Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ: Sớm khắc phục hậu quả bão, kịp thời đối phó với lũ

30/09/2009
Ngày 29/9, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn số 1822/CĐ-TTg gửi các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Y tế, Lao động- Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum; Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn; Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam. Nội dung Công điện khẩn như sau:
Thủ tướng Chính phủ biểu dương sự nỗ lực cố gắng của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, các Bộ, ngành, các lực lượng Bộ đội, Công an và chính quyền các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão đã làm hết sức mình, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống, đặc biệt là thực hiện triệt để việc di dời dân ra khỏi những vùng nguy hiểm nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại do bão gây ra.
 
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi ân cần và chia buồn sâu sắc đến các
gia đình có người bị chết và bị thương, bị thiệt hại về nhà cửa và tài sản.
 
Để sớm khắc phục hậu quả bão, lũ kịp thời đối phó với nước lũ đang lên cao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk chủ động tập trung mọi nguồn lực, thực hiện các biện pháp khẩn cấp khắc phục hậu quả mưa, lũ; tiếp tục tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương; di dời những hộ dân trong vùng bị ngập sâu, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; tổ chức thăm hỏi và cứu trợ kịp thời các gia đình có người bị chết, bị thương, bị mất nhà cửa; huy động các lực lượng Bộ đội, Công an trên địa bàn cùng các tổ chức đoàn thể giúp dân sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa bị hư hỏng do bão, lũ; bố trí nơi ở tạm cho những gia đình bị mất nhà cửa, sớm ổn định đời sống của nhân dân; khẩn trương tổ chức cứu hộ, có biện pháp bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm, nước uống,
quần áo cho nhân dân vùng bị cô lập; nắm chắc tình hình thiếu đói để thực hiện việc cứu trợ kịp thời, kiên quyết không để người dân nào bị đói do thiếu lương thực; cấp đủ thuốc chữa bệnh, thuốc khử trùng nước uống; đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau bão, lũ; khẩn trương sửa chữa, khôi phục lại cơ sở hạ tầng thiết yếu: trường học, bệnh xá, giao thông, thuỷ lợi.
 
Khẩn trương triển khai các biện pháp đối phó với mưa lũ sau bão: cắm biển báo tại các nơi ngập sâu; cử người hướng dẫn việc đi lại qua các ngầm giao thông bị ngập sâu, kiểm soát chặt chẽ các bến đò ngang bảo đảm an toàn cho người qua lại, tránh xảy ra chết người do thiếu trách nhiệm; có biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập.
 
2. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo bố trí lực lượng, phương tiện, nhanh chóng khắc phục sự cố trên các tuyến đường, nhất là trên tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14, 24; tổ chức phân luồng đảm bảo giao thông trên các tuyến chính.
 
3. Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo triển khai lực lượng, phương tiện
tìm kiếm cứu nạn của Trung ương đóng tại khu vực miền Trung kết hợp với lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn của địa phương sẵn sàng thực hiện cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn trên sông và trên đất liền khi có yêu cầu; chỉ đạo Quân đoàn 3 tăng cường lực lượng, phương tiện giúp tỉnh Kon Tum thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ tại các vùng bị cô lập. 
  
4. Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực
Việt Nam khôi phục các công trình lưới điện bị hư hỏng, bảo đảm cung cấp điện an toàn cho các địa phương bị bão, đặc biệt là Nhà máy lọc dầu Dung Quất; chỉ đạo các biện pháp bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng; kiểm soát giá cả thị trường tránh tình trạng lợi dụng đầu cơ tăng giá.
 
5. Bộ Y tế cử các đoàn đến các địa phương vùng lũ để chỉ đạo, giúp đỡ công tác y tế và vệ sinh môi trường.
 
6. Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, các Bộ ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn, các cơ quan chức năng chủ động giúp các tỉnh bị thiệt hại do bão, lũ khắc phục hậu quả.
 
7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các địa phương triển khai công tác chống lũ, lụt, đảm bảo an toàn cho các công trình hồ đập thuỷ lợi; chỉ đạo công tác vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị đủ giống cây trồng cung cấp cho các địa phương bị thiệt hại phục hồi sản xuất.
 
8. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động- Thương binh và Xã hội đánh giá tình hình thiệt hại của các địa phương, đề xuất mức hỗ trợ cụ thể cho các tỉnh bị thiệt hại nặng do bão lũ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2009.

Lũ trên các sông

Hiện nay, lũ các sông từ Quảng Bình đến Quảng Trị, sông Thu Bồn đang lên; các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắc đang xuống và ở mức rất cao.

Mực nước lúc 04 giờ ngày 30 tháng 09 trên một số sông như sau:


• Sông Gianh tại Mai Hóa: 3,39m, trên BĐ1: 0,39m;

• Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 2,77m, trên BĐ3: 0,07m;

• Sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn: 6,54m, trên BĐ3: 1,14m;

• Sông Bồ tại Phú Ốc: 4,23m, dưới BĐ3: 0,27m;

• Sông Hương tại Kim Long: 4,02m, trên BĐ3: 1,02m;

• Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 10,73m, trên BĐ3: 2,93m;

• Sông Hàn tại Cẩm Lệ: 2,54m, trên BĐ3: 0,84m;

• Sông Thu Bồn tại Câu Lâu: 5,01m, trên BĐ3: 1,21m, tại Hội An: 2,92m, trên BĐ3: 0,22m

• Sông Trà Khúc tại cầu Trà Khúc: 7,96m, trên BĐ3: 2,26m;

• Sông Vệ tại cầu Sông Vệ: 5,08m, trên BĐ3: 0,92m;

• Sông Trà Bồng tại Châu Ổ: 6,18m, trên BĐ3: 2,08m;

• Sông Pô Kô tại Đắk Mốt: 589,69m, trên BĐ3: 5,69m;

• Sông Đakbla tại Kon Tum: 523,03m, trên BĐ3: 3,03m;

• Sông Srêpôk tại Bản Đôn: 174,00m, trên BĐ3: 0,50m.

 

Dự báo, lũ các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị và sông Thu Bồn tiếp tục lên; các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắc tiếp tục xuống và còn ở mức cao.


Đến chiều tối nay (30/9), mực nước trên các sông như sau:

• Sông Gianh tại Mai Hóa: 5,5m, trên BĐ2: 0,5m;

• Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 3,0m, trên BĐ3: 0,3m;

• Sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn: 7,0m, trên BĐ3: 1,6m;

• Sông Bồ tại Phú Ốc: 4,5m, ở mức BĐ3;

• Sông Hương tại Kim Long xuống mức 3,0m, ở mức BĐ3;

• Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 8,8m, ở mức BĐ3m;

• Sông Hàn tại Cẩm Lệ: 2,7m, trên BĐ3: 1,0m;

• Sông Thu Bồn tại Câu Lâu: 5,4m, trên BĐ3: 1,7m, tại Hội An: 3,5m, trên BĐ3: 1,8m, đều tương đương đỉnh lũ lịch sử năm 1964;

• Sông Trà Khúc tại cầu Trà Khúc xuống mức: 6,5m, trên BĐ3: 0,8m;

• Sông Vệ tại cầu Sông Vệ xuống mức: 3,60m, trên BĐ2: 0,50m;

• Sông Đakbla tại Kon Tum xuống mức: 521,5m, trên BĐ3: 1,5m;

• Sông Srêpôk tại Bản Đôn xuống mức: 173,0m, dưới BĐ3: 0,5m.

 

Cần đề phòng lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu diện rộng ở đồng bằng, vùng trũng ven sông các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắc. 

Bão số 9 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tối ngày (29/9) bão số 9 đã đi qua địa phận tỉnh Quảng Nam và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 22 giờ ngày 29/9 vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông trên địa phận Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 ( tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong sáng nay 30/9, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành vùng áp thấp. Đến 10 giờ ngày 30/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc, 103,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng hoàn lưu vùng áp thấp nhiệt đới, ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên đêm nay và ngày mai (30/9) còn có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.
 

Theo Website tin247.com

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video