Chuyên tâm, kiên trì mang lại sự bình đẳng cho phụ nữ

03/10/2014

45 năm qua, Hội LHPN luôn là lực lượng mạnh mẽ cùng các tầng lớp nhân dân trong cả nước góp phần thực hiện thắng lợi “cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ (PN)” như tâm nguyện của Bác Hồ. Bà Đinh Thị Bạch Mai - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM (ảnh nhỏ) đã chia sẻ cùng báo Phụ Nữ về những nỗ lực của Hội.

Vì sự bình đẳng nam - nữ

PV: Thưa bà, vì sao hội viên, PN TP.HCM phải luôn chuyên tâm, kiên trì phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ?

- Bà Đinh Thị Bạch Mai: Hội viên, PN TP.HCM luôn tích cực học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Bác Hồ bởi vì Bác đã sống, đã hy sinh cả cuộc đời mình cho tự do của dân tộc và cho sự bình đẳng, ấm no, tiến bộ của mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó, luôn hiện hữu một tình cảm sâu sắc, trân trọng mà Bác đã dành cho các thế hệ PN Việt Nam. Trong nhiều văn thư, văn kiện, bài báo… của mình, Bác luôn nhắc nhở việc tạo điều kiện để PN học tập, tiến bộ và bình đẳng với nam giới. Bác từng nói: “Non sông gấm vóc Việt Nam do PN ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Bác quan tâm động viên, nhắc nhở: “Hiện nay, trong các ngành, số PN tham gia còn ít. Ðảng và Chính phủ rất hoan nghênh, sẵn sàng cất nhắc và giao cho PN những chức trách quan trọng. Muốn vậy, bản thân PN phải gắng học tập chính trị, học tập văn hóa kỹ thuật; nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa; hăng hái thi đua thực hiện “cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình”.

Với Bác Hồ, việc cất nhắc và giao trọng trách cho PN phải gắn liền với giải phóng PN, bởi “để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng PN và tôn trọng quyền lợi của PN”. Thế nhưng, “muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, PN ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti... phải có ý chí tự cường tự lập”. Bởi vậy, những gì trái với quy tắc nam nữ bình đẳng, Người đều có thái độ kiên quyết phản đối.

Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức hay thực hiện Di chúc Bác Hồ, theo tôi không gì khác hơn, chúng ta học Bác ở chính điểm này, phải luôn chuyên tâm tổ chức các hoạt động mang lại những lợi ích thiết thân cho PN, đồng thời kiên trì, đồng hành cùng nam giới phấn đấu thực hiện bình đẳng nam nữ.

* Bà có thể cho biết về những việc làm cụ thể của Hội để xây dựng hình ảnh người PN hôm nay?

- Công việc mà hội viên, PN TP.HCM làm theo lời Bác có thể nói rất nhiều, hiệu quả có thể nhìn thấy. Thời chống Mỹ, ở chiến trường miền Nam có hình ảnh người PN Nam bộ trong các đội quân tóc dài, nữ du kích, nữ tự vệ, nữ biệt động, nữ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Ở hậu phương lớn miền Bắc với phong trào “Ba đảm đang” đã khắc họa hình ảnh PN tham gia bảo vệ và xây dựng hậu phương vững mạnh, sẵn sàng chi viện cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến... góp phần quan trọng trong cuộc cách mạng, đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngày nay, trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, PN thành phố lại càng có thêm động lực để cống hiến hết mình cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiệu quả thiết thực của hoạt động Hội trong những năm qua là yếu tố quan trọng thu hút sự quan tâm của nhiều giới PN tham gia tổ chức Hội. Các cấp Hội luôn chú trọng đầu tư, nghiên cứu xây dựng, thử nghiệm mô hình mới, phù hợp với từng nhóm đối tượng và củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội; tích cực, chủ động sáng tạo nhiều phong trào đi sâu vào cộng đồng dân cư. Thông qua phong trào thi đua “PN tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và các mô hình tập hợp của Hội đã đóng góp tích cực trong xây dựng, phát triển tổ chức Hội vững mạnh, xây dựng đời sống văn hóa tại cộng đồng dân cư, giúp hội viên, PN phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của bản thân, nhằm xây dựng hình ảnh người PN thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước “có lòng yêu nước, có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu”. Nhờ tham gia vào tổ chức Hội, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hội viên, PN đã khắc họa chân dung rất đẹp của chính mình và cùng nam giới chung tay xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng TP. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Hội Phụ nữ đến từng khu phố, từng khu nhà trọ công nhân để vận động thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị

Rèn luyện phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”

* Trong Di chúc, Bác viết: “Bản thân PN thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho PN”. Nói đến Hội hôm nay, nhiều người nghĩ ngay đến các chương trình trợ vốn. Cấp vốn, tạo việc làm có phải là một trong những cách Hội giúp PN có được quyền bình đẳng?

- Đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần tăng quyền và nâng cao năng lực kinh tế cho PN, khuyến khích tinh thần và khả năng sáng tạo để PN khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình, xã hội, góp phần thực hiện bình đẳng, tiến bộ của PN trong đời sống xã hội và gia đình. Chỉ tính riêng cuộc vận động “PN giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, từ năm 1998 đến nay đã giúp 560.182 lượt PN nghèo phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều hình thức: giúp vốn, con giống, cây giống,… với tổng trị giá 1.247,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội còn có rất nhiều chương trình hành động khác để giúp PN nâng cao chất lượng cuộc sống. Sinh thời, Bác luôn tự hào rằng “Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng... PN Việt Nam là PN anh hùng”. Tuy nhiên, “Bác còn mong PN tiến bộ nhiều hơn nữa”. Chính vì thế, làm theo Di chúc Bác Hồ, ngoài việc giúp PN phát triển kinh tế, có công việc ổn định thì việc nâng cao kiến thức, phẩm giá, vị thế của PN cũng là cách thiết thực để làm theo lời dạy của Bác. Vì vậy, Hội luôn tạo điều kiện và môi trường phù hợp giúp hội viên PN rèn luyện những phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, để chị em có đủ năng lực, trình độ và bản lĩnh hoàn thành tốt trọng trách của mình trên nhiều lĩnh vực, công việc, vị trí ngành nghề. Ngày nay, PN TP.HCM đã và đang đứng ở vị trí lãnh đạo một cách vững vàng, xứng đáng; được Đảng và chính quyền quan tâm, được đồng nghiệp nam tín nhiệm.

* Sinh thời, Bác thường nhắc nhở phải quan tâm đến những người lầm lỡ. Xin bà cho biết, Hội đã chăm lo những mảnh đời này ra sao?

- Hội PN xác định, đây là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Hội, đòi hỏi người cán bộ Hội và hội viên phải có kỹ năng, kiên trì, nhẫn nại, đồng cảm và chia sẻ với những người lầm lỡ.

Một sự thật không thể phủ nhận, hiện nay còn một bộ phận PN nhận thức lệch lạc về hai chữ “nữ quyền”, có lối sống không lành mạnh, đua đòi; trẻ em gái chưa ngoan, chưa tự ý thức bảo vệ bản thân, quan hệ tình dục sớm dẫn đến việc mang thai, nạo phá thai ngoài ý muốn gia tăng; PN bị xâm hại, bị bạo lực gia đình, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, thậm chí thiệt hại tính mạng: giềng mối gia đình lung lay, tan vỡ… Đó chính là những điều trăn trở và thách thức lớn của những người làm công tác Hội. Chỉ tính trong khoảng 15 năm gần đây, các cấp Hội đã phối hợp giúp đỡ, cảm hóa giáo dục 21.990 đối tượng lầm lỡ, trong đó số người nghiện ma túy được Hội PN giúp đỡ cai nghiện tại cộng đồng là 156 trường hợp, số người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng được quản lý và giúp đỡ là 1.008 trường hợp, số PN mại dâm được Hội PN vận động hoàn lương là 318 trường hợp, số PN hoàn lương được vay vốn để phát triển kinh tế là 214 trường hợp với tổng số vay trên một tỷ đồng…

Bên cạnh đó, Hội còn thực hiện các mô hình xây dựng Câu lạc bộ “PN vươn lên”, “Đồng cảm”, “Lá chắn”, “Phòng, chống tội phạm”… nhằm tạo môi trường học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, qua đó tuyên truyền nâng cao nhận thức về tổ chức cuộc sống gia đình, giúp chị em sống tốt và trở thành người lương thiện, biết sống và làm việc theo pháp luật. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Hội đã thực sự đến được với những người gặp khó khăn, lầm lỡ trong cuộc sống, đó cũng là nhiệm vụ rất quan trọng mà Hội đã và đang làm theo lời di huấn thiêng liêng của Bác Hồ.

* Xin cảm ơn bà.

NGHI ANH (thực hiện)

NHỮNG MÔ HÌNH LÀM THEO DI CHÚC BÁC CỦA HỘI LHPN TP TRONG KHOẢNG MƯỜI NĂM QUA

Phong trào thi đua “PN tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Trung ương Hội phát động năm 2002, đến nay, đã vận động được 100% cán bộ, hội viên và 79,21% PN đăng ký tham gia. Kết quả bình xét có 98,27% cán bộ, hội viên và 83,7% PN đạt ba tiêu chuẩn phong trào.

Phong trào "Mỗi PN chọn một môn thể thao thích hợp để luyện tập hàng ngày" có 701 CLB, đội, nhóm với 40.429 thành viên.

Phong trào “Người con hiếu thảo” được Thành Hội PN phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên TP thực hiện từ năm 1995, đã có hơn 125.905 lượt gương điển hình được tuyên dương, trong đó, 3.842 gương đạt danh hiệu Người con hiếu thảo 5 năm liền, 775 gương được tuyên dương Người con hiếu thảo mười năm liền.

Phong trào “Người kinh doanh mới” phát động năm 1998, nhằm đề cao ý thức, trách nhiệm của tiểu thương trong việc xây dựng chợ văn hóa, xây dựng ngành hàng văn minh thương nghiệp; nâng cao về kiến thức pháp luật, chính sách, nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, tích cực bài trừ mê tín dị đoan… Hàng năm có trên 85% tiểu thương được bình chọn danh hiệu “Người kinh doanh mới”.

Phong trào “Tự rèn luyện” trong nữ tu với các tiêu chí rèn luyện phẩm hạnh, tích cực học tập và rèn luyện thể dục - thể thao đã thu hút hơn 2.000 nữ tu các cơ sở tôn giáo tham gia. Hội LHPN các cấp đã xây dựng được 63 chi Hội và 62 tổ Hội nữ tu với 2.556 hội viên nữ tu sinh hoạt tại 125 cơ sở tôn giáo trên địa bàn thành phố.

Theo nguồn http://phunuonline.com.vn/ (KK)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video