Cô giáo người Chăm yêu nghề, yêu trẻ

15/12/2020
Với tâm niệm mỗi bài giảng là một chữ “tâm” gửi gắm sự kỳ vọng yêu thương đến học sinh, hơn 10 năm qua, cô giáo Thái Thị Hồng Trang đã gắn bó với công tác giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện miền núi huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.
Cô giáo Trang với các học sinh của mình

Là người dân tộc Chăm, sinh ra và lớn lên ở Thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, khi còn là nữ sinh trường dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, Thái thị Hồng Trang đã ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo để đưa cái chữ đến với con em đồng bào vùng cao của quê hương.

Ước mơ trở thành hiện thực khi cô thi đỗ vào Khoa âm nhạc - trường Cao đẳng sư phạm Phú Yên. Năm 2008, cô tốt nghiệp và năm 2010, cô được phân công về giảng dạy tại trường TH & THCS Sơn Định (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên).

Cô Trang nhớ lại những ngày đầu nhận công tác: Thời tiết ở đây rất lạnh, con đường đất đỏ trơn trượt, khó đi báo hiệu trước quãng thời gian khó khăn cô sẽ phải trải qua khi giảng dạy ở đây. Cảm giác lo lắng là có nhưng sau khi được gặp gỡ, trò chuyện, lắng nghe những lời tâm sự chân thành và động viên của đồng nghiệp, đặc biệt là sự hồn nhiên, yêu mến thày của học sinh nơi đây đã giúp vững tin “bám” nghề, tiếp tục nuôi dưỡng, thực hiện ước mơ của mình.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình yêu nghề cháy bỏng, mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn nhiều thiếu thốn, nhận thức của đồng bào cũng như học sinh chưa cao nhưng cô đã từng bước khắc phục mọi khó khăn, bám trường, bám lớp. Và nghề giáo lại một lần nữa thử thách tình yêu của cô khi cuối năm 2013, cô lại tiếp tục nhận nhiệm vụ tại một xã miền miền núi đặc biệt khó khăn khác - Krông Pa, huyện Sơn Hòa - trường TH & THCS Krông Pa.

Cô Trang cho biết, Krông Pa với 2/3 dân cư là đồng bào dân tộc Ê Đê; giai đoạn 2011 – 2015, tỷ lệ hộ nghèo ở chiếm tới 57,2%, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn nên chưa chú trọng đến việc học của con em mình. Ngày đầu nhận lớp, nhìn những ánh mắt trẻ thơ rạng ngời, lạc quan, hy vọng, mình như được tiếp thêm sức mạnh để dốc lòng, dốc sức vận dụng những kiến thức, kỹ năng học được tại trường để truyền dạy cho trẻ có nhiều kiến thức, kỹ năng hơn, bớt đi phần nào những thiệt thòi, thiếu thốn của trẻ em miền núi” – Cô Trang chia sẻ.

Và với sự nỗ lực không ngừng, trái tim chân thành, cô Trang luôn gần gũi yêu thương trẻ, coi học sinh như con của mình, vì vậy cô được các em vô cùng yêu quý và các bậc phụ huynh yên tâm, tin tưởng. Đó cũng là niềm vui khiến cô thêm cố gắng hơn. 

Cô Trang tâm niệm, mỗi bài giảng là một chữ Tâm

Đầu năm học 2016 - 2017, do lập gia đình và có con nhỏ nên Trang xin chuyển công tác về trường THCS Sơn Hà (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) gần nhà hơn để có điều kiện thuận lợi chăm lo cho gia đình. Dù là công tác ở đâu, với vai trò nào, cô Trang luôn tâm niệm: “Mỗi bài dạy của giáo viên chúng tôi luôn thể hiện một chữ “Tâm” và chứa đựng niềm mong mỏi lớn đối với tất cả các em học sinh yêu quý”.

Chính vì vậy, nhiều năm liền cô giáo Thái Thị Hồng Trang luôn đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện. Tiêu biểu trong những năm gần đây, cô đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học 2017-2018; đạt giáo viên chủ nhiệm  giỏi cấp trường năm học 2018 – 2019; đạt giải: Thí sinh thể hiện tài năng hay nhất trong Hội thi “Nữ duyên dáng, tài năng ngành giáo dục Sơn Hòa” lần thứ II năm 2019.

Mới đây, cô Trang vinh dự là một trong 63 giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do TW Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ của các giáo viên người dân tộc thiểu số, đặc biệt là những dân tộc có quy mô dân số dưới 10.000 người, đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Khánh Quyên

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video