Cô giáo đặc biệt của vùng đất Hoa Sen

07/11/2016
Hơn 30 năm dạy học, 16 năm bồi dưỡng học sinh giỏi, cô giáo Lê Thị Mỹ đã mang về cho Trường THCS Thị trấn Mỹ An (Tháp Mười, Đồng Tháp) 73 giải học sinh giỏi cấp huyện, 57 giải học sinh giỏi cấp tỉnh.

 Người truyền cảm hứng đặc biệt

Tình yêu với môn Lịch sử, với nghề dạy học được cô Lê Thị Mỹ nuôi dưỡng từ ngày còn là cô bé mới bước chân vào trường THCS. Dù đã mấy chục năm trôi qua, cô Mỹ vẫn còn nhớ như in hình ảnh cô giáo dạy Lịch sử Nguyễn Thị Nô - Trường cấp 2 Vĩnh Thới (Lai Vung) - trong tà áo dài thướt tha, mái tóc dài óng ả mỗi khi lên lớp và đặc biệt là giọng nói ngọt lịm.

Hình ảnh đó đã khiến cô trò vừa tốt nghiệp tiểu học bắt đầu mê mẩn nghề dạy học. Ước mơ trở thành cô giáo dạy Lịch sử cũng bắt đầu từ đó.

Chính vì ước mơ này mà dù cuộc sống vô vàn khó khăn, dù cả 5 anh chị em đều phải nghỉ học vì nhà quá nghèo, cô vẫn quyết tâm bằng mọi giá để được đến trường, rồi thi vào trường sư phạm với mong mỏi được đứng trên bục giảng.

32 năm gắn bó với nghề giáo, với cô Mỹ, bao chuyện vui buồn, sướng khổ đều đã nếm trải, trong đó có những thử thách về cơm áo gạo tiền trong cuộc sống thường nhật.

Nhưng chính vì tình yêu nghề, cô đã trở thành một người truyền cảm hứng đặc biệt cho rất nhiều thế hệ học trò. Thành công của cô giáo Lê Thị Mỹ không chỉ thể hiện ở số lượng học sinh giỏi lớp 9 môn Lịch sử đạt giải các kỳ thi cấp huyện, cấp tỉnh ngày càng nhiều với chất lượng bền vững; ở thiết bị dạy học tự làm dư thi đều đạt giải cấp tỉnh mà là tình cảm yêu mến của đồng nghiệp và học trò.

“Hiện nay, Trường THCS Thị trấn Mỹ An có gần 100 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có khoảng 20 người từng là học sinh do tôi chủ nhiệm hoặc trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn. Sự trưởng thành về nhân cách và thành quả trong học tập, lao động, sáng tạo của học sinh chính là hạnh phúc thanh cao của nhà giáo.

Tôi rất tự hào khi gặp lại học trò của mình, nay là những cán bộ, giáo viên, công nhân viên trẻ có mặt ở các ngành nghề, có ích cho xã hội. Càng vui sướng và tự hào khi học trò ngày xưa, nay là đồng nghiệp cùng đứng trên bụt giảng, cùng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn” - Cô Lê Thị Mỹ chia sẻ.

Với cô giáo đặc biệt của Tháp Mười (Đồng Tháp), công việc người thầy thầm lặng, vất vả, nhưng thật hấp dẫn, đầy sáng tạo và rất đổi vẻ vang.

Trách nhiệm của người thầy không đơn thuần là dạy chữ mà cao hơn là dạy làm người là đào tạo thế hệ tương lai của đất nước đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội.

Những kinh nghiệm quý trong bồi dưỡng học sinh giỏi Lịch sử

Khó khăn trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi Lịch sử với cô Mỹ cũng là trăn trở chung của nhiều giáo viên; trong đó có việc môn Lịch sử không được nhiều học sinh và cả phụ huynh chú trọng; số học sinh giỏi “tốp đầu” đăng kí học bồi dưỡng học sinh giỏi không nhiều... Tuy nhiên, nếu thực sự tâm huyết và cố gắng, thì không gì là không thể.

Theo kinh nghiệm của cô Lê Thị Mỹ, ngoài xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi thật sự chi tiết, việc chọn đội tuyển rất quan trọng.

Theo đó, học sinh trong đội tuyển cần đáp ứng các điều kiện về học lực và hạnh kiểm, nhất thiết phải yêu thích môn học, kiên nhẫn; có chữ viết dễ coi và chút kĩ năng phân tích, tổng hợp. Số lượng được chọn phải nhiều hơn yêu cầu từ 2 đến 3 học sinh.

“Thường, tôi sẽ đến từng lớp 8 để động viên học sinh đăng ký vào đội tuyển. Sau đó, gặp giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tìm hiểu năng lực những học sinh đã đăng kí. Nếu chưa yên tâm với danh sách học sinh, tôi sẽ trực tiếp gặp học sinh để động viên các em” - Cô Mỹ chia sẻ.

Thành công trong công tác ôn luyện không thể thiếu tài liệu và phương pháp bồi dưỡng. Với cô Mỹ, việc biên soạn tài liệu luôn được thực hiện theo 4 bước mà bước đầu tiên là lấy nội dung chuẩn kiến thức kĩ năng làm nội dung cơ bản.

Sau đó, đọc kĩ yêu cầu trong chuẩn kiến thức kĩ năng chương trình, sách giáo viên, sách giáo khoa ở mỗi bài để xác định nội dung cần phải nâng cao.

Bước tiếp theo, giáo viên đọc thêm sách tham khảo để dự đoán phần nội dung nâng cao có thể đặt những câu hỏi gì và trả lời như thế nào. Đối với câu hỏi mang tính thời sự, kết hợp theo dõi tin tức thời sự trên ti vi; câu hỏi yêu cầu phân tích, đánh giá, so sánh, giáo viên nhận xét tìm hiểu thêm ở sách giáo khoa, sách giáo viên THPT để lựa chọn hướng dẫn trả lời sao cho phù hợp vừa đảm bảo chuẩn kiến thức kĩ năng. Cuối cùng, giáo viên cần chuẩn bị bài tập về nhà thật chu đáo.

Chia sẻ về phương pháp bồi dưỡng, cô Mỹ cho biết, việc kiểm tra bài cũ với tất cả học sinh là không thể thiếu. Nếu số lượng học sinh đông, nên cho học sinh kiểm tra chéo với sự giám sát của giáo viên.

Chỉ sau khi học sinh thuộc dứt điểm bài cũ, giáo viên mới thực hiện bồi dưỡng nâng cao bài mới. Ngoài ra, mỗi tháng giáo viên cho kiểm tra viết 1 lần, rút kinh nghiệm bài làm trong từng câu, từng bài để điều chỉnh, bổ sung.

Với bồi dưỡng nâng cao, giáo viên hướng dẫn học sinh phân tích câu hỏi, lập niên biểu, làm bảng thống kê, so sánh, nhận xét đánh giá, thảo luận ... những câu hỏi nâng cao.

Sau khi sửa và bổ sung hoàn chỉnh, cho học sinh ghi vào vở về nhà học hoặc photo tài liệu phát cho học sinh. Nhất thiết phải yêu cầu các em về nhà học bài kĩ, sưu tầm tài liệu, làm bài tập (nếu có); đọc sách giáo khoa bài mới, dự kiến nội dung trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa.

Khi hướng dẫn làm bài thi, kinh nghiệm của cô Mỹ là nhắc nhở học sinh phân bố thời gian làm bài hợp lí, tránh tình trạng thừa hoặc thiếu giờ.

Trình bày bài làm cần khoa học, sạch sẽ, đầy đủ kiến thức theo yêu cầu, chữ viết rõ ràng, đúng chính tả, câu hỏi có từ 3 điểm trở lên cần nêu ngắn gọn phần mở bài và kết luận.

Về nội dung, học sinh phải tìm hiểu kĩ yêu cầu, nội dung đề bài; ghi vào giấy nháp những từ, cụm từ quan trọng thể hiện nội dung cơ bản của đề; vạch ra vấn đề cần quan tâm khi giải quyết đề bài; sắp xếp, lựa chọn kiến thức chính xác cho từng câu, từng phần; xây dựng đề cương bài viết và làm bài theo đề cương; cẩn thận đọc, kiểm tra và sửa chữa lỗi…

“16 năm bồi dưỡng học sinh giỏi, tôi thấy rằng, thành công của người giáo viên đến từ việc không ngừng học tập nâng cao năng lực chuyên môn, giữ vững lương tâm, tình thương, trách nhiệm; xây dựng kế hoạch hợp lý và thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch; kết hợp phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của học sinh. Đặc biệt, cần tạo niềm tin và sự quyết tâm học tập đạt hiệu quả của học sinh” - Cô Lê Thị Mỹ chia sẻ.

Thành tích của cô Lê Thị Mỹ trong 32 năm dạy học:

- Đào tạo học sinh giỏi: 73 học sinh giỏi cấp huyện (8 giải nhất, 20 giải nhì, 11 giải ba, 16 giải khuyến khích); 57 học sinh giỏi cấp tỉnh (16 giải nhất, 21 giải nhì, 11 giải ba, 5 giải khuyến khích).

- Danh hiệu thi đua: 10 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, trong đó có 2 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

- Hình thức khen thưởng: 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 3 bằng khen của UBND tỉnh; 1 bằng khen Liên đoàn Lao động tỉnh; 8 giấy khen của Sở GD&ĐT.

Năm 2016, cô Lê Thị Mỹ được là 1 trong 5 nhà giáo tiêu biểu của Đồng Tháp.

GD&TĐ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video