Cơ hội tiếp cận kinh tế - xã hội cho phụ nữ đơn thân ở Hà Nội

28/03/2008
Phụ nữ đơn thân goá bụa là những người có hoàn cảnh éo le và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống trong khi Nhà nước lại chưa có một chính sách hỗ trợ cụ thể.

Theo khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS và CSSKSS TW Hội LHPN Việt Nam vào tháng 4/2007, tại Hà Nội có 5.150 phụ nữ đơn thân và goá phụ, nhiều nhất là huyện Sóc Sơn có 2.506 chị (chiếm gần 50%), trong đó có 2.452 chị có nhu cầu vay vốn; 658 chị có nhu cầu học nghề cho bản thân và con cái... Để giảm bớt khó khăn cho chị em, tăng cường cơ hội giúp họ vươn lên trong cuộc sống, được sự hỗ trợ của Công ty Johnson & Johnson và Quỹ Hỗ trợ Châu Á Give 2Asia, từ tháng 8/2007, Trung tâm đã triển khai chương trình thí điểm “Tăng cường cơ hội tiếp cận kinh tế - xã hội cho những phụ nữ đơn thân và goá phụ để giảm nhẹ khó khăn trong cuộc sống”.

 

Bà Nguyễn Thị Hoà Bình, Giám đốc Trung tâm cho biết: Ngay sau khi khảo sát để nắm được số lượng và nhu cầu vay vốn, học nghề của chị em trên địa bàn thủ đô, tháng 8/2007, đơn vị đã phối hợp với Hội LHPN Hà Nội tổ chức Hội nghị định hướng giới thiệu chương trình để thảo luận thống nhất quy chế vay vốn, tiêu chí học nghề và hỗ trợ học bổng cho con phụ nữ đơn thân có khó khăn nhưng biết vươn lên trong học tập. Tiếp sau đó, các quận huyện đã tiến hành triển khai hướng dẫn chị em làm đơn xin vay vốn và học nghề; đồng thời Trung tâm cũng thành lập Quản Quản lý Dự án thuộc Trung tâm và Văn phòng Tư vấn hỗ trợ phụ nữ đơn thân trực thuộc Thành Hội Hà Nội. Quan triển khai, văn phòng đã nhận được hơn 200 đơn đề nghị vay vốn (nhiều nhất là huyện Sóc Sơn) và hơn 20 đơn xin học nghề của các quận nội thành như: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân... Sau khi xem xét, Dự án đã lựac chọn 14 chị trong CLB phụ nữ đơn thân của xã Đồng Xuân (Sóc Sơn) để tiến hành cho vay vốn vì đây là địa phương có nhiều đối tượng nhất (gần 200 chị) và là một trong những xã nghèo của huyện.

 

Để việc quản lý cho vay vốn và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, Ban Quản lý Dự án phối hợp với Hội LHPN Hà Nội xây dựng quy chế về vay vốn với điều kiện vay, lãi suất, cách thức trả lãi, tiết kiệm và thu gốc một cách cụ thể, phù hợp với điều kiện của đối tượng đơn thân tại những địa bàn cho vay. Đồng thời, hướng dẫn lập kế hoach cho vay, giám sát nguồn vốn sao cho hiệu quả nhất và đến đúng đối tượng. Bên cạnh đó, Ban Quản lý còn cử cán bộ đi thẩm đinh từng trường hợp cụ thể về hoàn cảnh, nguyện vọng và kế hoạch sử dụng nguồn vốn được vay. Kết quả cho thấy, phần lớn các chị đều có hoàn cảnh éo le, không chồng, có từ 1-2 con, cá biệt có chị 4 con; có chị hoàn cảnh rất đặc biệt, như bị bán sang Trung Quốc, nay mang con về ở với mẹ đẻ, có chị sau khi sinh con ngoài giá thú bị hậu sản, thần kinh không bình thường, phải ở nhờ nhà anh trai và được mẹ đẻ chăm sóc...

 

Nhờ triển khai tích cực với một quy trình duyệt cho vay và thẩm định chặt, thời gian qua, Dự án đã cho 14 chị em vay 80 triệu đồng. Qua 3 đợt kiểm tra cho thấy, các thành viên được vay đều sử dụng vốn đúng như đã đăng ký ban đầu, chủ yếu dành để chăn nuôi, một số ít mở cửa hàng tạp hoá, bước đầu đã cải thiện được một phần cuộc sống. Bên cạnh đó, chị em còn tham gia sinh hoạt nhóm vay vốn 3 tháng/lần với các nội dung như: tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm sử dụng vốn đạt hiệu quả, tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật; cách nuôi dạy con, chăm sóc sức khoẻ sinh sản... nhằm mục đích nâng cao kiến thức hiểu biết về mọi mặt. Để quản lý nguồn vốn được chặt chẽ, Văn phòng đã tập huấn cho Ban Thường vụ phụ nữ xã về công tác quản lý vốn vay, hướng dẫn thu tiết kiệm tự nguyện và tiết kiệm bắt buộc đối với thành viên vay vốn và việc sử dụng quỹ tiết kiệm để cho các phụ nữ đơn thân khác có nhiều khó khăn cũng được vay. Ngoài ra, quỹ tiết kiệm còn được sử dụng trong các trường hợp thành viên vay vốn có rủi ro đột xuất và để trừ nợ dần khi thành viên không có khả năng trả nợ.

 

Bên cạnh cho vay vốn, chương trình còn tư vấn đào tạo ghề và giới thiệu việc làm cho 10 chị em về các nghề như: may công nghiệp, làm đầu; cắm tỉa hoa; nấu ăn, tin học tại Trung tâm DVVL 20/10. Đây đều là những phụ nữ có hoàn cảnh éo le: chồng mất sớm hoặc ly hôn, không có nghề nghiệp ổn định, trong đó có chị bị khuyết tật, không được ở nhà chồng, nhà mẹ đẻ ở xa phải nhờ nhà mẹ nuôi và hàng ngày đi bán tăm tre cho Hội người mù. Có trường hợp trước đây giúp việc trông trẻ cho các gia đình, nay sức khoẻ yếu nên mong muốn học may để sau ra nghề ở nhà may thuê quần áo. Lại có chị chồng mất sớm, bản thân bị tai nạn giao thông, đã mở lớp hướng dẫn gần 60 trẻ em khuyết tật làm các sản phẩm để bán, nay mong muốn được học tắm tỉa hoa để về giúp các em cắm hoa nghệ thuật và mở cửa hàng hoa... Tất cả 10 chị đều có nhu cầu học thành nghề sau khi học xong sẽ tiếp tục được học cao hơn, trong đó có 3 chị mong muốn được giới thiệu việc làm.

 

Chương trình còn hỗ trợ con phụ nữ đơn thân, goá phụ vươn lên trong học tập trên cơ sở tiêu chí chọn học sinh có thành tích cao tại các trường. Dự án cũng đã chỉ đạo các cấp Hội rà soát, tập hợp danh sách con các chị em thi đỗ vào đại học năm 2007 để động viên khen thưởng và tháng 01/2008 và dự kiến đến tháng 5/2008 sẽ trao tặng học bổng cho các em học sinh giỏi tại các trường phổ thông. Ngoài các nội dung hoạt động của chương trình, Văn phòng Tư vấn đã đề xuất với Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội cho 22 phụ nữ đơn thân khác vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn phụ nữ nghèo của Thành Hội. Văn phòng cũng phối hợp cùng các Hội phụ nữ cơ sở huy động tại cộng đồng để để hỗ trợ giúp đỡ và khai thác các nguồn vốn khác cho vay, khảo sát và đề xuất với một nhà sư của Hàn Quốc để cấp học bổng hàng tháng cho con của 11 phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn.

 

Có thể nói, chương trình đã thường xuyên nắm bắt tình hình phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thủ đô để quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ; việc hỗ trợ toàn diện về tâm lý cũng như về kinh tế một cách hợp lý cũng giúp cho những chị em này có cơ hội cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình. Điều này đã được các cấp Hội phụ nữ hưởng ứng nhiệt tình và đánh giá cao hiệu quả ban đầu. Bản thân những phụ nữ đơn thân cũng cảm nhận được sự quan tâm, xoá đi mặc cảm, tự ti để tự tin vươn lên trong cuộc sống.

 

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hoà Bình, việc triển khai chương trình còn có một số hạn chế như: Nguồn vốn vay còn nhỏ trong khi nhu cầu vay vốn nhiều, nên không thể triển khai rộng trên các quận, huyện khác, mà chỉ có thể đưa về một đơn vị có nhiều khó khăn hơn để hỗ trợ; việc giới thiệu học nghề cho phụ nữ đơn thân còn nhiều khó khăn vì đa số chị em có trình độ hạn chế, độ tuổi đều trên 30, trong khi hàng ngày vẫn phải bươn chải kiếm sống nên khó thu xếp để theo học một nghề trong một thời gian dài. Do vậy, đa số chị em đều mong muốn cho con học nghề, bởi con cái phải bỏ học giữ chừng, nay đãtrưởng thành song vẫn chưa có nghề nghiệp ổn định.

 

Được biết, chương trình nay cũng đang được thực hiện tại tỉnh Tiền Giang. Hiện Trung tâm Hỗ trợ Phụ nữ Phòng chống HIV/AIDS và CSSKSS cũng đang phối hợp với hãng UNILEVER triển khai chương trình tín dụng và nâng cao năng lực cho phụ nữ nghèo tại 6 tỉnh thành phố trên cả nước, trong đó có cả phụ nữ đơn thân. Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa chương trình, Trung tâm đã kiến nghị với các nhà tài trợ tăng nguồn vốn cho vay để có nhiều phụ nữ đơn thân được tiếp cận nguồn vốn của chương trình, đồng thời có số vốn dự phòng hỗ trợ khi cần thiết cũng như xem xét việc dạy nghề cho con phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn, tăng thêm phần học bổng để có nhiều cháu được hưởng lợi từ chương trình. Trung tâm cũng mong muốn nhân rộng những hoạt động của dự án tại nhiều tỉnh thành phố để có nhiều hơn nữa chị em được hỗ trợ, làm vơi đi những khó khăn trong cuộc sống đã quá vất vả, éo le và đầy tủi hổ của họ.

LĐ&XH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video