Cơ hội cho phụ nữ vùng tái định cư ổn định cuộc sống

07/06/2010
Trong căn nhà khang trang còn thơm mùi vôi vữa của chị Nguyễn Thị Xoan ở xóm Liên Phú xã Kỳ Liên (Kỳ Anh), tổ hợp làm đậu phụ gồm 5 thành viên vẫn miệt mài cùng nhau thực hành và trao đổi kinh nghiệm. Cái nóng như thiêu đốt của miền gió Lào cát trắng dường như đã được xua tan bởi nụ cười rạng rỡ của các chị khi đón mẻ sữa đầu tiên ra khỏi bếp than hồng. Công sức của những ngày miệt mài ở lớp tập huấn làm nghề phụ do hội LHPN tỉnh tổ chức nay đã bắt đầu đơm hoa kết trái.

Cùng với chính sách của tỉnh trong việc góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở vùng tái định cư, thời gian qua Hội LHPN tỉnh cũng đã kịp thời đến với hội viên bằng những chuyến đi về thực tế để nắm bắt tâm tư nguyện vọng. Cũng từ đó, quyết tâm đưa nghề mới về với hội viên đã dầntrở thành hiện thực. Chị Nguyễn Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Qua khảo sát thực tế cho thấy, khoảng 35% hội viên ở vùng tái định cư vẫn còn bế tắc trong vấn đề tìm kiếm việc làm. Vì thế, ngay từ đầu tháng 3, chúng tôi đã tiến hành mở lớp đào tạo nghề làm đậu phụ cho phụ nữ ở xã Kỳ Liên”.

Để nghề mới phát huy hiệu quả kinh tế trên vùng đất mới quả là điều không dễ. Bởi từ bao đời nay, thói quen gắn bó với ruộng vườn, với hạt lúa củ khoai đã ăn sâu vào tiềm thức của những người phụ nữ nơi đây. Thiếu việc làm nhưng chị em vẫn còn lần lựa, ngại ngùng khi tiếp thu cái mới. Kiên trì bám trụ với cơ sở, quyết tâm đồng hành cùng hội viên đã là nguồn sức mạnh để đội ngũ cán bộ Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN Kỳ Anh tạm quên đi cái nắng cháy thịt da và những ngọn gió Lào rát bỏng để tạo thêm nhiều cơ hội mới cho hội viên ổn định cuộc sống.

Những cố gắng không mệt mỏi của các chị đã dần được đền đáp khi nghề làm đậu phụ đã bắt đầu bén duyên trong cuộc sống của hội viên nơi đây. Với phương châm thực hành là chính nên việc tạo ra sản phẩm trực tiếp trong những giờ học đã trở thành yếu tố đem lại những thành công ngoài mong đợi. Kết thúc khóa học, đã có 7 gia đình tự nguyện mua máy và đưa nghề làm đậu vào cuộc sống.

Chị Tưởng Thị Hằng - hội viên ở xóm Hoành Nam (Kỳ Liên) cho biết: “Cuộc sống trước đây của chúng tôi chỉ biết trông chờ vào ruộng vườn và chăn nuôi. Thế nhưng khi đến nơi ở mới, tiền đền bù chỉ gần đủ để mua một mảnh đất nhỏ làm nhà, còn việc tìm kế mưu sinh vẫn đang là điều băn khoăn trăn trở. Vì thế khi Hội LHPN mở lớp dạy nghề phụ tôi đã hết sức phấn khởi. Đó thực sự là cơ hội cho chúng tôi ổn định cuộc sống”. Được biết, từ việc chú trọng đầu tư mua máy, áp dụng những kiến thức đã được học đến nay mỗi ngày chị Hằng tiêu thụ hết 10kg đậu cho thu nhập bình quân 60- 100.000 đồng. Chị còn tận dụng bã đậu để chăn nuôi thêm đàn lợn, nhờ thế cuộc sống của gia đình đã ngày càng ổn định. Cùng chung một niềm vui với chị Hằng, chị Thái Thị Nhuần ở khu tái định cư cũng đã tăng thêm thu nhập cho gia đình từ nghề làm đậu phụ.

Dù mới chỉ là bước đầu nhưng nghề làm đậu phụ đã mở ra một hướng đi trong vấn đề giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ vùng tái định cư. Chị Xoan còn cho biết thêm: Chúng tôi sẵn sàng tiếp thu cái mới bởi điều đó góp phần nâng cao cuộc sống cho chúng tôi. Việc thành lập tổ hợp sản xuất cũng không phải là khó mà điều chúng tôi trăn trở là đầu ra cho sản phẩm”. Thực tế cho thấy, sản phẩm làm ra mới chỉ được tiêu thụ nhỏ lẻ ở các chợ quê trong vùng. Vì thế, dù có cố gắng đến bao nhiêu mỗi ngày các chị cũng chỉ có thể tiêu thụ mỗi ngày từ 5kg-10kg đậu.

Giải quyết những băn khoăn trăn trở của chị em, Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN huyện Kỳ Anh cũng đang xúc tiến việc ra mắt nhóm hợp tác sản xuất tập trung đồng thời làm việc lãnh đạo khu kinh tế Vũng Áng, các doanh nghiệp, xí nghiệp để giới thiệu sản phẩm, ký hợp đồng tiêu thụ. Và để tạo thêm nhiều cơ hội cho chị em ổn định cuộc sống, ngoài việc dạy nghề làm đậu phụ, Hội sẽ còn tiếp tục mở thêm nhưng lớp đào tạo nghề mới cho mọi tầng lớp hội viên.

Bài, ảnh: Anh Thư
Báo Hà Tĩnh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video