Có một Ban Chấp hành Hội phụ nữ như thế

16/02/2006
Chúng tôi có dịp dự một cuộc họp Ban chấp hành phụ nữ xã EABông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk vào một ngày cuối năm 2005

Đối diện với tôi là những gương mặt tươi trẻ, tràn đầy nhiệt tình của đội ngũ những người làm công tác Hội ở một xã cao nguyên. Ngồi đầu tiên là chị H’Boan, chi hội trưởng buôn Dhăm, kế đến là chị H’Thuý, chi hội trưởng thôn Nhắc, giữa là chị H’wet, chi hội trưởng buôn Ca Krê, chị Nguyễn Thị Mỵ, chi hội trưởng thôn 10-3... BCH Hội LHPN xã hiện không còn ai có trình độ dưới phổ thông cơ sở, có tới 7 chị học hết trung học phổ thông, trong đó có 3 chị người dân tộc thiểu số. Trong năm 2005 có một chị đang đi học Trung cấp phụ vận của tỉnh. Người cao tuổi nhất sinh năm 1949, ít tuổi nhất là em H’Thuý, sinh năm 1981.

Không chỉ đẹp ở “đội hình” mà Ban chấp hành Hội PN xã Eabông còn có nhiều hoạt động đạt hiệu quả cao, nên những năm gần đây, phong trào của xã đã không ngừng đi lên.

Eabông là một xã đa dân tộc, chủ yếu là dân tộc Ê đê chiếm tới 1.100/2.240 hộ toàn xã. Người dân sống bằng cây lúa và cây cà phê. Tới nay trung bình mỗi hộ trồng tới 1 ha cà phê, thu 3,5 tấn/năm. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ của Bộ LĐTB & XH là 264 hộ (11.7%), nhưng theo tiêu chí mới sẽ có 633 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ tới 28%). Các hộ nghèo đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Hộ nghèo do phụ nữ làm chủ chiếm 21,5%. Vì vậy giúp chị em vươn lên xoá đói giảm nghèo vẫn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Hội LHPN xã Eabông.

Đồng thời với việc nâng cao chất lượng tổ, nhóm vay vốn, tiết kiệm theo mô hình hướng dẫn của TW Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Eabông đã duy trì và phát triển vốn tín chấp từ Ngân hàng chính sách lên tới 889 triệu đồng, năm 2005 tăng số dư mới 50 triệu so với năm 2004. Nét mới ở đây là Hội phụ nữ tín chấp và ký hợp đồng đưa về gần 15 tấn thóc giống lúa R/64 cho chị em vay trả chậm, bình quân mỗi chị vay 50 kg, không tính lãi,đến mùa thu hoạch trả bằng tiền. Với hình thức này, nhiều chị em nghèo trong xã đã có giống lúa để sản xuất, vượt lên được khó khăn của gia đình. Thôn Dhăm có 65 chị được vay 4 tấn giống lúa, chị em đã trả trước cả thời hạn.

Ngoài giúp phụ nữ nghèo vươn lên, để thu hút, tập hợp hội viên, Hội phụ nữ xã Eabông còn phấn đấu xây dựng các mô hình hoạt động mới. Năm 2005, mô hình mới ở đây là mô hình tổ chức giao lưu kết nghĩa giữa các đơn vị như: Một thôn kết nghĩa với một buôn hoặc buôn kết nghĩa với buôn. Các đơn vị kết nghĩa có nhiệm vụ giúp nhau kinh nghiệm sản xuất và tổ chức cuộc sống gia đình. Xác định giúp chị em nâng cao chất lượng cuộc sốngvẫn là cái gốc để chị em gắn bó với quê hương nên các chi hội luôn quan tâm nhiều hơn tới các chị em khó khăn. Chị Nguyễn Thị Mỵ, chi hội trưởng chi hội 10/3 đã cho chị em trong thôn vay trên 7 tấn thóc giống và gần 4 tạ gạo tới mùa thu hoạch mới trả. Gia đình chị có 6 người, chủ yếu trồng cây lúa. Chị cho biết cũng là nhờ làm lụng chăm chỉ và có kỹ thuật nên mỗi năm gia đình thu hoạch tới 20 tấn thóc, ngoài ra còn chăn nuôi bò, heo. Được phát động trong các chi hội về tinh thần giúp đỡ các chị em nghèo ở các buôn như buôn Mblớt và buôn Nhắc nên chị đã về trao đổi cùng chồng và các con cho chị em vay. Vào tháng 10 năm 2004, taị xã đã có không ít người nghe theo kẻ xấu xúi giục đã tham gia bạo loạn khi quay trở về địa phương cuộc sống rất khó khăn. Vì vậy trong các cuộc giao lưu gặp gỡ, chị em còn tuyên truyền, vận động nhau không nghe theo kẻ xấu bỏ nhà cửa đi khiếu kiện mà cố gắng lao động, sản xuất để tăng thu nhập.

Đồng thời với việc chăm lo đời sống vật chất, Hội LHPN xã Eabông còn quan tâm đến các hoạt động tinh thần như tổ chức giao lưu cầu lông, bóng chuyền, thi nấu cơm, cắm hoa, nhảy bao bố…

Với những hoạt động ngày càng có hiệu quả, chăm lo được quyền lợi thiết thực cho hội viên nên hiện nay xã Eabông đạt 100% cơ sở có tổ chức Hội. Tỷ lệ hội viên năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt năm 2005 đạt 66,9%, tăng so với năm 2004 là 11,9%. Hội viên đóng hội phí đạt gần 100%.

Khi chia tay Ban chấp hành Hội PN xã Eabông, tôi cứ xuýt xoa: Ở một xã cao nguyên như thế mà có được một đội ngũ BCH như thế quả là tốt cho phong trào. Chị Lê Thị Thanh - Chủ tịch PN huyện Krông Ana cho biết: “Hầu hết các hoạt động của phong trào đều đạt loại khá, giỏi, duy chỉ có tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ của xã này là còn phải phấn đấu nhiều chị ạ: Nhiệm kỳ này giới thiệu vào cấp uỷ 3 chị nhưng chỉ có 1 chị vào được (1/11 là nữ, đạt tỷ lệ 9%). Nhiệm kỳ trước đạt 11%”. Tôi nghĩ, đạt được tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ, không chỉ là sự phấn đấu ở phía chị em mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp là yếu tố quan trọng./.

Hạnh Sâm

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video