Chuyện về "Ông Hồng mạ khay"

07/01/2006
“Ông Hồng mạ khay” - đó là cái tên rất đỗi mộc mạc và thân thương mà hàng ngàn hộ nông dân thường gọi, đồng thời cũng là “thương hiệu” về sản phẩm mạ khay của ông Nguyễn Mạnh Hồng ở xã Hợp Lý, Triệu Sơn....

Sinh ra và lớn lên ở làng Di Thành, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, năm 1978, sau khi tốt nghiệp khoa Kinh tế nông nghiệp - Trường đại học Nông Nghiệp I, ông Hồng  được nhận công tác tại Ban cải  tạo nông nghiệp Trung  ương (bộ phận phía Nam), rồi 1986 ông làm giám đốc Công ty Cơ khí - cơ điện tỉnh Vĩnh Long. Trong quá trình công tác, từ năm 1992 đến 1994, ông có vài  lần sang Đài Loan tham  quan, học tập kinh nghiệm về sản xuất ống kim loại mạ. Thời gian ở Đài Loan, ông thấy người nông dân Đài Bắc, Đài Trung, Đài Nam họ sản xuất nông nghiệp như mình nhưng  năng suất lúa thường cao hơn, người nông dân ít vất vả hơn, nhất là ở khâu gieo mạ. Từ ý nghĩ đó, ông đã tìm tòi và học tập phương pháp gieo mạ khay trong nhà phủ ni-lông để mang về nước.

 

Năm 1997, ông Hồng xin nghỉ chế độ và chuyển cả gia đình từ tỉnh Vĩnh Long về quê. Trước khi về, ông đã tự tạo mẫu để đúc khay với chi phí gần 10 cây vàng. Cùng  với vợ con, hành trình từ Vĩnh Long về Thanh Hóa của gia đình ông chỉ có vài bộ quần áo cùng ít đồ dùng cần thiết và ba nghìn chiếc khay gieo mạ bằng nhựa. Về đến Hợp Lý, sau khi  mua 7.500 m2 đất cùng với các máy móc thiết bị chuyên dùng, toàn bộ vốn liếng gia đình ông cũng cạn kiệt. Biết ý định của ông có người nói, chắc ông ấy “chập mạch”, bỏ tiền trăm, bạc triệu để buôn vàng, buôn bạc, mua nhà tậu đất chứ từ cổ chí kim chưa ai làm giàu từ cây mạ... nhưng ông cứ âm thầm, nhẫn nại . Được sự trợ giúp của ngân hàng, bạn bè và bà con lối xóm, vụ xuân 1997, ông khởi nghiệp với 2.800 khay mạ giống 13/2. Rồi vụ đông xuân 1998- 1999 ông tiếp tục sản xuất 18.000 khay mạ bán cho hơn 600 hộ nông dân.

 

Do nhu cầu sản xuất ngày  càng cao, năm 1999 và 2000, ông mở thêm 2 cơ sở sản xuất nữa ở xã Dân Lực (Triệu Sơn) và Quảng Phúc (Quảng Xương). Năm 2004, cả 3 cơ sở sản xuất của ông đã tạo việc làm cho gần 40 lao động, lương bình quân từ 600 đến 900 ngàn đồng/người/tháng, đã cung cấp trên 13 ngàn khay mạ giống Nhị Ưu 63 cho hơn 3.000 hộ ở Triệu Sơn, Thọ Xuân, Như Thanh, Đông Sơn, Quảng Xương, Nông Cống.

 

Vụ chiêm  xuân này, bà con nông dân ở các huyện nói  trên đã hợp đồng với ông cung cấp 55 ngàn khay mạ giống lúa lai để cấy 1.200 đến 1.300 ha. Ngoài ra, ông Hồng còn chuyển giao kinh nghiệm cho anh em, bạn bè ở các xã Hoàng Giang, Trường Sơn (Nông Cống), Thái Hòa (Triệu Sơn), Đông Tân  (Đông Sơn) về kỹ thuật sản xuất mạ khay để phục vụ bà con. Điều mà ông tâm huyết qua thực tế hơn 10 năm sản xuất mạ khay đó là: Sản xuất mạ khay là phương pháp khoa học và tiên tiến, có tính nổi trội, tạo tiền đề cho quá trình thâm canh cây lúa, tỷ lệ nảy mầm cao, cây mạ khỏe, thích ứng  trong quá trình sinh trưởng  và phát triển, tiết kiệm đất. Cùng với các biện pháp chăm bón, mạ khay góp phần nâng năng suất lúa lên từ 10 đến 15%, giảm lượng giống từ 20 đến 30%, giảm chi phí về lao động và tiền  vốn gần 20%, người nông dân hoàn toàn chủ động, nhất là gặp phải thời tiết khắc nghiệt. Đến nay, đã có nhiều huyện trực tiếp  đặt vấn đề với ông để liên kết sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ.

 

Hiện nay, nhu cầu về sản xuất mạ khay cung cấp  cho nông dân là rất lớn nhưng  điều kiện và khả năng của ông lại có hạn. Nếu như có  sự trợ giúp về đất đai, tiền vốn của các địa phương và cơ quan chức năng thì ông sẵn sàng liên kết hoặc chuyển giao công nghệ tới các địa phương có nhu cầu nhằm giảm các khoản chi phí cho nông dân, đồng thời tăng thêm năng suất, hiệu quả trong thâm canh lúa cho hàng vạn hộ nông dân ở tỉnh ta.                                 

Bài và ảnh: Như Thông

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video