Dệt thảm hỗ trợ phụ nữ ở Tunisia

22/04/2022
Thông qua dự án mang tên Shanti, hàng loạt quần áo cũ đã được nhiều phụ nữ tại Tunisia biến thành các tấm thảm đầy màu sắc mang đậm tính truyền thống và thân thiện với môi trường. Các sản phẩm này đang chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
Sản phẩm thảm dệt của Shanti

Bà Najet, 52 tuổi, sinh sống tại thị trấn Nefta, cách thủ đô Tunis 500km về phía Nam, chia sẻ, thuở nhỏ, bà đã được học cách dệt vải từ mẹ và hiện giờ kiếm sống nhờ công việc này. Tham gia dự án Shanti, bà Najet còn tận dụng được quần áo cũ để làm ra những chiếc thảm kilim truyền thống. Shanti hỗ trợ từ việc cung cấp nguyên liệu cho đến giới thiệu đầu ra các sản phẩm, giúp thợ thủ công trên khắp Tunisia tiếp cận người mua và đem lại doanh thu đáng kể cho một số cộng đồng phụ nữ nghèo, chịu nhiều thiệt thòi.

Shanti là một dự án xã hội do cháu trai của bà Najet là Mehdi Baccouche, người Tunisia gốc Pháp, thành lập. Năm 2014, anh Baccouche nhờ dì dệt thảm cho các bạn mình, sau đó chuyển sang bán thảm qua Facebook. Nhận thấy tiềm năng kinh doanh, anh lập ra Shanti 2 năm sau đó để thu mua thảm và chịu trách nhiệm phân phối cho khách hàng. Shanti cũng tuyển dụng những nhà thiết kế làm việc với các nghệ nhân để giúp họ nâng cao tay nghề, tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Thảm của Shanti được bán trong nước và cả xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Hiện Tunisia có 1.600 công ty hoạt động trong lĩnh vực dệt may, đem lại hàng trăm ngàn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, không phải thợ dệt nào cũng có thu nhập ổn định do phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu. Hiểu rõ nhu cầu của thị trường, Mehdi Baccouche đã tìm hiểu phương thức dệt thảm, nguồn vải dệt và quyết định nghiên cứu ra loại thảm có thể tận dụng từ nguồn quần áo cũ. Hoạt động của Shanti còn nhận được sự ủng hộ từ Oxfarm - tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực phát triển nông thôn, giảm thiểu rủi ro thiên tai và cứu trợ nhân đạo,

Tại thị trấn Nefta với khoảng 22.000 dân, Shanti mở cửa hàng phụ liệu may mặc để các thợ dệt có thể nhận miễn phí các cuộn len tái chế từ quần áo cũ. Trước đây, những phụ nữ dệt thảm phải đi tìm mua vật liệu để kiếm được 13-16,3 USD/chiếc thảm. Nhưng hiện Shanti trả họ 43 USD/chiếc, với giới hạn mỗi người tối đa 4 chiếc/tháng để tránh làm việc quá sức. Tham gia dệt thảm cho dự án Shanti, nhiều phụ nữ vốn có cuộc sống bấp bênh ở Tunisia có thể tăng thêm thu nhập và thay đổi vị thế trong xã hội. Shanti chọn trả lương cho các nữ nghệ nhân bằng tài khoản bưu điện để họ có thể tự sử dụng tiền theo nhu cầu thanh toán chi phí sinh hoạt gia đình.

Không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh thảm “xanh”, Baccouche có tham vọng lớn hơn là mở rộng Shanti sang lĩnh vực du lịch sinh thái và nông nghiệp bền vững. Người sáng lập Shanti cho biết đang nỗ lực lập ra chuỗi sản xuất và logistics thân thiện hơn với môi trường. Shanti muốn thế giới nhìn nhận những phụ nữ có tay nghề đều có thể làm ra sản phẩm 100% của Tunisia, bằng vật liệu và kỹ năng của Tunisia, nhưng với thiết kế phù hợp với thị hiếu hiện đại.

Sản phẩm của Shanti đã được một số công ty sản xuất thời trang có tiếng biết đến. Gần đây, Indigo, nhà sản xuất cho Zara và Mango, đã mua 164 tấm thảm làm từ quần jean tái chế của Shanti. Một cửa hàng của Shanti có tên L’Artisanerie đã được mở ở thủ đô Tunis. Đây là không gian dành cho các điều phối viên đào tạo nghệ nhân từ các vùng nông thôn, ngoài dệt thảm còn làm đồ nội thất bằng tre thân thiện với môi trường.

SGGP

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video