Dân vận khéo qua mô hình “tiết kiệm từ rác thải”

29/11/2017
- Hội LHPN tỉnh Đắk Nông: Sáng tạo từ mô hình “Biến phế liệu thành bò”
- Hội LHPN tỉnh Quảng Bình: Hiệu quả của mô hình “Tiết kiệm từ phân loại rác thải”.

Hội LHPN tỉnh Đắk Nông: Mô hình “Biến phế liệu thành bò”

Tháng 6/2015, từ một bài viết mô hình “Biến phế liệu thành bò” trên website Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Đắk Nông đã học tập và tiến hành phát động phong trào phụ nữ “biến phế liệu thành bò”. Qua 1 năm triển khai thực hiện, phong trào đã thu hút sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, hội viên, phụ nữ gắn với tiêu chí 3 sạch của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và bước đầu xuất hiện nhiều mô hình điển hình hay, cách làm sáng tạo đáng để biểu dương, nhân rộng.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Lan, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư Jut cho biết: “Hội LHPN huyện đã hướng dẫn Hội LHPN của 8 xã, thị trấn đồng loạt tuyên truyền, nhân rộng các hoạt động thu gom bán phế liệu bằng nhiều nguồn như tại hộ gia đình, thông qua câu lạc bộ môi trường.... Sơ kết 1 năm triển khai, cùng với việc trao mái ấm tình thương, Hội LHPN huyện đã trao tặng 30 triệu đồng tiền mặt cho 3 chị hội viên nghèo ở 3 xã.Đến nay, 1 trong số 2 con bò đã mang thai. Hiệu quả này đã đem lại niềm vui lớn cho chị em, tạo hiệu ứng tuyên truyền bảo vệ môi trường rất cao”.

Từ phong trào “biến phế liệu thành bò”, câu lạc bộ “Phụ nữ thân thiện với môi trường” tại thôn Hà Nam Ninh, Hội LHPN xã Đắk Mol (Đắk Song) đã sáng tạo thành “biến phế liệu thành gà”. 25 thành viên trong câu lạc bộ góp vốn 250.000đ/chị, mua 24 thùng đựng rác, tổ chức thu gom, phân loại rác thải và bán phế liệu, góp thêm vốn gây quỹ được 15 triệu đồng, hỗ trợ cho 3 hộ gia đình khó khăn vay không tính lãi để mua gà.

Mô hình “Bao rác thân thiện” của chi hội phụ nữ thôn 3, xã Đăk P’Lao, huyện Đắk G’Long thì “biến phế liệu thành thùng đựng rác”. Phế liệu được các thành viên thu gom có thể tận dụng như: chai nhựa, giấy báo, bao bì xi-măng, lon bia, nước ngọt… đem bán, số tiền bán được tạo quỹ dùng để mua các sọt rác tặng cho các hội viên phụ nữ trong nhóm,hướng dẫn chị em gom và phân loại rác tại nhà.

Học tập các mô hình tốt của các địa phương, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, là cách làm rất sáng tạo của Hội LHPN cơ sở tỉnh Đắk Nông. Qua đó đem lại lợi ích thiết thực cho chị em, đưa 3 tiêu chí “sạch” đến gần hơn với từng hộ gia đình, đồng thời tạo sự lan tỏa việc nâng cao nhận thức và cải thiện hành vi bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

Hội LHPN tỉnh Quảng Bình: Mô hình “Tiết kiệm từ phân loại rác thải”

 Ảnh minh họa

 Điểm tập kết phế liệu của mô hình Tiết kiệm từ phân loại rác thải, phường Bắc Lý, Quảng Bình


Mô hình được triển khai tại phường Bắc Lý với những hoạt động vận động hội viên phụ nữ đóng góp phế liệu để xây dựng quỹ hoạt động của Hội và bảo vệ môi trường. Bước đầu triển khai, Hội đã chọn làm điểm tại chi hội phụ nữ tổ dân phố 10. Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng với sự quyết tâm cao của chi hội trưởng, chi hội phó đã tích cực tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của mô hình nên đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của chị em. Với những thùng, gói vỏ lon bia, nước ngọt, chai nhựa, nhôm, sắt vụn,… mà chị em phân loại và trữ lại tại gia đình, sau đó định kỳ gom đến địa điểm bán, sau hai tháng triển khai mô hình đã thu được từ việc đóng góp phế liệu của hội viên là 1,5 triệu đồng. Từ hiệu quả của mô hình điểm, tháng 1/2017, Hội LHPN phường Bắc Lý đã tổ chức ký cam kết và nhân rộng thực hiện mô hình trên 17/17 chi hội của phường. Số tiền thu được từ bán phế liệu được hội viên phụ nữ phường nuôi trong hàng nghìn con heo nhựa tiết kiệm. Vào dịp kỷ niệm thành lập Hội 20/10/2017 vừa qua, các chi hội đã mổ heo, tổng kết bước đầu số tiền tiết kiệm được tại các chi hội là 78 triệu đồng.

Từ số tiền tiết kiệm của mô hình đã tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: chi hội 10 đã tổ chức tặng 34 suất quà cho các gia đình chính sách trị giá 5 triệu đồng, thăm hỏi động viên hỗ trợ cho hội viên, chồng con hội viên mắc bệnh hiểm nghèo 6 trường hợp với số tiền 1,8 triệu đồng; chi hội 6 đã tặng quà tiếp sức đến trường cho 08 em học sinh khó khăn và 08 chị mắc bệnh hiểm nghèo; sau cơn bão số 10, chi hội 9 đã hỗ trợ cho 02 gia đình hội viên bị tốc mái hoàn toàn. Bên cạnh đó, các chi hội khác cũng đã thăm hỏi động viên hội viên ốm đau đột xuất với 30 suất trị giá 6 triệu đồng, … Từ mô hình này cũng vận động được cán bộ công chức tham gia sinh hoạt Hội và có sự đóng góp cho các hoạt động của Hội tại địa phương, góp phần xây dựng Hội vững mạnh toàn diện.

Có thể nói, mô hình dân vận khéo “Tiết kiệm từ phân loại rác thải” đã đưa đến những kết quả tích cực, hình thành cho chị em thói quen phân loại chất thải rắn, vừa hạn chế rác thải ra môi trường vừa tiết kiệm tạo nguồn đóng góp xây dựng Quỹ để tổ chức các hoạt động ý nghĩa như giúp đỡ hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn, mua bảo hiểm cho chị em khó khăn mắc bệnh nan y, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó học giỏi và tổ chức các hoạt động của Hội hiệu quả.

Phan Minh, Thanh Liễu

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video