CLB “Làm mẹ an toàn” giúp phụ nữ học cách làm mẹ

04/07/2007
Hôm nay, kỳ họp thứ 19, các thành viên CLB “Làm mẹ an toàn” của xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP Hải Phòng được BS Hoàng Thị Sáng - Trạm trưởng Trạm y tế xã phổ biến về các dấu hiệu nguy hiểm đối với phụ nữ khi mang thai, sau khi sinh con và những dấu hiệu nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh.

Không chỉ lắng nghe, các thành viên còn đưa ra nhiều ý kiến thắc mắc về chăm sóc sức khoẻ sản phụ để BS Sáng giải đáp. Không khí sinh hoạt ngày càng cởi mở, vui vẻ và thật sự trở nên sôi động khi các thành viên tham gia vào trò chơi nhanh mắt nhanh tay, trong thời gian ngắn nhất phải tìm chọn được những chiếc lá ghi nội dung phù hợp với từng cây chủ đề đã được nghe phố biến. Nguyễn Thị Yến – 25 tuổi ở xóm 4, thôn Đoàn Thắng luôn cảm thấy hứng thú đối với sinh hoạt của CLB. Yến chia sẻ: “Em vào sinh hoạt ngay từ khi CLB mới được thành lập. Em thấy sinh hoạt CLB rất vui và bổ ích. Khi em sinh cháu được 1, 2 ngày, có dấu hiệu lạ, nhờ những kiến thức được học ở CLB, em biết mình bị sót rau nên đã tự biết đến bệnh viện khám kịp thời.”


Ra đời năm 2004 với sự hỗ trợ của tổ chức Ipas, đến nay CLB “Làm mẹ an toàn” của xã Đặng Cương đã duy trì sinh hoạt được 3 năm. Các nội dung chính của CLB là tuyên truyền về KHHGĐ, phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em và đặc biệt là các kiến thức về làm mẹ an toàn như cách chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ khi mang thai, lúc sinh nở, sau khi sinh và cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh. Sơ qua vậy, hẳn nhiều người thấy hoạt động của CLB chẳng khác mấy các hình thức tuyên truyền về chăm sóc sức khoẻ sinh sản khác đã được thực hiện từ khá lâu và ở nhiều nơi. Nhưng với mô hình này, như bà Phạm Minh Tâm - Hội LHPN thành phố Hải Phòng cho biết: các đối tượng chính được mời tham gia là những phụ nữ trên dưới 30 tuổi, đã lập gia đình, sắp làm mẹ hoặc đã có con. Đối với họ, các kiến thức này rất thiết thực bởi họ sắp hoặc đang phải thực hành.

 

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, ngay cả khi nội dung tuyên truyền có thiết thực nhưng cách tuyên truyền không phù hợp thì chị em cũng dễ chán nản, bỏ cuộc vì cuộc sống ở nông thôn rất bận rộn, vất vả, họ sẽ không sẵn sàng dành thời gian cho những hoạt động mà họ không hứng thú. Chị Ngô Thị Xoan - Chủ nhiệm CLB nói: “Tuyên truyền, phổ biến bằng các giáo cụ trực quan là cách mà CLB lựa chọn để các thành viên dễ hiểu, dễ nhớ. Còn các hình thức sinh hoạt thì thường được thay đổi để lôi cuốn sự chú ý của người tham gia như thông qua các trò chơi, viết báo tường, sinh hoạt văn nghệ, làm thơ .v.v…”

 

Phổ biến kiến thức kĩ càng, cụ thể hơn, đối tượng lựa chọn tham gia sinh hoạt CLB hẹp hơn song lại được vận động sâu hơn – đấy là cách làm của CLB. “Làm mẹ an toàn” – đó không chỉ trách nhiệm quan tâm, giúp đỡ của ngành y tế, là ý thức và kiến thức của người phụ nữ mà còn là vấn đề của gia đình, là sự quan tâm chia sẻ của người chồng và các thành viên khác trong gia đình. Từ quan điểm này mà nam giới và các ông bố bà mẹ cũng được vận động tham gia sinh hoạt CLB. Anh Trương Văn Thiết ở thôn Nhất Trí là một trong số 6 người chồng tham gia đều đặn các buổi sinh hoạt của CLB bởi vì “CLB đã giúp tôi thấy được tầm quan trọng của việc nam giới cần phải chia sẻ, giúp đỡ chị em phụ nữ để nuôi con khoẻ mạnh và xây dựng hạnh phúc gia đình” – Anh Thiết tâm sự.

 

Hay như bác Nguyễn Thị Nhàn, ban đầu, cũng giống như nhiều bậc phụ huynh khác không muốn cho con dâu đi sinh hoạt CLB vì nghĩ mất công mất buổi, chẳng lợi lộc gì. Nhưng sau một vài lần được vận động tham gia thay do con dâu bận việc, bác mới thấy sinh hoạt CLB thật là hay. Khoe thằng cháu nội 3 tháng bụ bẫm, kháu khỉnh, bác bảo: nhờ có CLB mà gia đình bác mới biết cách chăm sóc thằng bé tốt như vậy, cho nó đi tiêm phòng đầy đủ, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, không kiêng khem vô lý như trước kia bác vẫn làm…


Hiện tại xã Đặng Cương có trên 1.300 phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ. Với mô hình “CLB làm mẹ an toàn”, Hội LHPN xã đã phổ biến kiến thức làm mẹ an toàn tới tất cả các sản phụ, do đó 100% chị em đã đi khám thai định kỳ 3 tháng 1 lần, tiêm đủ 2 mũi phòng uốn ván, 100% sản phụ đến cơ sở y tế để đẻ và hầu hết chị em đều cho con bú sữa mẹ ngay sau khi sinh cũng như cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Nhờ tham gia CLB, trên 90% gia đình biết tô màu bát bột cho trẻ nhỏ, từ đó góp phần giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống còn khoảng 15,2%, giảm 4,2% so với các năm trước.

 

Đánh giá về hoạt động của CLB “Làm mẹ an toàn”, ông Phạm Văn Khoa – Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Trưởng ban Dân số, Gia đình, Trẻ em xã Đặng Cương khẳng định: “Phụ nữ nông thôntrước chỉ mải lo làm kinh tế, ít quan tâm chăm lo sức khoẻ bản thân, khi mang thai, sinh nở cũng cho mọi việc thường rấtđơn giản. CLB “Làm mẹ an toàn” đã giúp họ thay đổi nhận thức, hành vi, góp phần quan trọng vào kết quả công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em ở địa phương.”

Sương Mai - Trung tâm hỗ trợ PN phòng chống AIDS và chăm sóc SKSS

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video