Cô gái "truyền lửa"

06/11/2008
Tin Trung úy Phan Thị Đông được trao giải Nhất hội thi chung khảo toàn quốc "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" nhanh chóng được truyền khắp Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tự hào nhưng không bất ngờ vì từ lâu, Phan Thị Đông đã là một hướng dẫn viên xuất sắc trong hoạt động tuyên truyền miệng. Đông bảo: Niềm đam mê được tham gia "truyền lửa" cho mọi người đã ngấm vào cô như một lẽ sống tự nhiên, cuộc sống sẽ "nhạt" biết bao nếu mỗi người không tự "đốt" lên trong tâm hồn mình một ngọn lửa về tình yêu và lẽ sống.

Đằng sau một cánh cửa...

"Đằng sau một cánh cửa đóng lại thì một cơ hội mới sẽ mở ra", điều này đúng, ít nhất cũng là với trường hợp của Trung úy Phan Thị Đông. Vào một ngày đẹp trời nọ, cô bé Phan Thị Đông chân nhảy sóc, miệng cười duyên, "ôm" theo giấc mộng tuổi hồng đến với hội thi tuyển nghệ sĩ do một đoàn văn công tổ chức ở thành phố Vinh (Nghệ An). Cô bé không cười được lâu vì các tuyển trạch viên khen chất giọng em đẹp nhưng trông "suy dinh dưỡng" quá, không đủ tiêu chuẩn làm văn công. Đông suýt nữa đã bật khóc nếu không có sự động viên của nhạc sĩ An Thuyên - một người mà em rất "thần tượng". Nhạc sĩ chia sẻ thất bại của cô thí sinh nhỏ bé và nói rằng, cơ hội chẳng bao giờ mỉm cười với người sớm đầu hàng...

Đông là con thứ ba trong một gia đình nông dân nghèo có 6 người con ở xã Hưng Đông (Hưng Nguyên, Nghệ An), nay thuộc phường Đông Vĩnh (thành phố Vinh, Nghệ An). Cuộc sống khó khăn thời thơ bé không ngăn được giấc mơ trở thành nghệ sĩ cứ ngày càng cháy bỏng trong cô. Sau lần thi "trượt" ấy, Đông vẫn không thôi nghĩ về một ngày được trở thành văn công. Năm 1999, ý nghĩ ấy đã bước đầu trở thành hiện thực khi Đông thi đỗ vào khoa Thanh nhạc của Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội). Sau một năm miệt mài học tập, niềm hạnh phúc nhỏ đầu tiên bắt đầu "gõ cửa" phòng Đông: cô được chuyển sang hệ quân nhân, được quân đội cấp kinh phí đào tạo.

Trở thành người lính không có nghĩa là dừng lại, mà tiếp cho Đông một sức mạnh mới để nỗ lực hơn nữa nhằm "gõ cửa tương lai". Cô tích cực tham gia các phong trào Đoàn, Hội; nhiệt tình tham gia các buổi biểu diễn tình nguyện của nhà trường tổ chức tại các đơn vị quân đội. Một lần, cô được nhà trường cử sang phối hợp cùng đội văn nghệ quần chúng của Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng chương trình hội diễn, giao lưu văn nghệ "Tiếng hát làng Sen" trên quê hương Bác Hồ. Chương trình năm ấy rất thành công, Đông được các anh cán bộ phụ trách công tác văn nghệ "vận động" về đơn vị công tác sau khi tốt nghiệp. Cô rất sung sướng vì nếu được làm người chiến sĩ "giữ yên giấc ngủ cho Người", với cô còn hơn cả một niềm mơ ước.

Hướng dẫn viên đa năng

Khi Phan Thị Đông tốt nghiệp Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, có Đoàn nghệ thuật Quân chủng Hải quân và Đoàn nghệ thuật Đà Nẵng ngỏ ý mời về "đầu quân" nhưng Đông đã từ chối cơ hội trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp để bắt đầu một hành trình mới. Thiếu tá Nguyễn Hoàng Diệu, khi ấy là trợ lý tuyên huấn của Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm công tác tư tưởng trước rằng: Về đây, nghề chính văn nghệ của em trở thành nghề phụ, còn nghề nhân viên thư viện, hướng dẫn viên nhà truyền thống, dẫn chương trình của các hoạt động phong trào mới là... chính. Bố mẹ Đông nghe tin con gái mình được về công tác ở Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng cũng cảm thấy lo lắng: "Lăng Bác Hồ là nơi thiêng liêng lắm con ạ. Vốn liếng kiến thức của con đã được là bao mà về đó, làm không trọn vẹn thì có lỗi với bà con khối phố lắm. Cả khu phố nhà ta cũng mới chỉ có mấy người được đi thăm Lăng Bác".

Đông lặng lẽ nhận nhiệm vụ ở Ban tuyên huấn (Phòng Chính trị). Thử thách đầu tiên đối với cô chính là nghiệp vụ thư viện không có. Thoạt tiên, nếu đứng ở ngoài nhìn vào thì ngỡ cái nghề thủ thư có gì ghê gớm, nhưng làm thủ thư ở một đơn vị đặc biệt như Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng quả thật không dễ. Khó nhất là phải luôn luôn mềm dẻo, khách đến tìm hiểu ở thư viện, cũng tức là đến tìm hiểu về Bác Hồ. Có điều gì đó đặc biệt lắm. Rồi Đông tham gia các hội diễn văn nghệ quần chúng, rồi học cách "truyền lửa" từ những hiện vật biết nói trong phòng truyền thống cho khách đến tham quan, chủ yếu là chiến sĩ trẻ. "Mọi cái như phải học lại từ đầu, ví dụ như khi giới thiệu một bức ảnh, kết hợp làm sao để động tác, lời nói, ánh mắt... cùng hòa vào nhau một cách nhịp nhàng để khách tham quan có thể cảm thụ hết những thông điệp đa tầng ý nghĩa trong nhà truyền thống" - Đông chia sẻ như vậy.

Nói vậy, nhưng công việc nào được giao, Đông cũng đều chú trọng làm việc với hiệu suất cao nhất. Hầu hết các hội thi, hội diễn, các hoạt động tuyên truyền cổ động trong đơn vị, Đông đều tham gia. Chỉ riêng hội thi "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", bộ sưu tập thành tích của Đông cũng đã bao gồm: giải Nhì chung khảo toàn quân khu vực phía Bắc, giải nhất hội thi do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, giải Nhất vòng sơ khảo toàn quốc khu vực IV và giải Nhất hội thi chung khảo toàn quốc. Điều ấn tượng ở Đông không phải là các giải thưởng, mà cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng đã cảm nhận được tình cảm, trách nhiệm của cô trong từng lời kể. Ở nhiều diễn đàn thanh niên, giao lưu văn nghệ do đơn vị tổ chức, "nghe Phan Thị Đông" kể chuyện đã thành một món ăn tinh thần của mọi người. Có người còn bảo, cũng một câu chuyện về Bác, khi mình đọc thì thấy thấm một, nghe Đông kể rồi liên hệ, vận dụng, thấy thấm thía gấp 10 lần. Và như chúng tôi đã tường thuật hôm diễn ra hội thi chung khảo toàn quốc, lúc Đông kể xong câu chuyện thì đồng hồ đã điểm 11 giờ 35 phút buổi trưa nhưng khán giả trong hội trường quên cả việc ra về. Họ ngồi lặng đi trong chiều sâu cảm xúc của câu chuyện mà Đông đưa tới.

Trong một vườn hoa đẹp

Đến Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hòa mình vào không khí học tập, rèn luyện của đơn vị, chúng tôi hiểu hơn về môi trường sống và công tác đã giúp Phan Thị Đông luôn giành "vòng nguyệt quế" trong các hội diễn, hội thi.

Đông tâm sự: Hội thi kể chuyện ở cơ quan - nơi Đông công tác cũng căng thẳng không kém so với hội thi chung khảo toàn quốc vì mỗi người trong cơ quan là một "kho tàng" kiến thức về tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ. Ở vòng thi đầu tiên ấy, Đông suýt không được chọn đi thi ở cấp cao hơn nhưng nhờ lợi thế là nữ nên được các thí sinh nam tự nguyện "nhường" suất đi thi.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Chính ủy Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: "Do nhiệm vụ công tác đặc biệt nên đơn vị chúng tôi thường xuyên được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm, kiểm tra và động viên. Các đồng chí luôn nhắc nhở chúng tôi rằng, Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phải là đơn vị gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Chúng tôi luôn quán triệt sâu rộng đến mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, nhân viên trong toàn đơn vị về lời nhắc nhở đó. Hoạt động tuyên truyền nói chung và hội thi "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" nói riêng là một trong những hoạt động bề nổi của Cuộc vận động. Điều quan trọng hơn là những chuyển biến đáng ghi nhận trong việc khắc phục các khuyết điểm, hạn chế của mỗi cá nhân và tập thể".

Có lẽ, nhờ thế mà Đông đã học hỏi được rất nhiều từ các tấm gương tiêu biểu về đạo đức mà cô được gặp, được biết như: Thiếu tá, bác sĩ Phạm Văn Vương - từ một kỹ thuật viên đã tự học trở thành bác sĩ giỏi, có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Các chiến sĩ Nguyễn Chí Công, Bùi Mạnh Thắng, Đỗ Đức Thịnh, Phạm Văn Phúc... đều là những chiến sĩ tiêu biểu cho đức tính trung thực, nhặt được của rơi, trả lại người mất. Chị Nguyễn Vân Hà ở Văn phòng Bộ tư lệnh - một nhân viên tiêu biểu về sự cần cù, nhẫn nại trong giúp đỡ các đoàn khách tham quan... Những con người đó góp phần giúp Đông tự thấy mình cần phải thay đổi. "Điều Đông thích nhất là sau mỗi một câu chuyện kể lại phát hiện ra mình có thêm một điểm yếu để bổ sung vào kế hoạch rèn luyện, tu dưỡng". Còn có một điều mà Đông không kể nhưng tôi biết là cô vẫn âm thầm tiết kiệm khoản tiền lương nhỏ bé của mình để hỗ trợ các em mình ăn học. Bản thân Đông, sau mỗi giờ làm việc lại đều đặn đến trường học tại chức đại học và trau dồi khả năng tiếng Anh. Cô vừa "bật mí" cho biết sẽ rất nỗ lực để thích ứng được ngay khi cơ quan lập ra thư viện điện tử. Với cô, những thành công trước mắt không phải là một đỉnh cao mà là một cánh cửa nữa được mở ra, một thế giới rộng lớn hơn để cô được bước vào: cống hiến và trưởng thành.

Theo ĐCS

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video