Cơ quan hợp tác kỹ thuật bỉ (BTC) và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam

25/10/2004
Bỉ là một trong những nước bắt đầu có chương trình viện trợ cho Việt Nam từ năm 1977.

Đến nay, trong số các nước nhận viện trợ ở khu vực Châu á-Thái Bình Dương, Việt Nam luôn được Chính phủ Bỉ coi là một trong những nước dành ưu tiên hỗ trợ hàng đầu. Các chương trình/dự án hỗ trợ này tập trung chủ yếu vào 5 lĩnh vực, bao gồm Y tế công cộng; Giáo dục đào tạo; Nông nghiệp và an ninh lương thực; Phát triển cơ sở hạ tầng và Phát triển xã hội; nâng cao năng lực thể chế, quản lý hành chính...

 

Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Bỉ (BTC) được tách ra từ Bộ Ngoại giao Bỉ, có nhiệm vụ thay mặt Nhà nước Bỉ quản lý thực hiện các dự án hợp tác song phương mà Chính phủ Bỉ đã ký kết với các nước. Tại Việt Nam, BTC có văn phòng đại diện trực thuộc Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội.

 

Năm 1995, qua chuyến thăm và công tác tại các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, Hoàng hậu Bỉ Fabiola đã được tiếp cận và tận mắt chứng kiến những vất vả, cực nhọc của phụ nữ nghèo Việt Nam. Bà nhận thấy, bên cạnh việc có vốn để đầu tư vào sản xuất, điều cần thiết đối với chị em là quản lý đồng vốn đó hiệu quả. Từ thực tế đó, với mục đích nhằm nâng cao năng lực thể chế của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt nam trong quản lý các chương trình tín dụng tiết kiệm (TDTK) đồng thời đáp ứng nhu cầu của phụ nữ nghèo Việt Nam, năm 1996, dự án "Nâng cao năng lực của Hội LHPN VN trong quản lý các chương trình TDTK cho phụ nữ nghèo" (được gọi là Dự án Tín dụng Việt-Bỉ) đã được Chính phủ Bỉ tài trợ với tổng ngân sách là 1.938.710 USD. Dự án đã được triển khai tại 57 xã thuộc 57 huyện của 7 tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Kon Tum và Tiền Giang từ năm 1997. Với những thành công ban đầu trong giai đoạn này -giai đoạn thử nghiệm, hai chính phủ Bỉ và Việt Nam đã quyết định tiếp tục mở rộng dự án ở 17 tỉnh, 207 xã trên phạm vi cả nước với tổng kinh phí là 3.796.387 USD cho giai đoạn 2 (2001 - 2005).

 

Dự án bao gồm hai mảng nội dung chính là đào tạo về quản lý Quỹ vốn quay vòng và ứng dụng thực hiện các hoạt động quay vòng vốn. Ngoài ra, dự án còn tiến hành một số nghiên cứu phục vụ lĩnh vực này.

 

Trong năm đầu dự án tập trung đào tạo Ban Quản lý dự án (BQLDA) các cấp về Lập Kế hoạch theo phương pháp tổng thể (PIPO/IDIMA), các vấn đề liên quan đến quản lý tín dụng tiết kiệm và các kỹ năng kế toán. Đến nay đã có 1.457 lượt cán bộ Hội phụ nữ các cấp tham gia BQLDA được tập huấn.

Đây là Dự án đầu tiên của Hội LHPNVN áp dụng thống nhất từ đầu chương trình vi tính quốc tế MB của FAO và hệ thống thông tin quản lý (MMIS) vào quản lý tín dụng và tiết kiệm. Hiện các cán bộ Dự án tại 17 tỉnh đã trực tiếp thực hiện các giao dịch trên hệ thống MB để quản lý khách hàng, nguồn tài chính và các hoạt động TDTK của dự án. Mọi thông tin về hoạt động của dự án được cập nhật và được các BQLDA cấp tỉnh chuyển về TW thông qua mạng e-mail.

 

Để phục vụ cho công tác huấn luyện và quản lý, dự án đã soạn thảo và biên dịch các tài liệu "Sổ tay vận hành dự án", "Quản lý các hoạt động phát triển theo phương pháp PIPO/IDIMA", "Hướng dẫn sử dụng phần mềm MicroBanker", "Hướng dẫn sử dụng hệ thống tài khoản sổ cái thuộc phần mềm Micro Banker". Dự án cũng đã lập trình thêm một phần mềm mới "Chương trình kết sinh báo cáo cấp xã" nhằm hỗ trợ tốt hơn việc quản lý các hoạt động TDTK tại các xã có dự án.

 

Trên cơ sở nghiên cứu rút kinh nghiệm các điểm mạnh, điểm yếu của từng loại hình dịch vụ TDTK chính thức và bán chính thức của Việt Nam, trong đó có mô hình Quỹ TYM của Hội LHPNVN, dự án đã đưa ra mô hình cơ chế TDTK của mình, trong đó nhóm/cụm làm tín chấp để vay vốn, tín dụng đi đôi với tiết kiệm (tiết kiệm ban đầu và tiết kiệm hàng tháng), món vay vừa và nhỏ, lãi suất vốn vay và tiết kiệm phù hợp; tiền tiết kiệm được đóng trong các cuộc họp hàng tháng vào một ngày nhất định có kết hợp sinh hoạt lồng ghép các chuyên đề nhằm nâng cao kiến thức cho phụ nữ vay vốn.

 

Hoạt động quay vòng vốn của dự án được tiến hành vào năm thứ 2, sau khi đội ngũ cán bộ dự án các cấp và thành viên vay vốn đã được huấn luyện. Hoạt động quay vòng vốn đầu tiên được thực hiện tại 1 xã điểm để đánh giá rút kinh nghiệm và sửa đổi bổ sung cho phù hợp trước khi triển khai dần ra các xã trong địa bàn dự án. Chính nhờ đặc điểm ưu việt của công nghệ quản lý tài chính vi mô trên mạng mà dự án đã được mở rộng với một tốc độ nhanh và hiệu quả. Từ xã đầu tiên giải ngân vào tháng 3/1999, đến tháng 6/2003 dự án đã giải ngân tại 207 xã cho 65.747 lượt chị em phụ nữ vay vốn, với tổng số dư nợ là 35,7 tỷ đồng. Tỷ lệ hoàn vốn và tiết kiệm hàng tháng là 99,97% (trừ một số trường hợp thành viên chết hoặc bị bão lụt năm 1999 tại Thừa Thiên Huế). Số dư tiết kiệm do thành viên thực hiện đạt 7,3 tỷ đồng.


Dự án đã đạt được mục tiêu của mình là góp phần nâng cao năng lực quản lý các hoạt động TDTK của các cấp Hội và hỗ trợ các nỗ lực xoá đói giảm nghèo tại các vùng của dự án. Dự án tổ chức Lễ kỷ niệm 5 năm thực hiện dự án vào tháng 11/2003 tại Hà Nội, đánh dấu sự hợp tác hiệu quả giữa Hội và BTC trong lĩnh vực nâng cao năng lực quản lý tài chính vi mô và xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam.

Ban Quan hệ Quốc tế

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video