Cô gái Paris hát ca trù giữa Sài Gòn

06/04/2006
Dáng mảnh khảnh trong trang phục cô gái Việt xưa, cô gái Pháp, 25 tuổi, Aliénor Anisensel vừa gõ phách vừa hát bài “Hồng Hồng Tuyết Tuyết”.

Đêm 2/4, trong gian phòng tưởng niệm nhà nhiếp ảnh Phạm Văn Mùi tại 191/1D Trần Kế Xương quận Bình Thạnh, Aliénor Anisensel đã làm mọi người xúc động khi cô thể hiện bài ca trù này.

Cô đã được nghệ sĩ ca trù Nguyễn Thúy Hòa truyền dạy cùng nhóm ca trù Thái Hà từ năm 2003.

Và, cũng cách đây hai năm, tại Đại học Nanterre (Pháp), Aliénor Anisensel đã làm nhiều trí thức Việt kiều ở Pháp sửng sốt và xúc động khi tham dự buổi bảo vệ luận văn Thạc sĩ của cô về một đề tài âm nhạc truyền thống đặc sắc của Việt Nam.

GS-TS Trần Văn Khê có mặt trong buổi họp mặt đã nhắc lại câu chuyện khi là Chánh khảo chấm luận văn của Aliénor, ông không cầm nước mắt trước những nỗ lực của một cô sinh viên Pháp…

Tiếp tục làm luận án Tiến sĩ về ca trù, Aliénor đã trở lại Việt Nam. Sau khi đi thực tế ở các giáo phường làng Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội tìm hiểu hát cửa đình, giờ đây Aliénor lại có mặt tại TPHCM để tiếp tục tìm hiểu ca trù phát triển ở các tỉnh phía Nam.

Trong buổi giao lưu CLB Lạc Việt ca trù tại nhà Tiến sĩ Nguyễn Nhã, Aliénor đã gặp và nghe lời kể của nhà thơ Phạm Công Huyền (93 tuổi), nhạc sĩ Tô Long (80 tuổi) là những nhân chứng từng sống trong không khí nghệ thuật ca trù xưa.

Cũng trong không khí đầy cảm xúc này, Aliénor được nghe tiếng đàn đáy của nhạc sĩ Nhị Hùng, tiếng trống của nhạc sĩ Tô Long và tiếng hát của các nghệ sĩ Thanh Hiền, Thục An biểu diễn các khúc hát từ ca trù xưa - hát nói, xẩm huê tình, hát ả phiền - đến những khúc ca trù mới do nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân sáng tác nhân dịp mừng thọ GSTS Trần Văn Khê…

“Em biết cắt nghĩa như thế nào về lòng say mê ca trù Việt Nam… - Aliénor Anisensel tâm sự bằng tiếng Việt xen lẫn tiếng Pháp - Tình cờ, khoảng năm 2002, em bỗng nghe mẹ nhắc đến Việt Nam trong một buổi ăn. Mẹ cũng nhắc đến cụ cố nội từng lập nghiệp tại Sài Gòn xây một khách sạn ở Sài Gòn tên “Hotel de France” vào những năm đầu thế kỷ 20.

Sau đó, em tìm mua một đĩa CD ca trù Việt Nam, không ngờ, nghe CD xong, em như bị một ma lực gì đó thu hút đến khôn nguôi và quyết tâm tìm hiểu về ca trù… Em đã tìm đến GS Trần Quang Hải, GSTS Trần Văn Khê và được ông giới thiệu đến nhiều chuyên gia ở Việt Nam…”

Aliénor sang Việt Nam với học bổng của Viện Viễn Đông Bác Cổ. Sau khoảng thời gian sưu khảo, tìm hiểu thực tế từ năm 2003 đến nay, Aliénor có thể nói rằng: ca trù dầu đã bị thoái lùi, bị lãng quên nhưng ngày nay phần nào được sống lại sau bao thăng trầm của thời gian và không gian.

Đây là vấn đề Aliénor sẽ trình bày trong tham luận đọc tại Hội thảo về ca trù tổ chức vào tháng 6 sắp tới tại Hà Nội…”.

Chính là cô “pa-ri-diên” (cô gái Paris)/Khéo thay lại gặp mối duyên ca trù/Bấy lâu học tập công phu? Hẳn rồi đậu đạt đền bù vẻ vang…” Nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân khi gặp gỡ, tiếp xúc đã viết bài hát nói trên tặng Aliénor.

Và, cô “pa-ri-diên”, cảm động khi được nghe nghệ sĩ Thanh Hiền thể hiện khúc ca được viết tặng giữa TPHCM…

Theo TPO

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video