Công tác gia đình ở Hiệp Hòa – Bắc Giang

09/11/2010
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương "về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” huyện Hiệp Hòa - tỉnh Bắc Giang bằng các đề án, chương trình, kế hoạch thực hiện, đầu tư nguồn lực cho công tác gia đình trong tình hình mới, đưa tiêu chí xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc vào nghị quyết cấp ủy, lồng ghép công tác gia đình vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã đạt được một số kết quả tích cực.

Công tác xây dựng gia đình theo tiêu chí mới, vận động từng gia đình tham gia vào việc xây dựng mục tiêu "Mỗi gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội", tập trung đầu tư cho phát triển gia đình bền vững, ngăn ngừa những nguy cơ và hiểm họa có hại tác động đến các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chú trọng. Do đó, nhận thức của nhân dân về gia đình có nhiều tiến bộ hơn, vai trò, trách nhiệm của các bậc ông bà, cha mẹ, những người đứng đầu trong gia đình được phát huy, thể hiện rõ nét là tấm gương sáng trong mỗi gia đình; nhiều khu dân cư đã đề cao vai trò của gia đình trong xây dựng khu dân cư tiên tiến, thôn, làng văn hóa, xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết, đoàn kết giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Bên cạnh đó, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới. Ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, phòng chống bạo lực trong gia đình; giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp kết hợp vận động người dân xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu xây dựng gia đình văn hóa, ấm no hạnh phúc. Do vậy tỷ lệ hộ khá giàu trên địa bàn hàng năm đều tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đến nay chỉ còn dưới 12%. Số hộ gia đình văn hóa toàn huyện cũng tăng từ hơn 35.000 hộ đến nay có trên 40.000 hộ (đạt 85%). Số làng văn hóa cấp huyện năm 2005 là 84/206 làng, nay tăng lên 121làng (chỉ tiêu 129/219 làng) đạt 55,2% KH. Số làng văn hóa cấp tỉnh tăng từ 16 làng (năm 2005) lên 30 làng đạt 13,7%.

Tình trạng tảo hôn ở lứa tuổi thanh thiếu niên cũng đã giảm; 95% nam nữ trước khi kết hôn được trang bị kiến thức về hôn nhân và gia đình, 100% hộ gia đình được tuyên truyền giáo dục về Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em; 100% gia đình chính sách, người già, trẻ em không nơi nương tựa được quan tâm, hưởng các chế độ ưu đãi

Nhiều phong trào được phát động, xây dựng những mô hình điểm, điển hình tiên tiến về công tác gia đình như: Phong trào xóa đói giảm nghèo với những mô hình phát triển kinh tế trang trại, phát triển các làng nghề, dịch vụ tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, điển hình như các làng nghề Mai Trung, Mai Đình, Hợp Thịnh; các mô hình kinh tế trang trại ở Đức Thắng, Hoàng Lương, Đông Lỗ, Thái Sơn…Các phong trào “Ông bà mẫu mực con cháu thảo hiền”; “khuyên học, khuyến tài”; “Đền ơn đáp nghĩa” ở Mai Đình, Đức Thắng, Xuân Cẩm…được nhân rộng góp phần tôn vinh và bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình. Nhiều CLB gia đình hoạt động hiệu quả như: CLB gia đình nông dân hạnh phúc; CLB không sinh con thứ 3; CLB phòng chống TNXH; CLB phòng chống bạo lực gia đình; gia đình ấm no, bình đẳng hạnh phúc…trong đó những địa phương có các CLB hoạt động hiệu quả như: Đức Thắng, Ngọc Sơn, Đoan Bái, Xuân Cẩm… góp phần nâng cao trách nhiệm các thành viên trong việc chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con ngoan, đoàn kết tương trợ nhau phát triển kinh tế.

Bộ máy làm công tác gia đình từ huyện đến cơ sở được quan tâm kiện toàn; các cán bộ làm công tác gia đình thường xuyên được tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và được cấp phát tờ rơi, tài liệu về phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới; tham gia các cuộc thi tìm hiểu về DS-KHHGĐ, các tiêu chí xây dựng gia đình mới…từ đó nâng cao năng lực cán bộ trong thực hiện công tác gia đình.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình ở Hiệp Hòa vẫn tồn tại nhiều khó khăn như: sự quan tâm của các cấp đảng, chính quyền địa phương với công tác này chưa thực sự tốt; ng tác truyền thông, tuyên truyền về lĩnh vực gia đình đến với vùng sâu, vùng đồng bào công giáo còn nhiều khó khăn; nhiều gia đình vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc giáo dục các thành viên, đặc biệt là con cái, dẫn đến tình trạng một bộ phận trẻ em mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật; những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, vấn đề chung sống không đăng ký kết hôn, tình trạng nạo phá thai trước hôn nhân, đặc biệt trong lứa tuổi thanh thiếu niên vẫn còn phổ biến; kinh phí đầu tư cho công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hiện nay; nạn bạo lực gia đình, các TNXH vẫn là một vấn nạn đang có nguy cơ xâm nhập vào gia đình, tình trạng ly hôn có chiều hướng gia tăng; tình trạng sinh con lần thứ 3, mất cân bằng giới tính vẫn còn cao ở một số địa phương trong toàn huyện. Những khó khăn trên đòi hỏi phải có sự chung tay đồng bộ của toàn thể các cơ quan, đoàn thể, cộng đồng nhân dân Hiệp Hòa nhằm phát huy yếu tố tích cực, giá trị văn hóa gia đình, góp phần tạo ra một xã hội lành mạnh, văn minh và tiến bộ.

Vân Anh
Đài TT Hiệp Hòa – Bắc Giang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video