữ lái xe dọc đường Trường Sơn khói lửa. Từ những miền quê khác nhau, 40 nữ Thanh niên xung phong tuổi từ 18 đến 20 đã gặp nhau trong khóa huấn luyện cấp tốc 45 ngày ở trường lái 255 (nay là trường Trung cấp Kỹ thuật xe - máy Sơn Tây) và trở thành những nữ lái xe “chia lửa” với đồng đội trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử trong Trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh (sau này, Bác Hồ gọi là Chiến sỹ Gái lái xe Trường Sơn). Vượt qua những vùng trọng điểm ác liệt như Ngã ba Đồng Lộc, Khe Ve, Cổng Trời với hàng trăm đêm không ngủ, những “bông hoa sau tay lái” đã vận chuyển an toàn hàng hóa, vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam và đưa thương binh, cán bộ ra miền Bắc học tập, an dưỡng và điều trị. Năm 2014, Đại đội Nữ lái xe Trường Sơn đã được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và lực lượng quân đội đối với những đóng góp và cống hiến của các chị trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

PNTĐ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video