Chuyện những người đàn bà đơn thân

06/08/2007
Nhiều người đã từng biết đến một câu lạc bộ (CLB) kỳ lạ ở Duy Xuyên: CLB phụ nữ đơn thân. Sau 6 năm CLB ra đời, có những chuyện mà, bây giờ họ mới kể.

Qua khỏi cầu Khe Cát, là làng Tĩnh Yên (Duy Thu - Duy Xuyên). Con đường dẫn đến làng, đá cấp phối lổn nhổn. Đường này, đi bộ thì ê chân, đi xe thì ê mông. Đàn bà ít người đẹp nhưng khỏe mạnh thì có thừa. Cực khổ vốn quen nên đã sắp sẵn cho họ, từ khi còn trong bụng mẹ, nếu là đàn bà con gái thì phải khỏe mạnh.

Chị Dung dở một đời chồng, sống héo hắt trong căn chòi tồi tàn đến gần mười năm sau thì ghép đời mình với người đàn ông cùng quê. “Ghép” đến đứa con thứ 3. Chị chấp nhận những nhọc nhằn, điều tiếng, cả khổ ải, vụng dại, nghiệt ngã. Và rồi nhờ tham gia CLB, chị được vay vốn, xoay xở chật vật, mót từng đồng từ con heo, ba năm lại đây chị mới thoát nghèo. Em gái chị Dung, chị Ba không dang dở một đời chồng như chị mình nhưng lại quá lứa lỡ thì, và cũng lại nồi niêu mượn tạm, gá đời tìm cho mình hai đứa con.

Chị Dung bộc bạch : "Mình chỉ kiếm con để nuôi thôi, không cần, cũng không buộc họ phải có trách nhiệm chi cả, nếu họ thương con thì mình nhờ, không để mắt chi tới cũng chừng nớ chuyện thôi”. Còn chị Ba thì nói: “Mà ông mô cũng làm nông, cái đồng bạc của con gà con heo hay cân bông, ký bắp đều có khung rồi, vợ con biết hết, đâu có lấy khoản mô mà giúp mình, mà mình cũng chẳng ép”. Chị Dung: "Họa hoằn lắm, mấy ổng đem cho mấy đứa lon sữa, gói bánh, hết. Mười mấy năm ni, tui nhớ có một lần ổng đem cho con bé 50.000 đồng hồi khai giảng năm nó học lớp ba, hết”. Chị Ba: “Rứa là chị còn may hơn em rồi, ba mấy đứa từ hồi nớ tớih chừ, ghé về thăm được hai lần”. Mấy tiếng “ba mấy đứa” được chị Ba kéo dài không rõ là âm vực của hạnh phúc hay đau khổ. Đời những người đàn bà mưa đầu đông, mây đầu tây sớm tối, không cần bất kỳ một lời hứa nào, giúp đỡ nào của những người đàn ông đã cho họ cái hạnh phúc đơn giản nhất của phụ nữ: được làm mẹ. Cả xóm, tổ 11 có đến mười mấy trường hợp tương tự, ai cũng nghèo.
Xuôi lại xóm dưới, ở tổ 14, chị Mười chấp nhận vung méo tìm nồi méo với người đàn ông khác thôn và có 3 con, trong đó một đứa bị bệnh viêm màng não, mười bốn tuổi mà lớ ngớ, ai cho gì ăn mấy, ai hỏi gì cũng ậm ờ “5 tuổi rồi”. Chuyện lận đận của chị bắt đầu từ hồi mới giải phóng. Khi đó chị không đẹp nhưng mơn mởn, có một ông cán bộ xã cứ lượn lờ, chị Mười khỏn khẻn kể tiếp, tối đến, ổng sáp vô là phải im thin thít, chiều thôi. Rồi đời cứ thế trôi, vì nghĩ đời mình chẳng còn ưng ai được nữa, sau chị lại có thêm với ông này 2 đứa nữa. Quần quật kiếm ăn, nuôi con, nuôi mẹ già mà không hề có bàn tay của người đàn ông trong nhà. Rồi cũng thêm một người con gái được xem là hoa hậu xóm chài, da trắng muốt, có người yêu đàng hoàng, cũng có với người này bốn đứa con. Chuyện của người đàn bà tên Hơn ở CLB càng bi hài hơn khi có đến 6 đứa con, sòn sòn mà đẻ, kiếm con kiểu ấy, thì chịu. Và ngoài người vợ chính thức, 8 đứa con, theo thông tin “rò rỉ” thì người đàn ông này có đến vài người khác, ít cũng được mỗi người thêm hai đứa con nữa. Chị Mười buồn buồn: ai làm nấy ăn, làm nuôi con không kịp thở nữa, hơi đâu mà ghen, mà cũng lấy cái cớ chi để ghen, vô duyên.

Hạnh phúc hiếm hoi

Tin vui là sau khi tham gia CLB được hai năm thì có hai chị... sang ngang dù đã ở hàng U40 và cũng dang dở một lần đò. Đám cưới của hai chị, một lấy chồng về Điện Bàn, một về Duy Tân (Duy Xuyên), không to nhưng vui. Hai đám cưới trong cùng một năm đã đánh vào tiềm thức những người đàn bà ở đây một ước muốn đã bị bản năng làm mẹ lấn át: được làm vợ, được có một gia đình cho riêng mình. Không nhiều, nhưng cũng đã có người nhen nhóm hy vọng: biết đâu đấy đến lượt mình.

Có ai đó bảo rằng, khi ta chịu nhiều đau đớn ở đời, thì có thêm nỗi đau nào nữa cũng chẳng là gì. Điều này dường như đúng với những người đàn bà ở Tĩnh Yên, bởi suốt đời họ gánh vác, đau khổ mà chỉ vui với hạnh phúc hiếm hoi: được làm mẹ. Chị Bảy, sống nghèo túng cùng hai đứa con trong căn nhà rách trước rách sau sát chân ngọn Lô Giáng nghèn nghẹt: “Thôi, mọi chuyện đã như rứa thì cứ để như rứa”. Cũng chăm chỉ làm ăn, nhờ CLB vay được 6 triệu đồng nhưng làm trước mất sau, nuôi heo heo chết, nuôi bò bò chẳng đẻ, chạy từng bữa kiếm cái ăn, kiếm tiền cho “thằng cu” đi học với người ta. Bây giờ tiền vay, tiền lãi với chị như một tảng đá nặng nghìn cân. Chị cúi mặt nói: “Bữa ni mà ra xã làm chi là ai cũng nghĩ mình đi xin miễn giảm này nọ, dị lắm, mà mình có muốn rứa đâu". Hoàn cảnh như chị Bảy, ở Tĩnh Yên không hiếm.

Đầu nguồn cuối bể cũng... đơn thân

Ở cái thẻo đất cuối cùng của Duy Thu, vài bước là cụng đầu vô chân núi Lô Giáng, hụt chân là xuống Thu Bồn, nhìn bên ni Quế Sơn, bên kia Đại Lộc, mọi góc nhìn đều rõ ràng là thế nhưng sao đời của đàn bà ở đây lại mờ mờ đến vậy. Chẳng biết ở Quảng Nam, có nơi nào nhiều tre bằng ở cái vùng đầu nguồn Thu Bồn này không, mà mụt măng nhiều, mà con nít cũng nhiều đến khiếp. Dân vạn ghe, lắc bên ni, lắc bên kia ghe là coi như thêm một đứa trẻ chào đời. Hỏi chuyện sinh đẻ kế hoạch với cán bộ công tác dân số ở xã thì vị này cười, cũng cố lắm mà không được kết quả bao nhiêu. Trẻ em ở đây, nhà cố lắm thì cho học đến hết trung học phổ thông, mà số này thì ít. Phần đông học hết lớp 9, nghỉ, buôn bán, chạy đồng hoặc tứ tán khắp nơi làm ăn, sinh sống, thảng hoặc dăm khi mười họa viếng về cái nơi mình đã được sinh ra, chẳng ai công nhận một cách chính thức, ngoài “ông” ủy ban xã.

Đầu nguồn, sông chảy về biển, dòng nước làm người ta hình dung nơi nó đến, ở những xóm cát mênh mông chi xứ hàng trăm phụ nữ rơi vào cảnh đơn thân sau những ngày biển động. Cơn động biển cuốn phăng của họ chỗ dựa vững chắc nhất, biến họ thành góa bụa, cũng đơn thân nhưng người mất kẻ còn. Thế mới hay, còn mất nhiều khi lại chẳng khác nhau mấy, nhưng lại giống nhau. Đầu sông cuối biển, mạnh yếu gì cũng chung một dòng chảy.

Phan Hoàng
www.nguoiduyxuyen.org

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video