CLB Phụ nữ khuyết tật quận Thanh Xuân: Giúp chị em tạo dựng cuộc sống

08/05/2017
Những bông hoa lụa, hoa giấy rực rỡ, xinh xắn… được móc tỉ mẩn, khéo léo, là sản phẩm được tạo nên từ đôi bàn tay của những hội viên phụ nữ CLB Phụ nữ khuyết tật quận Thanh Xuân.

Những sản phẩm này, không chỉ đem lại niềm vui sáng tạo mà còn giúp chị em cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Tôi gặp chị Nguyễn Thị Ngọc Biên (phường Thanh Xuân Bắc), hội viên bị ảnh hưởng chất độc da cam tại Ngày hội việc làm Người khuyết tật năm 2017 khi chị đang tỉ mỉ làm từng bông hoa lụa nhỏ. Chị kể, CLB giúp tôi tự tin, mạnh dạn hơn. Tuần nào, tôi cũng được gặp gỡ, trò chuyện với những bạn đồng cảnh ngộ. Khi được dạy và làm được những sản phẩm thủ công, tôi thấy cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa hơn”. Chị Nguyễn Thị Thanh Thương (huyện Đan Phượng), sau khi được học nghề tại CLB đã móc thành thục nhiều sản phẩm đẹp, như túi, áo, váy và được nhận vào làm việc cho một công ty. Số tiền nhỏ đầu tiên chị kiếm được từ việc đan móc đã động viên chị có thêm niềm tin vào bản thân.

Chị Đoàn Thị Ánh Hồng, Chủ nhiệm CLB phụ nữ khuyết tật quận Thanh Xuân cho biết: CLB thuộc Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân ra đời từ tháng 9/ 2009, với gần 100 hội viên. Phần lớn hội viên của CLB là nạn nhân chất độc da cam, khuyết tật hệ vận động, khiếm thính… CLB  đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo vật chất và tinh thần cho các thành viên. Ngoài các buổi sinh hoạt định kỳ, giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau vượt qua nghịch cảnh, các hội viên còn được học nghề, tạo việc làm. Lớp dạy nghề làm hoa lụa do CLB tổ chức thường xuyên thu hút 30 hội viên. CLB phối hợp với một công ty mở lớp dạy đan móc. Chị Hồng chia sẻ: “Nhiều chị em bị khuyết tật hệ vận động, mọi việc đi lại gần như phụ thuộc vào người thân, nên có sản phẩm các chị phải mất gần1 tuần mới hoàn thành. Nhưng chúng tôi rất vui khi thấy chị em rất say mê với công việc này”.

Không chỉ dạy làm hoa, dạy đan móc cho hội viên của quận Thanh Xuân, CLB còn dạy cho chị em khuyết tật của nhiều quận, huyện khác. Sau khi học nghề ở CLB, nhiều chị em đã làm sản phẩm để bán vào những ngày lễ tết, và còn hướng dẫn cách làm cho các chị em khác. “Tuy công việc tỉ mẩn, mất nhiều thời gian, nhưng nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, công việc đã giúp chị em có thu nhập ổn định, tự lập về mặt kinh tế, đồng thời có thêm kinh phí trang trải cho gia đình. CLB thường xuyên phối hợp với các đơn vị để tạo công việc và đầu ra cho sản phẩm của hội viên. Sản phẩm đan móc và hoa lụa, hoa giấy, hoa đá của hội viên hiện được bán ở nhiều siêu thị và hi vọng trong tương lai, những sản phẩm này sẽ được giới thiệu tới bạn bè quốc tế”, chị Hồng cho biết thêm.

Luôn quan tâm, hỗ trợ chị em trong CLB Phụ nữ khuyết tật, Hội LHPN quận Thanh Xuân thường xuyên tuyên truyền nâng cao kiến thức cho chị em về xây dựng phẩm chất người phụ nữ Việt Nam “Tự tin – tự trọng – trung hậu – đảm đang”, các kỹ năng giữ gìn gia đình văn minh, hạnh phúc; tặng quà cho nữ khuyết tật nhân dịp 8/3, 20/10; phối hợp với CLB và Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân liên kết với các công ty giới thiệu việc làm và tạo đầu ra cho sản phẩm của chị em…

Chị Trần Lan Hương – Chủ tịch Hội LHPN quận đánh giá: “Với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, CLB Phụ nữ khuyết tật quận Thanh Xuân thực sự là ngôi nhà chung của những chị em thiệt thòi. Chúng tôi luôn mong rằng CLB sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa, để giúp phụ nữ khuyết tật có công việc và thu nhập ổn định, từng bước vươn lên, nâng cao cao đời sống tinh thần, vật chất”.

PNTĐ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video