Chuyện kể người trong cuộc

14/06/2006
Họ là những người đã và đang làm dâu nơi đất khách. Cuộc đời của họ là những chuỗi ngày buồn, vui và nước mắt. Những bộc bạch từ đáy lòng của họ về “hành trình” đi tìm “một nửa” của mình đáng để chúng ta suy ngẫm và nhìn nhận rõ hơn về thực trạng tình hình phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài cũng như cuộc sống, tâm tư, tình cảm của họ.

Những câu chuyện buồn

 

Tin lời chị hàng xóm rủ sang Trung Quốc làm ăn mỗi tháng 500.000 đồng, Đào Thị Êm, 18 tuổi, dân tộc Tày, tỉnh Lào Cai đã gật đầu theo chân người hàng xóm “tốt bụng”, nhanh chóng sa vào cạm bẫy của bọn buôn người. Vừa đến thị trấn Hà Khẩu, giáp biên giới, Êm đã bị má mì bán cho một chủ chứa. Vài tiếng sau Êm liền bị sang tay cho một người đàn ông Trung Quốc 45 tuổi với giá 40 triệu đồng. 4 tháng sống với người dưng, bất đồng ngôn ngữ, “chồng” đi tối ngày, đôi vợ chồng hờ trao đổi, tâm sự với nhau bằng những cử chỉ, ngôn ngữ không lời. Rồi một ngày Êm có thai và được người đàn ông Trung Quốc đưa trở về Việt Nam kèm theo lời hứa khi nào con cứng cáp sẽ sang thăm cho mẹ con Êm tiền mua nhà và cảnh cáo: Không được tiếp tục sang Trung Quốc, nếu thấy sang “thà giết chết còn hơn là cho về với bố, mẹ”. Đã 7 năm trôi qua, “chồng” Êm vẫn không trở lại. Còn người bạn gái cùng đồng hành với Êm, đau đớn hơn đã bị bán cho nhà hàng, đi khách, 2 năm sau, trốn về nhà, người còm nhom, đen đủi, tài sản duy nhất không ngoài một bộ quần áo che thân. Êm còn kể, còn có những em mới 13, 14 tuổi đã bị lừa gạt sang Trung Quốc làm trò tiêu khiển cho những người đàn ông bằng tuổi cha chú mình. Hàng ngày mỗi em phải tiếp 15-20 khách, nếu không nghe lập tức bị bà chủ đánh đập và bắt phải nhịn đói. Sức khoẻ cạn dần, ốm đau, bệnh tật rình rập, nhan sắc tàn phai. Cuộc đời là những chuỗi ngày buồn khổ, không hy vọng.

 

Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố bỏ đi khi mới được 3 tuổi, mẹ đi bước nữa nhưng rồi người bố dượng cũng lại ra đi, để lại cho mẹ con Thái Thị Thuỷ (Tây Ninh) thêm một đứa em. Khó khăn chồng chất khó khăn. Trước hoàn cảnh đó, khi một bà cùng thôn đến rỉ tai: Ngày mai có “đoàn”về đấy, em có đi không? Như trút được gánh nặng trên vai, Thuỷ đồng ý. Sau nhiều lần được lựa chọn, “coi mắt”, Thuỷ đã lọt vào mắt xanh của một người đàn ông Hàn Quốc 36 tuổi. Buổi chiều cùng ngày, Thuỷ đã được người đàn ông dắt đi mua nhẫn cưới, đồng hồ đeo tay và đưa 2 triệu đồng mang về cho mẹ. Rồi đám cưới được tiến hành chóng vánh. Một tháng sau người đàn ông trở lại làm thủ tục kết hôn và đưa Thuỷ về Hàn Quốc làm dâu. Chung sống một thời gian, Thuỷ mới nhận ra người chồng Hàn Quốc là tay nghiền rượu, luôn trong trạng thái say sỉn. Nhớ má, nhớ em, chán chường với cảnh suốt ngày làm bạn với 4 bức tường, Thuỷ xin về, nhưng chồng và gia đình không cho. Trong gia đình nhà chồng, Thuỷ có một chị dâu cũng là người Việt Nam. Hai chị em bàn kế và nói dối “gia đình có tang” để cho Thuỷ về nước. Được hỏi: Tại sao không quay trở lại Hàn Quốc?, Thuỷ trả lời trong nước mắt: Mục đích sang đây là để được đi làm lấy tiền giúp gia đình, mặc dù cũng có người Việt Nam làm ăn ở Hàn Quốc xin việc giúp nhưng chồng dứt khoát không cho đi làm. Em trở về Việt Nam để tiếp tục giúp má, giúp em. Thuỷ còn kể, ở gần nơi Thuỷ làm dâu, còn có trường hợp chị N (Đồng Tháp) lấy phải người chồng cụt chân, đã 3 năm nhưng cũng không được về thăm quê, gặp nhau là khóc ròng. Rồi T, người bạn cùng sang, người chồng cũng không khá hơn, thỉnh thoảng lại nổi cơn khùng, cơn điên, không đi làm, cuộc sống vợ chồng T hoàn toàn trông vào chu cấp của mẹ chồng. Muốn về cũng không được bởi mẹ chồng giữ hộ chiếu…

 

Hôn nhân- chuyện cả đời người

 

Đào Thị Ngọc Lan, quận 11, TP. Hồ Chí Minh kết hôn với một người đàn ông Đài Loan qua một người quen. Do biết tiếng, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống xa quê, Lan đã nhanh chóng hoà nhập với nhà chồng, được mẹ chồng tin tưởng, mỗi năm gia đình nhà chồng cho phép Lan về thăm quê 2 lần. Hỏi về “bí quyết” giúp em có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc, Lan bộc bạch: Điều quan trọng nhất là phải cân nhắc kỹ, suy nghĩ thật chín truớc khi quyết định kết hôn. Ngay cả ở Việt Nam cũng vậy, nếu vội vàng, hấp tấp, cuộc hôn nhân nào cũng rất dễ đổ vỡ. Hàng ngày, ngoài đi làm đồng, Lan còn tham gia các lớp học ngoại ngữ, tham gia vào hiệp Hội phối ngẫu của những người nước ngoài sống ở Đài Loan do một nữ giáo sư đứng ra thành lập, chuyên chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người nước ngoài ở Đài Đông, Đài Loan, trong đó có cô dâu Việt Nam.

 

Lan tâm sự: Những người Đài Loan sống quanh em cũng luôn đối xử tốt với các cô dâu Việt. Họ đánh giá cao đức tính hiền lành, cần cù, chịu thương chịu khó của các cô gái Việt Nam. Tuy nhiên, do một số cô gái Việt trước khi sang Đài Loan chủ yếu là qua “cò” môi giới, không biết tiếng, không thông thuộc phong tục, tập quán địa phương nên khi về chung sống rất dễ gây hiểu lầm, dễ xảy ra “xung đột”, nhất là mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu luôn là vấn đề muôn thuở. Theo Lan, sống ở đâu cũng phải chịu khó làm, cực trước sướng sau. Điều quan trọng là phải luôn biết tự trọng, biết cách ứng xử và phải luôn cầu tiến, ham học hỏi, tạo được không khí cởi mở, thoái mái, tin tưởng trong gia đình cũng như cần hết sức rạch ròi về kinh tế.

 

Cần lắm những tấm lòng nhân ái

 

Qua câu chuyện kể của những người trong cuộc có thể thấy rằng, hầu hết các cô gái Việt Nam bị buôn bán hoặc sống bất hạnh khi làm dâu nơi xứ người là do bị lợi dụng, lừa gạt. Vì mục đích trục lợi, các “cò” môi giới đã không ngần ngại đẩy họ vào con đường cùng không lối thoát. Nhiều trường hợp lấy chồng nước ngoài qua môi giới đang phải sống ê chề, nhục nhã, bị hành hạ đánh đập và làm nô lệ tình dục cho những con “quỷ râu xanh”. Đã đến lúc các ngành, các cấp cùng sắn tay vào cuộc một cách quyết liệt, cùng chung trách nhiệm chặn đứng nạn buôn người vô nhân tính này. Đồng thời các cô gái không nên nhẹ dạ cả tin, trông chờ vào sự “đổi đời” quá dễ dàng, đường đột nơi nơi đất khách quê người. Ở đâu cũng vậy, ông cha ta đã từng có câu: “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần cho ta”. Và cũng bởi không phải người đàn ông Hàn Quốc nào có nhu cầu lấy vợ Việt Nam đều “đàng hoàng” như trong “mộng”. Hầu hết họ cũng chỉ là những người có trình độ thấp, không thể tìm được vợ ở quê nhà.

 

Điều chúng tôi muốn đề cập ở đây, xã hội cũng cần có một cái nhìn độ lượng, nhân ái đối với những trường hợp “sa cơ, lỡ bước”, trở về Việt Nam để giúp họ sớm lấy lại tinh thần, hoà nhập với cuộc sống cộng đồng, tránh kỳ thị, xa lánh bởi suy cho cùng họ và gia đình họ cũng chỉ là nạn nhân của bọn buôn người.

 

 

 

 

 

Đỗ Hoa - Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video