Cơ cấu với chất lượng nữ đại biểu dân cử

30/03/2016
Có thể khẳng định rằng chất lượng nữ đại biểu dân cử không phụ thuộc vào cơ cấu mà chỉ phụ thuộc vào chất lượng của người ứng cử và sự “đồng thuận” của cử tri - mới thực sự quyết định vấn đề này...

Chất lượng nữ đại biểu dân cử không phụ thuộc vào cơ cấu

Dự kiến cơ cấu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp quả là một “bài toán” vô cùng khó khăn, phải có một cách nhìn tổng quát mới có thể hình dung được hết những “dữ liệu của đầu vào” làm nguyên liệu cho việc dự kiến. Phải chăng những nguyên liệu đầu vào này được các cơ quan có thẩm quyền “khai thác” từ hai loại nguyên liệu.

Thứ nhất là căn cứ vào các quy định của pháp luật về bầu cử, như các quy định về tỷ lệ nữ, về tỷ lệ người dân tộc, về tổng số đại biểu được bầu. Đây là những dữ liệu cực kỳ quan trọng, bởi việc dự kiến cơ cấu, thành phần số lượng không thể thoát ly được những ràng buộc pháp lý và vì việc dự kiến cơ cấu thành phần chỉ có thể được thừa nhận khi đã đảm bảo được việc cụ thể hóa các quy định của pháp luật về bầu cử.

Thứ hai là căn cứ vào thực tiễn cuộc sống, từ số liệu dân số, tình hình, đặc điểm của địa phương, về tỷ lệ người dân tộc thiểu số, về thực trạng công tác cán bộ ở địa phương…Những dữ liệu này thật sự quan trọng, vì nếu không có chúng thì việc các cơ quan có thẩm quyền dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu dân cử sẽ không có tính khả thi. Do đó, việc xây dựng dự kiến cơ cấu, thành phần của các cơ quan dân cử phải kết hợp hài hòa những loại nguyên liệu này. Làm thế nào để hai loại nguyên liệu này “gặp nhau” để dự kiến về cơ cấu, thành phần thật sự phù hợp với chất lượng người ứng cử. Chỉ khi đó, cơ cấu thành phần của các cơ quan dân cử mới thật sự đáp ứng được những yêu cầu của pháp luật và đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Nghĩa là khi được phân bổ cơ cấu, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đã lường tính trước và có nguồn cán bộ có chất lượng để dự kiến giới thiệu người ứng cử. Chỉ có như vậy, cơ cấu, chất lượng của đại biểu đã gặp nhau ở những “điểm đầu tiên” trong việc giải quyết bài toán cơ cấu - chất lượng của đại biểu dân cử, trong đó có cơ cấu - chất lượng của nữ đại biểu dân cử. Do đó, có thể khẳng định rằng chất lượng nữ đại biểu dân cử không phụ thuộc vào cơ cấu mà chỉ phụ thuộc vào chất lượng của người ứng cử và sự “đồng thuận” của cử tri - mới thực sự quyết định vấn đề này.

Hiểu thế nào cho đúng về cơ cấu kết hợp?

Từ trước đến nay, đúng là có tâm lý “cứ cơ cấu kết hợp là dồn ngay cho nữ” nhưng trên thực tế điều này chưa hẳn đã đúng, vì cơ cấu kết hợp suy cho cùng đại biểu nào chả gánh trên mình “vài cơ cấu kết hợp”. Nếu cứ chia nhỏ người ứng cử theo một cơ cấu nhất định, trong khi tổng số đại biểu dân cử ở Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp được bầu không tăng lên là một điều “không tưởng”. Và nếu chia được như vậy, trong dự kiến cơ cấu, hẳn đã không còn có “cơ cấu kết hợp”.

Do vậy, cơ cấu kết hợp là “tổng hòa” của tất cả các cơ cấu khác, các cơ cấu khác chính là việc cụ thể hóa cơ cấu kết hợp và đâu chỉ có ứng cử viên nữ mới phải gánh nhiều cơ cấu, công bằng mà nói nhiều ứng cử nam cũng gánh nhiều cơ cấu. Ví dụ, người ứng cử là nam giới, trẻ tuổi, ngoài đảng, người dân tộc thiểu số. Vấn đề ở đây là, cần phải đánh giá “đúng thực trạng” về đội ngũ nữ cán bộ hiện tại và kế cận của mỗi cấp chính quyền để sẵn sàng giới thiệu ứng cử đại biểu dân cử, đảm bảo hài hòa giữa các cơ cấu, thành phần đại biểu dân cử.

Hơn nữa, Luật Bầu cử chỉ quy định về “mức tối thiểu” mà không quy định “mức trần” về tỷ lệ phụ nữ tham gia cơ quan dân cử, điều đó là cam kết được bảo đảm bằng pháp luật, việc triển khai bằng được cam kết này, trước hết thuộc về trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp.

Rất cần sự đồng thuận và chia sẻ

Dẫu biết rằng, việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử lần đầu tiên được thực hiện theo những quy định mới của pháp luật về bầu cử nhưng với cách làm khoa học và xuất phát điểm từ thực tiễn, bám sát các quy định của pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền đã xây dựng cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tương đối sát thực, phù hợp với tình hình hiện nay. Vì vậy, ngoài việc nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành thì rất cần sự đồng thuận và chia sẻ với các cơ quan có thẩm quyền trong tổ chức triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 nhằm bảo đảm thực hiện cơ cấu, thành phần đã được các cơ quan có thẩm quyền dự kiến.

Trong thời gian tới, sau Hội nghị hiệp thương lần 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (nếu có) theo đề nghị của các cấp chính quyền, nhằm bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa cơ cấu với chất lượng người ứng cử đại biểu, trong đó có nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, phù hợp ở tình hình cụ thể ở mỗi địa phương.


Tác giả: Trịnh Văn Chiến - Chuyên viên Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội
Theo:Báo Phụ nữ Việt Nam (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video