Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Đại Lộc

23/12/2005
Miền đất Đại Lộc đang đổi thay từng ngày

từ một mảnh đất chuyên độc canh cây lúa, đến nay với cách làm mới, mạnh dạn từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế đưa cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất đại trà trong các hộ xã viên, nắm bắt lợi thế mới, các cụm công nghiệp đã hình thành và đi vào hoạt động, mở ra cho Đại Lộc một hướng đi mới, mang tính đột phá. Từ đó, đưa địa phương này trở thành một trong những huyện phát triển của Tỉnh.


Cách đây bốn năm (2001), tổng sản phẩm xã hội (GDP) của Đại Lộc chỉ mới đạt hơn 565 tỷ đồng, với cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm hơn 55%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 33%. Đếnnay, tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 13%, trong đó giá trị công nghiệp tiểu thủ công nghiệp - xây dựng tăng 19%, thương mại - dịch vụ tăng 14%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đạt tỷ trọng: công nghiệp chiếm 43,36%, thương mại - dịch vụ đạt 25%, nông nghiệp chỉ còn 31%. Năm 2005 thu nhập bình quân đầu người đạt 5,4 triệu đồng.

 

Sự có được kết quả phát triển sản xuất, kinh tế đa dạng ở Đại Lộc, là do huyện đã tạo tạo điều kiện và hỗ trợ người dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH - HĐH.

 

Đồng chí Trương Công Kích, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để có bước đột phá trong phát triển kinh tế, nhanh chóng giúp người dân thoát cảnh nghèo nàn, Đại Lộc chỉnh trang đồng ruộng làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, mạnh dạn tìm tòi cây, con giống thích hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu... của địa phương. Đến nay, diện tích đất lúa được chuyển đổi trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn 1000 ha. Những năm qua, huyện tranh thủ nắm bắt lợi thế mới xuất hiện, sau khi quốc lộ 14B – con đường xuyên Á được nâng cấp mở rộng, từ cảng sâu Tiên Sa (TP. Đà Nẵng) chạy qua huyện, nối với đường Hồ Chí Minh qua đường 14D thông thương với cửa khẩu Đác-Ốc sang nước bạn Lào. Huyện đã đầu tư quy hoạch 22 cụm công nghiệp và bước đầu đã hình thành bảy cụm công nghiệp, thu hút 19 dự án của 21 nhà đầu tư vào sản xuất các ngành: gia công giày da, may mặc, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng... với tổng số vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng và 10 triệu USD. Trong đó có sáu dự án đã đưa vào sản xuất thử, 13 dự án đang xây dựng cơ sở hạ tầng, bước đầu giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương, hình thành một lớp công nhân mới ở nông thôn.

Song, trong công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở huyện Đại Lộc vẫn còn những mặt hạn chế cần khắc phục như công tác cải tạo vườn tạp ở nhiều địa phương chưa tập trung thực hiện, hiệu quả kinh tế trang trại chưa cao. Việc phân bố cây trồng chưa đạt kế hoạch, thiếu phù hợp. Nhất là ở một số địa phương chưa chú trọng thực hiện công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, việc triển khai thực hiện đề án phát triển chăn nuôi còn chậm. Đặc biệt, công tác quản lý đất đai còn nhiều hạn chế, một số mô hình, dự án sản xuất cây trồng, vật nuôi mới thiếu ổn định. Cơ chế chưa được cải thiện kịp thời, thủ tục hành chính chưa thông thoáng, việc triển khai đầu tư, xây dựng các công trình chuyển tiếp còn thiếu đồng bộ... Cho nên, nhiều dự án đầu tư vào Đại Lộc còn chậm được triển khai, nhiều nhà đầu tư còn e ngại.


Để khắc phục, đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương, huyện Đại Lộc phải tập trung các giải pháp tích cực, thuận lợi nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp xây dựng, tạo bước đột phá mới cho những năm tới. Đi đôi với thực hiện công tác cải cách hành chính, các chính sách ưu đãi đầu tư, tích cực triển khai công tác quảng bá, kêu gọi đầu tư nhằm thu hút mạnh hơn các chủ đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Phát huy lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của các ngành mũi nhọn, tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động, khuyến khích, hình thành các HTX và tổ hợp tác theo mô hình đa dạng hóa các ngành nghề, các lĩnh vực hoạt động, tiếp tục thực hiện tốt chính sách khuyến công để phát triển các làng nghề truyền thống... Từ đó, đầu tư mở rộng các điểm du lịch, gắn liền việc phát triển làng nghề với phát triển du lịch, tạo ra những sản phẩm hàng hóa phong phú, đa dạng và chất lượng cao hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần vàọ sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Theo trang Web Đảng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video