Công tác chăm sóc phụ nữ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc ở Bình Định

14/11/2009
Quán triệt và thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và của Đảng bộ tỉnh, những năm qua, Hội Phụ nữ các cấp ở Bình Định tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, đi vào chiều sâu, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, thu hút và tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia xây dựng gia đình và cộng đồng no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Với mục tiêu nhằm từng bước nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của phụ nữ đáp ứng yêu cầu tình hình mới; xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, Hội Phụ nữ các cấp ở Bình Định tập trung tuyên truyền, giáo dục phụ nữ trong tỉnh nâng cao nhận thức, hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; truyền thống yêu nước, cách mạng và những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh; giáo dục kỹ năng sống, kiến thức phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc. Hình thức, phương pháp tuyên truyền của Hội ngày càng đa dạng, phong phú như: Sinh hoạt câu lạc bộ theo chủ đề; hội thi; giao lưu; truyền thông cộng đồng; sinh hoạt nhóm nhỏ; nêu gương “người tốt, việc tốt” trên các phương tiện thông tin đại chúng... Tỉnh hội duy trì chương trình phát thanh phụ nữ hằng tuần, tháng; tất cả huyện, thành hội phụ nữ đều có chuyên mục phát thanh phụ nữ; 100% Hội Phụ nữ xã, phường có tủ sách hoặc cặp tài liệu tuyên truyền. Ngoài ra, Hội các cấp còn hỗ trợ nâng cao học vấn cho trẻ em, nhất là trẻ em gái thông qua các hình thức: Vận động các bậc cha mẹ tạo điều kiện để con em trong độ tuổi được đi học; phối hợp mở các lớp học tình thương; tặng sách, vở, đồ dùng học tập, xe đạp, quần áo... tạo điều kiện cho nhiều em được tiếp tục đến trường.

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho chị em phụ nữ địa phương, Hội các cấp trong tỉnh tích cực xây dựng và thực hiện kế hoạch giám sát việc thực thi luật pháp, nhất là Luật Bình đẳng giới và một số chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ. Duy trì sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp luật ở từng địa phương; tham gia cùng Đoàn Thanh tra các huyện, thành phố giám sát việc thực hiện Quyết định số 81/2009/ QĐ-TTg, ngày 19-01-2009 về định mức, đối tượng hỗ trợ đối với người nghèo; tham gia cùng chính quyền giám sát việc nghiệm thu đưa vào sử dụng các công trình xây dựng thuộc Chương trình 135, 134.... Phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ Phụ nữ tỉnh Bình Định giai đoạn 2006 - 2010 và tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 19/2003/NĐ-CP, ngày 07-3-2003 của Chính phủ; tham mưu cho cấp ủy ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phối hợp cùng chính quyền các cấp thực hiện tốt Nghị định số 19/2003/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước.

Hỗ trợ phụ nữ vượt nghèo, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tỉnh Hội, được Hội các cấp từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và tập trung vào chị em phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thông qua hình thức vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi", giúp nhau làm kinh tế gia đình; xây dựng và nâng cao hiệu quả các mô hình tổ, nhóm, câu lạc bộ... Hội các cấp đã hỗ trợ kinh nghiệm, vốn sản xuất cho tất cả hộ phụ nữ nghèo, phụ nữ làm chủ hộ khó khăn trong tỉnh với tổng trị giá thành tiền trên 8,927 tỉ đồng. Ngoài ra, các cấp Hội còn tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp trên 158.931 phụ nữ nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình và tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Niu-di-lân, Thụy Điển,... cho 1.080 chị em phụ nữ vay với tổng vốn trên 8,919 tỉ đồng. Và, để đồng vốn vay có hiệu quả, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh còn phối hợp với ngành nông nghiệp mở 693 lớp về chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; hướng dẫn kỹ thuật canh tác các loại cây trồng, xây dựng các mô hình: Trồng lúa lai Nhị ưu 838 ở xã Canh Liên (Vân Canh) cho chị em phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, mô hình trồng đậu tương thâm canh tại Nhơn Hậu (An Nhơn)... tổ chức hội thảo đầu bờ, tham quan học tập những mô hình điểm về trồng cây điều, hoa màu ngắn ngày, chăn nuôi bò, làm nấm rơm, trồng cây ớt, cây đậu phụng ở vùng thiếu nước tưới...

Phong trào tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh duy trì và hoạt động có hiệu quả. Hình thức phổ biến vẫn là: giúp giống, vốn, cây, con, kinh nghiệm sản xuất; giúp công xây dựng mái ấm tình thương; tặng vở mới, sách cũ cho các trẻ em nghèo; nấu cháo hỗ trợ người nghèo bệnh viện; chăm sóc người ốm đau, già yếu không nơi nương tựa, đỡ đầu trẻ em mồ côi, người già cô đơn.... Hội vận động phụ nữ trong tỉnh tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bằng các hình thức xây dựng hũ gạo tình thương, heo đất tiết kiệm để hỗ trợ những gia đình hội viên phụ nữ khó khăn.

Cùng với các hoạt động trên, các cấp hội phụ nữ còn tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho nữ doanh nghiệp trong tỉnh vươn lên trong sản xuất - kinh doanh như: Xây dựng mạng lưới Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp; phối hợp tổ chức hội nghị thông tin "Việt Nam gia nhập WTO - cơ hội và thách thức" và hội thảo "Nữ Doanh nhân Bình Định trong thời kỳ hội nhập WTO"; tổ chức 11 lớp tập huấn "Khởi sự doanh nghiệp", "Kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử trong kinh doanh"; tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp nữ với lãnh đạo tỉnh về một số vấn đề vướng mắc trong kinh doanh thời kỳ hội nhập WTO đối với các doanh nghiệp vừa, nhỏ; tổ chức giao lưu với nữ lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các câu lạc bộ nữ doanh nhân, tiểu thương trong tỉnh. Đến nay, cả tỉnh đã có 20 Câu lạc bộ Nữ doanh nhân với 604 thành viên ở 8/11 huyện, thành phố, có 03 nữ doanh nhân của tỉnh được vinh dự nhận Cúp Bông hồng vàng và Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Ngoài ra, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh còn tập trung nâng cao nhận thức cho phụ nữ về vai trò của gia đình đối với sự phát triển của xã hội. Tuyên truyền, giáo dục và hỗ trợ cho phụ nữ tổ chức tốt cuộc sống gia đình; tăng cường thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội từ trong gia đình; lồng ghép tổ chức các hoạt động "Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc" với phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa", cuộc vận động "Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng"; phổ biến, hướng dẫn kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe vị thành niên, bình đẳng giới... Trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như: Gia đình 5 không, Câu lạc bộ (CLB) phụ nữ không sinh con thứ 3, CLB phòng chống HIV/AIDS, CLB không hút thuốc lá, CLB Mẹ và con gái... thu hút nhiều đối tượng phụ nữ tham gia, góp phần xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở khu dân cư, xây dựng gia đình 4 chuẩn mực: no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Những hoạt động trên thực sự góp phần làm cho công tác Hội và phong trào phụ nữ nói chung, công tác chăm sóc phụ phụ nữ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc trên địa bàn tỉnh nói riêng phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Qua đánh giá chất lượng hoạt động năm 2008 cho thấy: Toàn tỉnh có 74,69% cơ sở hội vững mạnh, tăng 1,23% so với chỉ tiêu Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh đề ra. Và quan trọng hơn là những hoạt động trên của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh thực sự góp phần làm cho nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng; văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân có bước cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm 2%/ năm (năm 2007: 12,63%, năm 2008: 10,63%) vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Từ thực tiễn hoạt động và kết quả đạt được, Tỉnh Hội Phụ nữ Bình Định rút ra một số kinh nghiệm sau:

- Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào phải bám sát và biết vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và qui định của Hội cấp trên phù hợp với thực tiễn hoạt động ở địa phương. Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, hỗ trợ của chính quyền và phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể.

- Các hoạt động của Hội phải hướng về cơ sở; chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, gắn kết với nhiệm vụ chính trị địa phương; lồng ghép các chương trình hoạt động một cách có hiệu quả; phát huy tính chủ động, sáng tạo của Hội Phụ nữ các cấp; tranh thủ khai thác các nguồn lực hỗ trợ cho phong trào.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và nhân rộng các điển hình phụ nữ tiêu biểu.

Phát huy những kết quả đạt được, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Bình Định tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội, phấn đấu có 90% hội viên, phụ nữ học tập, đăng ký thực hiện 3 tiêu chuẩn phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", trong đó 70% trở lên đạt 3 tiêu chuẩn phong trào; 80% trở lên được tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống; luật pháp, chính sách về giới và bình đẳng giới; xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng chống tệ nạn xã hội, 80% trở lên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được Hội giúp đỡ xóa đói, giảm nghèo, trong đó 30% trở lên thoát nghèo (theo tiêu chí mới). 80% trở lên các bà mẹ được hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về đời sống gia đình, nuôi dạy con, 90% trở lên hộ gia đình hội viên, phụ nữ học tập, đăng ký 4 chuẩn mực, trong đó có 65% gia đình đạt 4 chuẩn mực gia đình "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc"...

Để đạt được những chỉ tiêu trên, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp và Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; và Cuộc vận động "Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng". Tích cực tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Phát huy tiềm năng, sức sáng tạo trong các tầng lớp phụ nữ, chủ động tham gia phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tiếp tục nâng cao chất lượng sống cho phụ nữ, phấn đấu xây dựng người phụ nữ Bình Định có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu./

Nguyễn Thanh Thụy
Theo TCCS điện tử

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video