Cùng bàn về vai trò của gia đình trong việc giáo dục trẻ em

16/09/2011
Để phát huy vai trò của gia đình trong công tác giáo dục trẻ em, cha mẹ phải là tấm gương về đời sống đạo đức để con cái học tập và noi theo

Hiến pháp Việt Nam năm 1992 xác định: Gia đình là tế bào của xã hội. Tế bào giữ vai trò như thế nào trong cơ thể con người, khi tế bào bị hư thì con người sẽ như thế nào? Trong xã hội cũng vậy, khi gia đình - tế bào của xã hội - tốt, mạnh thì xã hội tốt đẹp, phồn vinh, khi những tế bào ấy không được tốt thì không thể có xã hội phát triển bền vững, không thể có xã hội giàu mạnh, văn minh, nhân dân hạnh phúc.

 

Trong quá trình toàn cầu hóa, chúng ta đã và đang chịu những biến đổi sâu sắc về xã hội, trong đó gia đình. Bên cạnh những thành quả do kinh tế thị trường mang lại, nhiều khó khăn bất trắc đang tồn tại, gây ra sự bất ổn cho gia đình và xã hội, gia đình đang đứng trước nguy cơ bị “đồng hóa”, hệ thống giá trị và chuẩn mực văn hóa riêng của cộng đồng đang bị suy kiệt. Lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao cuộc sống hưởng thụ, chạy theo giá trị vật chất đang làm mai một, xói mòn những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

 

Theo quan niệm truyền thống thì gia đình là tổ ấm, là đơn vị xã hội có ý nghĩa rất thiêng liêng, một loại tổ chức mà các nền đạo đức và pháp quyền chính thống trải qua các thời đại đều phải thừa nhận. Trong xã hội hiện đại, gia đình được coi là chiếc nôi của những mối quan hệ ruột thịt và là nơi thể hiện những tình cảm mới, cao đẹp của con người - những tình cảm cách mạng chân chính. Việc tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hóa mới chính là biện pháp hữu hiệu đối với việc phát huy vai trò và tác dụng của gia đình trong sự nghiệp trồng người.

 

Ngày nay, chúng ta đang xây dựng gia đình văn hóa mới theo những tiêu chí cơ bản: Xây dựng quan hệ dân chủ, bình đẳng, hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ giữa các thành viên; hăng hái tham gia lao động và thực hành tiết kiệm; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chỉ khi hội đủ các tiêu chí này thì gia đình mới trở thành môi trường giáo dục tốt đối với con em, trở thành trường học chân chính về tình thương và lẽ phải cho sự hình thành nhân cách con người mới trong thế hệ trẻ. Thực tế cho thấy, khi mỗi thành viên trong gia đình đều tích cực phấn đấu theo tiêu chí gia đình văn hóa mới thì mặc nhiên gia đình đó đã đi vào quỹ đạo của sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ theo quan điểm của Đảng. Nó là cơ sở ban đầu rất quan trọng cho việc hình thành con người Việt Nam mới hoặc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao phẩm chất và năng lực của người lao động mới làm chủ tập thể và phát triển toàn diện. Bởi vì trong gia đình, vợ chồng có thực sự yêu thương, tôn trọng nhau, thường xuyên bàn bạc để cùng chăm lo công việc chung, hết lòng chăm sóc, yêu quý con cái, có quan điểm và phương pháp giáo dục đúng với con cái thì mới mong có con ngoan trò giỏi, biết yêu thương, nghe lời cha mẹ, yêu mến cộng đồng. Một gia đình văn hóa mới chẳng những là gia đình hòa thuận, mọi người quan tâm, chăm sóc lẫn nhau mà còn là một gia đình nền nếp, bố mẹ biết cách tổ chức cuộc sống trong gia đình, là tấm gương mẫu mực về nhân cách sống, tránh những hủ tục, mê tín dị đoan.

 

Có thể nói việc xây dựng gia đình văn hóa mới là một trong những nhân tố quan trọng để hình thành nhân cách cho con em mình. Thực hiện tốt những nội dung của gia đình văn hóa mới là biến gia đình thành môi trường giáo dục đặc biệt thuận lợi đối với sự hình thành nhân cách của trẻ em. Môi trường đó tạo nên khung cảnh và bầu không khí thân thương, đầm ấm, chan hòa của tập thể nhỏ, nhờ đó mà mọi lời nói và hành động của cha mẹ có sức truyền cảm và tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến con cái.

 

Bên cạnh vai trò của gia đình thì nhà trường và xã hội cũng có vai trò không nhỏ. Nhà trường cần kết hợp chặt chẽ với gia đình trong việc giáo dục trẻ em. Gia đình quyết định nhân cách, nhà trường quyết định kiến thức của con cái chúng ta. Sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường theo quan điểm giáo dục đúng, hợp lý tạo điều kiện quyết định cho chúng nên người.

 

Với gia đình, việc đầu tiên cần sự thống nhất quan điểm giáo dục con mình. Quan điểm đó phải được thể hiện mọi nơi, mọi lúc mang tính nhất quán. Nó là nguyên tắc bất di bất dịch trong suốt quá trình dưỡng dục trẻ đến tuổi trưởng thành, để chúng biết sống vì mọi người, kính trên, nhường dưới, bao dung, độ lượng, ăn quả nhớ người trồng cây; có trách nhiệm, bổn phận với bản thân, cha mẹ, dòng họ, bà con lối xóm.

 

Xây dựng gia đình thành một tập thể nhỏ tiên tiến không chỉ là trách nhiệm của mỗi gia đình, mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Mặc dù xã hội không thể làm thay gia đình trong việc giáo dục con cái, nhưng vai trò và tác dụng của các tổ chức xã hội trong việc này là rất lớn. Qua cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa cho thấy, ở nơi nào có phong trào quần chúng do các tổ chức xã hội phát động phát triển mạnh mẽ, thì ở nơi ấy có sự chuyển biến của các gia đình theo hướng tiến lên để trở thành gia đình văn hóa.

 

Ngày nay, khi khoa học công nghệ phát triển thì vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng có tác động rất lớn đến các gia đình, giúp nâng cao trình độ nhận thức cho các bậc cha mẹ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cách thức nuôi dạy con cái, góp phần đào tạo nên thế hệ trẻ phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ”, trở thành những người chủ tương lai của đất nước.

 

Để phát huy vai trò của gia đình trong công tác giáo dục trẻ em, cha mẹ phải là tấm gương về đời sống đạo đức để con cái học tập và noi theo. Cha mẹ cần xây dựng gia đình thực sự là một tổ ấm hạnh phúc, để gia đình trở thành môi trường thuận tiện cho sự phát triển nhân cách của con cái. Cha mẹ nên cho các em thể hiện được cái tôi của mình trong cách dạy dỗ, đối xử với con cái; cho các em đóng góp ý kiến vào những công việc trong gia đình, cho các em tự quyết định một số công việc dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Có như vậy, các em sẽ luôn ý thức được những công việc mình làm, các em sẽ có trách nhiệm trong từng lời nói, cũng như hành vi của mình. Cha mẹ phải hết mực quan tâm đến việc chăm sóc và nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, chính sự quan tâm và lo lắng quá mức, không cho các em làm một số công việc như chăm sóc bản thân, phụ giúp công việc nhà, làm cho các em thiếu đi những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Vậy nên, việc hướng các em tham gia những lớp kỹ năng sống, cũng như để các em làm một số công việc nhỏ nhặt trong gia đình sẽ giúp các em có được những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.

 

Mỗi chúng ta, mỗi bậc phụ huynh học sinh hãy phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp nhận những tinh hoa của nhân loại, ra sức xây dựng gia đình văn hóa, coi trọng tình thương và lẽ phải; mỗi bậc cha mẹ tự coi mình phải có nghĩa vụ học thêm một nghề mới - nghề sư phạm gia đình, cái nghề khó khăn nhưng vô cùng vẻ vang là làm thầy giáo, cô giáo của chính con em mình.

Theo baohaugiang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video