Dệt ước mơ từ len

07/09/2012
Không chỉ bị cuốn hút bởi những sản phẩm len của chị Đinh Thị Tuyết Đào (42 tuổi, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM), càng tiếp xúc với chị, tôi càng bất ngờ hơn về nghị lực của người phụ nữ khuyết tật.

Lên bốn tuổi, cơn sốt bại liệt đã khiến chân trái chị Đào teo dần. Từ đó, việc đi lại của chị phải nhờ vào chiếc nạng hay sự giúp đỡ của người khác. Dù vậy, chị vẫn tốt nghiệp THPT. Năm 1996, hạnh phúc đến với chị khi anh Nguyễn Hữu Phước ngỏ lời cầu hôn. Năm 2001, vì kinh tế khó khăn, mẹ chị đành phải bán căn nhà duy nhất, thế là chị mất đi nơi buôn bán sách báo, văn phòng phẩm để kiếm sống chăm lo cho gia đình.

Q.7 có nhiều người làm nghề đan móc len. Lúc 12 - 13 tuổi, chị đã tập tành đan móc để có thêm tiền mua sách vở. “Hay là mình học nghề đan móc len” - chị suy nghĩ. May mắn, mẹ chồng cũng là người trong nghề dệt len nên rất ủng hộ.

Năm 2005, chị trở thành thợ đan móc len thuê. Làm hàng cho chủ phải theo khuôn mẫu có sẵn, trong khi chị muốn tạo nét riêng cho sản phẩm. Nhiều ý tưởng sáng tạo của chị bị “xếp xó” vì chủ hàng không đồng ý. Chị tâm tư: “Chỉ có làm chủ mới tạo ra được những mẫu mã theo ý mình”. Điều chị lo lắng nhất là vốn. Trong một lần họp Hội Phụ nữ (PN) P.Tân Hưng, nghe chị trình bày ý tưởng, các chị ở Hội đã giới thiệu chị vay 20 triệu đồng từ Quỹ Xóa đói giảm nghèo để khởi nghiệp. Có tiền, chị mua nguyên vật liệu, dụng cụ làm nghề.

Hoàn thành sản phẩm, khó khăn lại đến với chị ở khâu chào hàng. Lúc đầu nhiều cửa hàng từ chối vì họ đã có mối. Không nản chí, chị đi hết chợ này qua chợ khác, từ Xóm Chiếu, Bà Chiểu, Tân Bình, cho đến Bình Tây…; không chỉ bán hàng giá rẻ, chị còn cam kết: các tiểu thương bán được hàng mới giao tiền nên một vài nơi đồng ý nhận hàng.

Để tạo dựng uy tín, chị Đào luôn chú trọng sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng sản phẩm. Cùng với đó là sự sáng tạo trong mẫu mã và đa dạng về chủng loại. Từ áo ấm cho trẻ em, chị làm thêm áo cho người lớn, khăn, nón, vớ… Tiếng lành đồn xa, khách hàng tìm đến chị ngày càng đông. Đúng lúc này, Hội PN giới thiệu chị với Hội PN từ thiện TP, tạo điều kiện để chị được vay 50 triệu đồng từ nguồn kinh phí tạo việc làm cho PN nghèo của Quận Hội. Đó chính là động lực, tiếp thêm sức mạnh cho chị.

Chị Đào tâm niệm: “Nhờ Hội PN, tôi có được thành công hôm nay. Vì vậy, tôi luôn muốn làm một điều gì đó để trả ơn Hội. Là hội viên PN, trong những lần họp tổ Hội, tôi trao đổi với chị em khuyết tật, người đã lớn tuổi, khó xin việc, PN có con nhỏ… giúp họ đến với nghề đan len. Các chị em có thể nhận nguyên liệu mang về nhà đan vào lúc rảnh rỗi. Ai không biết kỹ thuật thì sẽ được hướng dẫn miễn phí”. Năm 2008, cơ sở đan móc len Phước Đào được thành lập tại 174/12 Lê Văn Lương, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM, tạo việc làm cho khoảng 30 chị em, thu nhập trung bình từ 700.000 – một triệu đồng/tháng.

Điều chị mong muốn là có một câu lạc bộ dạy nghề đan móc len nhằm tạo việc làm cho PN, đặc biệt là PN khuyết tật. Chị tâm sự: “Dự định này tôi ấp ủ lâu lắm rồi nhưng vẫn chưa thực hiện được. Tôi mong sao mô hình này được Hội LHPN TP và các ban ngành quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để PN nghèo có việc làm, vươn lên”.

Nhiều năm liền, gia đình chị Đinh Thị Tuyết Đào đạt danh hiệu gia đình văn hóa; gương PN làm kinh tế giỏi cấp phường, quận. PN có nhu cầu tìm hiểu và học, làm nghề đan móc len, có thể liên hệ chị Tuyết Đào, điện thoại 08.37754842.

Theo phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video