Còn nhiều trẻ em phải lao động, kiếm sống

24/08/2011
Mặc dù pháp luật cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi nhưng ở cả nông thôn và thành thị, một bộ phận trẻ em vẫn phải chia sẻ gánh nặng công việc và trách nhiệm gánh vác gia đình. Thậm chí, có em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại…

Lao động trẻ em và những hiểm họa

13 tuổi nhưng Nguyễn Thị Hoa, ở phố Cao Thắng, phường Hạ Lý (quận Hồng Bàng) còm nhom như đứa trẻ lên 7. Cô bé mặc chiếc áo trắng sờn bạc,chiếc quần vải nhàu nhĩ, thủng một lỗ bằng ngón tay cái ở đầu gối, gương mặt đen sạm, đôi mắt thoáng buồn khi nhắc đến chuyện học hành. Hoa tâm sự: “Nhà cháu nghèo, bố mất cách đây 6 năm vì tai nạn giao thông, mẹ đi phụ xâythu nhập bấp bênh lắm. Cháu còn có hai em, một lên 5, một lên 7 tuổi. Nghỉ hè, cháu bán hàng vặt ở dải vườn hoa trung tâm cả ngày, tối mới về nhà. Vào năm học mới, cháu tranh thủ bán hàng vào thứ bảy, chủ nhật kiếm thêm tiền giúp mẹ nuôi em…Có lần cháu bị mấy anh lớn trấn lột hết tiền và kẹo, dọa đánh nếu cháu kêu lên…Sau lần ấy, mẹ cháu cấm không cho bán hàng nữa, nhưng rồi cảnh nhà khó khăn, cháu vẫn đi bán hàng giúp mẹ”.

 

Hoa đứng dậy, xóc lại chiếc khay đeo trước ngực với lỉnh kỉnh mấy phong kẹo cao su, kẹo bạc hà, thuốc lá, bật lửa… Trước khi bước đi, cô bé tần ngần: “Cô ơi, cô đừng chụp ảnh cháu lên báo nhé, kẻo cháu không được bán hàng ở đây nữa thì…”. Hoa bỏ dở câu nói, mắt ngân ngấn nước. Cô bé vội vàng bước đi, dáng người nhỏ thó lẫn giữa dòng người đông đúc trong Vườn hoa Kim Đồng ngày cuối tuần…

 

Việt Nam đã phê chuẩn công ước 182 về loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất và công ước 138 về độ tuổi tối thiểu được đi làm. Tuy nhiên, còn không ít trẻ em phải lao động sớm như trường hợp của Hoa để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thậm chí, có em phải làm việc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm như câu chuyện đau lòng về Vũ Thị Phương Linh, sinh năm 1995, ở thôn Việt Khê, xã Tân Dân (An Lão) bị thiệt mạng trong vụ cháy ở xưởng sản xuất mũ giàytại xã Tân Dân ngày 29-7 vừa qua. Thương bố mẹ nghèo, Linh đi làm phụ giúp, ai ngờ ngày đầu tiên đi làm cũng là ngày cuối cùng những người thân trong gia đình được nhìn thấy em …

 

Tỷ lệ trẻ em tự kiếm sống có xu hướng tăng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có rất nhiều trẻ em làm việc ở các cơ sở dịch vụ ăn uống, xưởng may, sản xuất da giày nhỏ lẻ…Điều kiện làm việc, sinh hoạt của trẻ thường khó khăn, ngoài giúp việc gia đình thì lao động các dạng khác phải thuê nhà trọ với mức tiết kiệm tối đa. Lao động trẻ em còn phải đối mặt với những mối nguy hại đe doạ như không có phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc có nhưng không đạt yêu cầu, không gian và thiết bị lao động không phù hợp, làm việc nhiều giờ, tiền công thấp. Nhiều em phải làm việc cả thứ bảy, chủ nhật như bán báo, đánh giày, chạy bàn hoặc làm việc, kiếm sống vào ban đêm bằng nghề nhặt phế liệu, phục vụ quán ăn, bán hàng rong... Có trường hợp thường xuyên bị lạm dụng tình dục, số này hầu hết tập trung vào các em lao động trên đường phố, ở cơ sở tư nhân hoặc giúp việc gia đình…Nguyên nhân trẻ em lao động sớm là do nghèo đói, gia tăng dân số nhanh ở các thành phố lớn, công nghiệp hoá, đô thị hoá, vấn đề di cư đến các đô thị phát triển…

 

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện Hải Phòng có 67 em lao động nặng nhọc, nguy hiểm; 48 em theo bố mẹ kiếm sống trên sông, khu vực cầu Lạc Long (quận Hồng Bàng)…Trẻ thường tham gia vào các hoạt động kinh tế dưới cáchình thức: làm kinh tế gia đình, vừa làm kinh tế gia đình vừa làm thuê, làm thuê và tự kiếm sống. Điều đáng quan tâm là tỷ lệ trẻ em tự kiếm sống có xu hướng tăng, trong đó lứa tuổi phổ biến (từ 14-18 tuổi) do bị bỏ rơi, mồ côi cha mẹ, cha mẹ ốm đau không còn khả năng lao động trong khi người thân không nhận nuôi dưỡng các em.

 

Về quan điểm lao động trẻ em, những người làm công tác bảo vệ trẻ em cho rằng cần khuyến khích trẻ em tham gia lao động như làm các công việc nhỏ trong gia đình, hay ở các làng nghề, các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm tùy theo khả năng, sức lực của các em, nhằm rèn luyện tình yêu lao động, cũng như phụ thêm cho gia đình. Tuy nhiên, những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với trẻ em, làm việc trong môi trường tiếp xúc với hóa chất độc hại, lang thang kiếm sống trên đường phố, cần kiên quyết xóa bỏ.

 

Hải Phòng đã có nhiều chính sách ngăn ngừa các hành vi bóc lột sức lao động trẻ em nhằm bảo đảm việc thực hiện tốt các cam kết trong công ước quốc tế về quyền trẻ em, bảo vệ trẻ khỏi bị ngược đãi. Nhưng để thực hiện các chính sách này có hiệu quả đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội…Giải quyết vấn đề lao động trẻ em phải gắn liền với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như phát triển nông thôn, xoá đói giảm nghèo, nhân rộng mô hình đào tạo nghề, vừa học vừa làm, mở ra cơ hội học tập và việc làm phù hợp với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...Mặt khác, trong chính sách bảo vệ trẻ em cần có quy định cụ thể về lao động trẻ em, đồng thời đưa ra khung hình phạt rõ ràng, nghiêm khắc đối với những cá nhân, tập thể lợi dụng, bóc lột sức lao động trẻ em.

Theo baohaiphong

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video