Cổ tích về một nữ thanh niên xung phong

09/07/2008
Ngôi nhà ba gian xinh xắn nằm giữa vùng quê Khoái Châu (Hưng Yên) thanh bình. Nơi ấy có người mẹ, người chị đôn hậu, can trường. Bằng nghị lực phi thường của một cựu thanh niên xung phong, chị đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường...

Chuyện tình hai người lính

Người phụ nữ ấy có cái tên giản dị là Nguyễn Thị Mạn ở xã Tân Dân. Thời thiếu nữ, chị nổi tiếng đẹp nhất làng Bãi Sậy 2, biết bao trai tráng ao ước cưới chị làm vợ nhưng chị đã đem lòng yêu thương chàng thư sinh nghèo chung vách.

Năm 1978, anh Tiến xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Ngày chia tay, chị đã khóc rất nhiều, hẹn sẽ đợi anh trở về... Anh đi chưa được bao lâu, chị bị gia đình ép lấy chồng. Vốn là cô gái thuỷ chung son sắt, chị bỏ ngoài tai những lời tán tỉnh, nhất quyết chờ anh. Khất lần mãi không được, chị đi đến một quyết định táo bạo: Giấu gia đình, làm đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong với hy vọng sẽ gặp người yêu ngoài chiến trường.

Trời chẳng phụ kẻ có tâm, sau bao cách trở, anh chị đã gặp lại nhau trong rưng rưng xúc động. Khi ấy, chị đã là cô đội trưởng mở đường của đơn vị công nhân quốc phòng, còn anh đang là lính lái xe của một đơn vị bộ đội gần đó. Tình yêu và lý tưởng cao đẹp đã giúp họ vượt qua những tháng ngày gian khổ nhất của cuộc chiến tranh...

Năm 1981, cả hai hoàn thành nghĩa vụ, trở về quê hương. Được sự giúp đỡ của bạn bè, đồng chí, tình yêu của họ đã vượt qua mọi rào cản để đến với nhau. Đám cưới đơn sơ mà đầy ý nghĩa đã diễn ra trong niềm hạnh phúc khôn tả...

Người phụ nữ đôn hậu

Cưới nhau với hai bàn tay trắng, cuộc sống mới của đôi vợ chồng trẻ gặp không ít khó khăn. Họ dựng một túp lều tạm che mưa nắng, rồi tần tảo sớm hôm lo ăn từng bữa. Với bản lĩnh kiên cường của người lính, những ngày khó khăn thiếu thốn ấy dần lùi xa. Họ chắt chiu dựng ba gian nhà tre, sống đầm ấm với ba con nhỏ. Tưởng rằng, cuộc sống sẽ bớt phần truân chuyên với chị, nào ngờ, đó chỉ là điểm khởi đầu của những khó khăn gian khổ...

Năm 1989, khi cuộc sống vẫn thiếu thốn, anh chị phải nuôi thêm hai cháu nhỏ là con của em trai chồng (do vợ chồng người em bỏ đi biệt xứ). Với trái tim bao dung, nhân ái, chị đã đón các cháu về nuôi và yêu thương như con đẻ.

Quyết tâm lo cho các con, các cháu được học hành tử tế, anh quần quật bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ngoài đồng ruộng; còn chị thức khuya dậy sớm chạy chợ. Ngày ấy, xe đạp không có, chị phải đi bộ mấy chục cây số, lang thang khắp các con phố Hà Nội với gánh hàng rong trên vai. Vất vả là thế, nhưng bữa trưa của chị chỉ là nửa cái bánh mì lót dạ để dành tiền lo cho các con, các cháu.

Mấy năm sau, người em chồng trở về với bộ dạng ốm đau tàn tạ, không còn khả năng lao động. Không đành lòng, chị lại bàn với chồng đón em về cưu mang. Rồi bệnh tình của người em ngày càng trầm trọng, anh chị phải đưa ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị dài ngày. Khó khăn chồng chất khó khăn. Chị phải xa chồng con chạy ngược xuôi để chăm sóc người em tội nghiệp. Bao nhiêu công lao của anh chị “đổ sông đổ biển” khi người em qua đời vì bệnh tình quá nặng... Gạt niềm xót xa, anh chị lo tang lễ cho em chu đáo.

Những ngày khốn khó dần đi qua bởi sự chịu thương chịu khó của anh chị. Họ nuôi lợn, trồng cà chua chín sớm mang khắp các chợ bán... Sau bao năm vất vả, cuối cùng họ đã cất được ngôi nhà ba gian lát đá hoa tươm tất.

Niềm hạnh phúc chưa được bao lâu, chị Mạn lại đối mặt với nỗi đau lớn nhất trong đời: anh Tiến mắc bệnh hiểm nghèo. Chị đã dồn hết tiền của tích cóp bao năm để chạy chữa cho anh, với những đêm dài thức trắng canh giấc cho chồng. Người phụ nữ can trường đã không cầm được nước mắt mỗi khi chồng lên cơn đau đớn. Căn bệnh quái ác đã cướp đi người chồng, người đồng chí từng vào sinh ra tử cùng chị. Nỗi cay đắng, hoang mang đè nặng lên trái tim người phụ nữ bé nhỏ...

Mong con cháu hạnh phúc!

Đoạn tang chồng chẳng bao lâu, chị Mạn lại chạy vạy khắp nơi vay tiền mổ chỉnh hình cho đứa con trai lớn do di chứng hồi bé bị cảm gây méo mồm. “Hồi đó gia đình nghèo quá, không có tiền mổ cho con, giờ nếu không cố gắng thì sau này sẽ khó hơn. Thêm nữa, cháu sắp ra trường mà có bộ mặt méo mó như thế thì chẳng có cơ quan nào nhận”, chị Mạn tâm sự.

Người con lớn của chị, cháu Thiện Quyết đã tốt nghiệp đại học và đang công tác tại Viện Khoa học Thuỷ lợi. Quyết vẫn thường ngồi bên mẹ nghe kể về chuyện của ngày xưa... Mẹ kể vì sợ con xấu hổ với bạn bè mẹ bán hàng rong nên đã không dám bán hàng gần nơi con học. Quyết càng thương mẹ khôn xiết, anh quyết tâm học hành đến nơi đến chốn...

Gương mặt của người phụ nữ ngoài 50 tuổi đã hằn sâu những dấu vết của thời gian, của lam lũ, chỉ có đôi mắt vẫn sáng ngời với ánh nhìn cương nghị. Tôi biết, đằng sau ánh mắt ấy là những tháng ngày khó khăn gian khổ, và cũng ánh mắt ấy là niềm tin mãnh liệt vào tương lai ấm no, hạnh phúc của cháu con...

Lý Ngọc Phương
Theo KTNT.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video