Dạy con sống thân thiện

10/10/2012
Nuôi dưỡng và giáo dục con trẻ trở thành người biết quan tâm, tôn trọng, yêu thương mọi người chính là giúp trẻ xây dựng mối quan hệ thân thiện, quý mến giữa con người với con người trong cuộc sống. Nhưng trước hết, sự gương mẫu, chuẩn mực của cha mẹ là bài học lớn đối với trẻ.

NUÔI GIỮ SỰ HỒN NHIÊN

Quốc Thái, học sinh lớp 5G, trường Tiểu học Hạ Long (TP.Vũng Tàu) ngay sau buổi học đầu tiên về rối rít khoe với mẹ: “Con vừa gặp lại Gia Khánh sáng nay. Em chạy tới ôm cổ con hét to – Ôi, em nhớ anh quá. Con xúc động ghê luôn”. Nhưng Thái lại xị mặt kể tiếp: “Vậy mà các bạn lớp con kêu lên: Trời ơi, 2 thằng pê đê ôm nhau kìa. Lúc đó con phải giải thích, Khánh là con của bạn mẹ tớ. Chúng tớ đã ở nhà cạnh nhau hơn 1 năm nên cũng như là anh em. Các bạn vẫn chế giễu, con ghét các bạn quá”. Chị Ngọc, mẹ của Thái cười: “Con giải thích như vậy là đúng và đủ rồi. Các bạn chỉ đùa vui tí thôi, đừng nên ấm ức làm gì. Các bạn sẽ hiểu khi các bạn có một người bạn, người em dễ thương như em Gia Khánh của con”.

Anh Hoàng Văn Quang, nhà ở đường Lạc Long Quân, phường 2 (TP.Vũng Tàu) cũng hết hồn khi nghe Hưng, chú em ở cạnh nhà “méc”: “Anh cho thằng nhỏ nhà anh nhiều tiền vậy à? Hôm qua nó dẫn thằng con em đi ăn kem đó”. Hỏi ra mới biết, An, con trai lên 10 của anh Quang đã tỏ ra rất “đàn anh” khi dùng tiền bán báo cũ ra đãi các em trong đội bóng sau trận đá bóng đường phố sôi động chiều chủ nhật. Anh Quang dặn con: “Con thảo ăn và vui vẻ với các em như vậy là ba mừng. Nhưng bữa sau, muốn tiêu tiền con phải xin phép ba mẹ”. Anh Quang giải thích: “Tôi rất sợ con trẻ tiêu tiền sớm nên phải răn dạy từ nhỏ. Nhưng tình cảm hồn nhiên của trẻ với bạn bè thì chúng ta phải trân trọng và nuôi dưỡng, phát triển đúng hướng. Vì theo tôi, sự thân thiện giữa con người với con người trong cuộc sống là rất quan trọng. Nó xuất phát từ sự quan tâm đến trước hết là những người thân, sau đó là đến mọi người xung quanh. Tình cảm đó dần dà trở nên “giàu có hơn” và biến thành tình yêu thương con người, yêu thương cuộc sống, ước muốn làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn”.

NGƯỜI LỚN LÀ NHỮNG TẤM GƯƠNG

Em Nguyễn Đăng Sơn, nhà ở 17/24/5/3A, Ngô Đức Kế (TP.Vũng Tàu) cùng Cao Vũ Anh Tú, cậu em nhà hàng xóm tung tăng vào nhà sách Fahasa. Sơn chọn mua cho mình tập vở, bút viết và không quên mua tặng Tú hộp bút màu, phấn viết bảng. Hóa đơn tính tiền của Sơn gần 300 ngàn đồng, trong đó phần cho Tú hết 48 ngàn đồng. Khi được hỏi: “Mua cho em nhiều tiền vậy con đã hỏi ý kiến ba mẹ chưa?”, Sơn nhanh nhảu đáp: “Lát về con nói cũng không sao, vì bác con quý con nít hàng xóm lắm. Em Tú còn qua nhà con ăn cơm, học bài với con nữa”. Thì ra ba mẹ Sơn làm công nhân và ở lại hẳn trong khu du lịch Thủy Tiên (Chí Linh, TP. Vũng Tàu). Sơn được gửi sống với bác, được bác lo cơm ăn, áo đi học và cho tiền đi mua tập vở. Ngày hè, Sơn phụ bác đóng xếp ve chai. Lúc rảnh rỗi, bác thường chuyện trò, căn dặn Sơn, phải kính trọng, lễ phép với người lớn và phải gần gũi, chan hòa với bạn bè. “Nếu cuộc sống mà không có người thân, không có bạn bè thì thật là buồn chán. Con người ta giàu tiền bạc cũng mừng, nhưng giàu tình cảm thì mừng hơn cháu à – Bác của con dạy như vậy” - Sơn kể.

Trái với quan điểm trên, có không ít những bậc cha mẹ trong lời nói, cách ứng xử thường ngày đã gieo rắc cho con trẻ khái niệm chê người này, ghét người kia, dễ dẫn trẻ đến tình trạng tâm lý “dị ứng cuộc sống”. Cô giáo một trường Tiểu học ở TX.Bà Rịa cho biết, vẫn có tình trạng nhiều phụ huynh cứ rỉ vào tai con những lời nhận xét về bạn bè của con như: Trông cái mặt bạn này lầm lì, mẹ ghét quá; Bạn kia có vẻ nghèo mà bẩn, đừng chơi với nó nha. Thậm chí có trường hợp còn hạn chế con trẻ không tiếp xúc, giao lưu với trẻ mồ côi, những đứa trẻ có bố mẹ phạm pháp, nhiễm HIV, hút chích ma túy.

Cần thiết phải dạy cho con trẻ biết yêu, ghét phân minh, đấu tranh xóa bỏ cái xấu. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc dạy cho con trẻ có phản ứng xa lánh, kỳ thị những người gặp khó khăn, trắc trở, những cảnh đời bất hạnh xung quanh. Giúp trẻ hiểu đúng về con người, sự việc và có ứng xử phù hợp trên quan điểm gần gũi, hiểu biết, chia sẻ là điều cần thiết.

Gia An, Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video