Dạy nghề cho lao động nữ nông thôn cần gắn với nhu cầu xã hội

16/03/2013
Thời gian qua, các chương trình đào tạo nghề cho lao động (LĐ) nông thôn đã và đang góp phần giúp nhiều LĐ nữ nông thôn - đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer - có việc làm ổn định. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm vẫn đang là bài toán khó đặt ra đối với các địa phương....

Có thêm thu nhập

Huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) có trên 7.000 LĐ nữ; trong đó gần 400 LĐ là nữ đồng bào dân tộc Khmer. Ngoài nông nghiệp, hầu hết chị em đều không có việc làm nào khác để có thêm thu nhập. 

Để kiếm sống, nhiều chị em đã bỏ địa phương đi làm công nhân tại các thành phố lớn hoặc lấy chồng có yếu tố nước ngoài. Lúc nông nhàn cũng phát sinh nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc, số đề, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự, sự phát triển của địa phương. Trước thực trạng đó, Hội LHPN huyện đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức các lớp dạy nghề dựa trên nguyện vọng của chị em.

Chị Phạm Thị Mai (ấp Định Hòa B, xã Định Môn) cho biết, hơn nửa năm trước, Hội LHPN huyện mở lớp dạy nghề may gia dụng. Thấy các chị em trong ấp không có việc làm, chị Mai vận động tham gia lớp học. Sau khi học xong, chị em được DN Phước Thọ giao hàng gia công với giá mỗi cái áo 2.500 đồng. Mỗi ngày cố gắng làm được 20 cái, mỗi chị em kiếm thêm được 50.000 đồng. 

Còn chị Dương Thị Mỹ Lệ (ngụ cùng địa phương), trước đây cuộc sống gia đình rất khó khăn, vợ chồng nhiều khi vì cái ăn, cái mặc mà phát sinh mâu thuẫn. Từ lúc chị Lệ tham gia học nghề may gia dụng và có nguồn thu nhập thì cuộc sống đã dần... khởi sắc. Chị Lệ chia sẻ: “Được đi làm tôi thấy vui lắm, thấy mình sống có ý nghĩa hơn. Mối quan hệ gia đình cũng trở nên bình đẳng hơn. Khi có việc gì lớn trong gia đình vợ chồng tôi cùng nhau bàn bạc, chớ trước đây chỉ toàn chồng nói vợ nghe thôi!”.

Bà Trần Thị Kim Thủy - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thới Lai - cho biết: “Trước khi mở lớp chúng tôi yêu cầu xã nắm lại số LĐ nữ chưa có việc làm và khảo sát chị em có nguyện vọng học nghề gì. Nếu đủ số lượng người học, Huyện hội phối hợp cùng các trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề hợp đồng giáo viên đến tận nơi giảng dạy”. 

Nhờ điều kiện học tập thuận lợi và phù hợp nguyện vọng, các lớp dạy nghề ngày càng thu hút chị em. Hàng năm, trung bình Hội LHPN huyện Thới Lai mở 4 lớp dạy nghề với khoảng 120 học viên. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp huyện thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 2 - 5% trong tổng số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. 

Còn đó nỗi lo...

 Ảnh minh họa

 Lớp dạy nghề may cho LĐ nữ ở xã Trường Xuân (huyện Thới Lai).


Sau khi được đào tạo nghề, học viên được Hội LHPN huyện giới thiệu đến các Cty, xí nghiệp có nhu cầu tuyển dụng (thường tại các khu công nghiệp ở TP.Cần Thơ), nhưng số lượng không lớn. Trong năm 2012, huyện Thới Lai mở 4 lớp đào tạo nghề với 2 nghề chằm nón và may gia dụng. Thế nhưng, trong 60 học viên lớp may gia dụng chỉ có 20 chị em được giới thiệu làm tại các DN. Số còn lại vẫn chủ yếu may phục vụ... cho gia đình. 

Nguyên nhân chính do Thới Lai là huyện nông thôn nên hoạt động nắm bắt tình hình thị trường LĐ còn chậm, số DN hoạt động tại địa phương lại rất ít. Mặt khác, không phải DN thừa lao động mà vì có nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của DN. Ngoài ra, thời gian học nghề tương đối ngắn (3 tháng/lớp), học viên chỉ học được những kiến thức cơ bản nên tay nghề cũng còn hạn chế. Đặc biệt, nguồn vốn để chị em tự làm nghề hiện rất hạn chế...

Bà Trần Thị Kim Thủy cho biết thêm: “Hàng năm, chị em yêu cầu mở rất nhiều ngành nghề, nhưng đa phần là những nghề không khả thi nên huyện chỉ chọn ra những nghề có khả năng tìm việc cao. Để gắn nhu cầu người học với nhu cầu xã hội, thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để chị em hiểu hết ý nghĩa của việc học nghề, lựa chọn nghề học phù hợp; đồng thời tăng cường liên kết với các đơn vị, DN mở các hội chợ việc làm, tư vấn việc làm để chị em có thể tìm việc làm ngay tại Cần Thơ...”.

Theo Laodong.com.vn (PH)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video