Cuộc sống nghị lực và đầy ý nghĩa của nữ nhà văn khuyết tật

17/12/2020
Nhà văn Trần Trà My vốn là một cô gái nhỏ sinh ra từ miền quê gió Lào cát trắng, tỉnh Quảng Trị, không may bị khuyết tật. My đã không đầu hàng số phận, chị đã vươn lên lập nghiệp và có một cuộc sống phong phú, làm được nhiều việc vô cùng ý nghĩa, đáng trân trọng
Nhà văn Trà My (trái ảnh) tặng sách cho địa phương

Hiện đang ngụ cư tại phường 13, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, chị là cộng tác viên cho một số báo như: Báo Phụ Nữ thành phố, Báo Tuổi Trẻ, Báo Bình Phước, Tạp chí Văn Nghệ Bình Phước… Ngoài ra, chị còn làm người viết quảng cáo cho các doanh nghiệp, tham gia viết, biên tập kịch bản phim điện ảnh theo yêu cầu.

Bị khuyết tật từ nhỏ, Trà My không thể đi lại, giọng nói cũng không được tròn trịa (21 tuổi chị mới phát ra được những âm thanh đầu tiên). Không đầu hàng số phận, Trà My đã kiên trì tự học từng con chữ. Năm 19 tuổi, chị xin vào làm cộng tác viên cho đài phát thanh của tỉnh Quảng Trị và tham gia viết bài cho một số tờ báo. Đến năm 21 tuổi chị đã tự mình vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp, bởi đây là nơi chị mơ ước được sống, làm việc và chị cũng tin đây là nơi giúp chị có nhiều cơ hội được làm một người có ích cho xã hội. Đặc biệt, chị luôn ý thức mình là người phụ nữ Việt Nam hiện đại, tự chủ và tự lập trước mọi hoàn cảnh, luôn trau dồi kiến thức và kỹ năng sống mỗi ngày để làm hành trang tự tin tiến bước. Để nâng cao trình độ, chị đã tham gia học các lớp bồi dưỡng và tốt nghiệp khóa Giám Đốc PR chuyên nghiệp tại Học viện Quốc Tế BMG, khóa Giám Đốc Marketingtại Tổ chứ c Giáo dục PTI.

Có thể nói chị là nhà văn đầu tiên ở Việt Nam tự đi tới các trại giam để truyền cảm hứng sống đẹp, sống tử tế đến phạm nhân. Chị đã tặng sách cho 16 trại giam, trại cai nghiện (nơi chị đã đặt chân tới), tặng các anh bộ đội, chiến sĩ biên giới và các thư viện cộng đồng trên khắp Việt Nam với tổng số lượng 1.744 cuốn sách Tin vào điều ttế- cuốn tản văn mà chính chị là tác giả.

“Thiên thần sáu chân” ấy đã đi gần hết các vùng đồi núi của các tỉnh đồng bào dân tộc ít người, biên giới xa xôi với đường đi gập ghềnh hiểm trở để truyền năng lượng tích cực cho chị em phụ nữ nơi đây. Chị còn thường xuyên đồng hành cùng những người nghèo, những người khó khăn và là người “vận chuyển yêu thương” đến những mảnh đời bất hạnh. Tiêu biểu là hành trình về Bình Phước năm 2020, với 04 chuyến xe áo quần cũ tặng cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; vận động các nhà hảo tâm tặng 02 tủ sách cho Trung tâm cai nghiện huyện Chơn Thành và hơn 300 chai nước giặt trị giá 77 triệu đồng cho 16 chốt biên phòng tại tỉnh Bình Phước; tặng quà các đồn biên phòng Lộc Thành, Lộc Thịnh, Lộc Thiện và 4 chốt kiểm dịch phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Lộc Ninh; trao tặng 40 suất học bổng (600.000 đồng/suất) cho các em học sinh nghèo vượt khó, với tổng kinh phí lên tới 92 triệu đồng. 

Nhà văn Trà My thăm hỏi, trao quà cho phụ nữ nghèo vùng biên

Chị Trà My cũng rất quan tâm đến hoạt động Hội Phụ nữ tại địa phương. Chị đã tặng Hội LHPN phường 10 cuốn sách “Tin Vào Điều Tử Tế” để làm tư liệu sinh hoạt chi, tổ hội; trao tặng 15 phần quà cho công nhân nhà trọ và con của hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong đợt dịch Covid-19 với kinh phí là 10 triệu đồng, tích cực tham gia các hoạt động do địa phương phát động.

Nhà văn Trà My đã tự viết lên câu chuyện đẹp cho cuộc đời mình, làm nên điều kỳ diệu từ cơ thể không lành lặn. Một số tác phẩm tiêu biểu của chị như: “Giấc mơ đôi chân thiên thần”; tuyển tập truyện ngắn “Yêu…trên từng ngón tay”; tản văn “Tin vào điều ttế”...

Chị đã nhận được nhiều phần thưởng xứng đáng

Chị đã gặt hái nhiều giải thưởng như: Giải 3 cuộc thi viết truyện ngắn do trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị tổ chức; Đại sứ Niềm tin của Hành trình xuyên Việt năm 2011 từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng; Đại sứ Thiện chí của Hành trình trên đất Phù Sa năm 2012; Là một trong 12 gương mặt khuyết tật tiêu biểu của Việt Nam năm 2013; Một trong 10 gương mặt khát vọng sống Việt Nam năm 2017…

Trương Thị Hương

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video