Di chúc Bác Hồ và trăn trở của Người về quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ

28/08/2009
Tài liệu “Tuyệt đối bí mật”- bản Di chúc thiêng liêng, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết lúc 9 giờ sáng ngày 10/5/1965 đúng dịp sinh nhật lần thứ 75 của Người. Từ ngày 10 đến 14/5/1965, mỗi ngày Người dành một giờ đồng hồ để viết. Những năm sau đó, cũng vào dịp tháng 5, Người lại dành thời gian để đọc lại hoặc viết thêm vào tài liệu ấy. 9 giờ sáng ngày 10/5/1968, khi xem lại tài liệu này, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy cần và Người đã viết thêm một số vấn đề nữa. Trong số những vấn đề đó, Người đã viết về phụ nữ như sau: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”[1]. .

Những lời tâm huyết này trước lúc đi xa, phải chăng là sự đúc kết ngắn gọn của sự trăn trở cả cuộc đời Người về vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng con người và giải phóng phụ nữ - thực hiện quyền bình đẳng cho mỗi dân tộc, mỗi con người và quyền bình đẳng thật sự của phụ nữ so với nam giới.

Từ những năm đầu thế kỷ XX, khi đang còn hoạt động ở nước ngoài (Pháp), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhìn thấy rất rõ nỗi khổ nhục của người phụ nữ Việt Nam và đanh thép tố cáotội ác của thực dân Pháp đối với phụ nữ xứ thuộc địa An Nam lúc đó: “Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi những hành động bạo ngược, ngoài phố,trong nhà, giữa chợ, hay ở thôn quê, đâu đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của bọn quan lại cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga”[2]. Người đã đưa ra những dẫn chứng rất cụ thể về những hành vi bạo ngược để minh hoạ cho lời tố cáo đó của mình và còn thấy rõ: Cùng với sự áp bức của thực dân Pháp thì lễ giáo phong kiến Việt Nam cũng coi người phụ nữ là những “đàn bà phải quanh quẩn bếp núc”, “trong xã hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì”[3]. “Dưới chế độ phong kiến và thực dân, phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội thì phụ nữ bị xem khinh như nô lệ. Ở gia đình thì họ bị kìm hãm trong xiềng xích “tam tòng”[4]. Trước sự khổ nhục của người phụ nữ An Nam như vậy, Người vẫn có niềm tin vào sức mạnh ở họ. Người đề cao vai trò, vị trí của giới phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Người khẳng định:“muốn thế giới cách mệnh thành công thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước…An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”[5]. Từ đó, Người đã động viên, khích lệ, kêu gọi “Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công như vậy”, “… bây giờ hai chữ “nữ quyền” đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! chị em ơi! Mau mau đoàn kết lại!”[6]

Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo năm 1930, Người đã đưa nội dung  “Nam nữ bình quyền” thành một mục ngang bằng với các mục  “Dân chúng được tự do tổ chức”, “Phổ thông giáo dục theo công nông hoá”…

Năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng, khi sáng lập Mặt trận Việt Minh (5/1941) để tập hợp lực lượng đánh thực dân Pháp giành độc lập dân tộc, Người đã đề ra 10 chính sách của Việt Minh, trong đó có chính sách về phụ nữ: “Đàn bà cũng được tự do, bất phân nam nữ đều cho bình quyền”[7]. Trong Chương trình Việt Minh, Nguời viết: “Sau khi đánh đuổi đế quốc phát xít Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà…. Chính phủ nhân dân của nước VNDCCH do Quốc dân đại hội cử lên sẽ thi hành những chính sách Phổ thông đầu phiếu: hễ ai là người Việt Nam, vô luận nam, nữ từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử… Về chính trị: Nam nữ bình quyền. Về các phương diện kinh tế , chính trị,văn hoá: đàn bà đều được bình đẳng với đàn ông”[8].

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, chỉ một ngày sau khi tuyên bố Việt Nam độc lập, ngày 3/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Người đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước VNDCCH. Trong đó, nhiệm vụ thứ ba, Người nêu: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử”[9]. Người còn chủ trương: “Trong cuộc tổng tuyển cử hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái, trai… hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”[10].Dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã giành thắng lợi lớn. Trong số 333 đại biểu Quốc hội, có 10 đại biểu là phụ nữ.

Là Trưởng ban dự thảo Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa vào bản Hiến pháp đầu tiên (1946) của nước ta những điều luật ngang tầm với nền chính trị tiên tiến của thế giới, trong đó, Điều 9 quy định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, người phụ nữ đã được quyền bình đẳng, ngang với đàn ông cả trong quy định pháp lý và cả trên thực tế.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ: Hàng vạn phụ nữ Kinh, Tày, Nùng, Mán, Mèo xung phong tham gia dân công, không quản trèo đèo lội suối, ăn gió nằm sương. Phụ nữ ở xí nghiệp, ở nông thôn, ở cơ quan, kể cả chị em tiểu tư sản đều hăng hái tham gia thi đua yêu nước, thành tích không kém đàn ông. “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Người còn chỉ ra nhiệm vụ chính trị của phụ nữ lúc bấy giờ: “Thắt chặt mối đoàn kết giữa các tầng lớp phụ nữ trong nước, giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ các nước bạn cùng phụ nữ dân chủ thế giới. - Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu.- Hăng hái tham gia chính quyền…”[11].

Người cũng nhấn mạnh: Đóng góp của phụ nữ thì to lớn như vậy, nhưng để thực sự nam nữ bình đẳng - bình quyền là “một cuộc cách mạng to và khó”. Bởi vì, “ách áp bức dân tộc và bóc lột giai cấp của bọn thực dân Pháp và tay sai đã gây nên những nỗi đau khổ, cơ cực của người phụ nữ”. Và “vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trongđầu óc của mọi tầng lớp xã hội… phải cách mạng từng người, từng gia đình đến toàn dân dù to và khó nhưng nhất định thành công”[12]. Người chỉ rõ về tầm quan trọng của cuộc cách mạng này: “Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội mới một nửa”[13]. Tư tưởng về thực hiện quyền bình đẳng và giải phóng phụ nữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã được ghi trong Hiến pháp năm 1959, tại Điều 24. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trươngxây dựng Luật Hôn nhân và gia đình, và ngày 13/1/1960, Người đã ký Lệnh số 02- LCT công bố đạo Luật này. Luật đã dành các Điều 3;12;13;18 để nói về quyền bình đẳng vợ chồng và phải yêu thương quý trọng nhau….

Trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các Bộ, các ngành, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị phải chú ý đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện đưa phụ nữ tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo. Có như vậy, phụ nữ mới thực sự bình đẳng. Ngườithường xuyên quan tâm theo dõi từng bước tiến của phụ nữ. Người nhận xét “Thời kỳ thuộc Pháp, phụ nữ ta làm gì đựơc tham gia chính quyền. Nhưng đến nay, số phụ nữ hiện công tác ở các cơ quan Trung ương đã có trên 5.000 người, ở huyện, xã có hơn 16.000 người và các tỉnh có hơn 330 người, đặc biệt trong quốc hội khoá II này có 53 đại biểu phụ nữ”[14]. Người còn động viên chị em noi gương phụ nữ thế giới…; phụ nữ trong nước… như “Phó tổng tư lệnh quân giải phónglà cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”[15].

Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để phụ nữ Việt Nam được hưởng quyền bình đẳng thật sự thì không chỉ làm cách mạng giải phóng họ, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của họ mà còn phải bồi dưỡng, giúp đỡ họ, đưa họ tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo Đảng và chính quyền. Đây là biểu hiện rõ nét nhất về việc thực hiện quyền bình đẳng đối với phụ nữ. Cả cuộc đời Người luôn trăn trở để đem lại quyền bình đẳng thật sự đó.




[1]  Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 32
[2]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, T.2, tr. 105, 112;

[3]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.2, tr. 448.

[4]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.10, tr. 661.

[5]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.2, tr.288 và 289.

[6]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, T.2, tr. 457.

[7]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.3, tr. 206.

[8]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.3, tr. 583 và 585.

[9]Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, T.4, tr.48.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.4, tr. 133.

[11]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.6, tr. 432.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.6, tr. 433.

[13]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.7, tr. 523.

[14]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.10, tr. 185.

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.12, tr. 149.

Vũ Thị Nhị
Bảo tàng Hồ Chí Minh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video