Di chúc của Người soi sáng đường chúng ta đi

02/09/2009
Từ năm 13 tuổi, Merle Ratner đã tham gia phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và suốt chặng đường từ đó đến nay, bà luôn lấy di chúc của Bác Hồ làm kim chỉ nam cho mọi hành động.
“Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ là thời điểm thích hợp để chúng ta tiếp tục khẳng định những việc thực sự quan trọng, đó là mối quan hệ giữa con người với con người, tình đoàn kết và hữu nghị; nên bớt quan tâm đến việc làm giàu cho bản thân để tập trung cho nỗ lực cải thiện cuộc sống cho tất cả mọi người”. Đó là những tâm sự của bà Merle Ratner (đồng Chủ tịch Diễn đàn Brecht, Trường Nghiên cứu Chủ nghĩa Marx New York - Mỹ), gửi cho Đất Việt nhân kỷ niệm 64 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Dưới đây là bài viết của bà Merle Ratner.

Bác luôn ngự trị trong trái tim tôi

 

 

Bác Hồ đi xa năm tôi 13 tuổi. Đó là thời điểm tôi bắt đầu tham gia phong trào phản chiến ở Mỹ. Trước đó, tôi được đọc về Người, được thấy Người qua những thước phim về phong trào giải phóng dân tộc. Nhiều người trong phong trào của chúng tôi ngưỡng mộ Người và hy vọng một ngày nào đó được gặp Người ngay trên đất nước Việt Nam hoàn toàn giải phóng. Vì thế, khi nghe tin Người mất, chúng tôi càng quyết tâm thực hiện mong ước của Người trong di chúc là “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.
 
Tấm gương Hồ Chí Minh là động lực thôi thúc chúng tôi đấu tranh để chấm dứt cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam và ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Chúng tôi đọc thơ của Người để được tiếp thêm sức mạnh, tiếp tục đấu tranh chống lại cuộc chiến xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Khi nảy sinh bất đồng, chúng tôi tự nhắc nhau đọc lại khẩu hiệu của Người: đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Khi tự hỏi về cách hành xử sao cho xứng với người cách mạng, chúng tôi lại nhớ lời dạy của Người về đạo đức cách mạng và phụng sự nhân dân. Hình ảnh Người luôn ngự trị trong trái tim và suy nghĩ của chúng tôi.

Bốn mươi năm kể từ khi Bác đi xa là thời điểm thích hợp để nhìn lại xem chúng ta đã kế tục di sản của Người hiệu quả như thế nào. Có rất nhiều khía cạnh, nhưng cho phép tôi chỉ tập trung vào một vài nội dung, mà Người đã nhấn mạnh trong Di chúc.

Thứ nhất, Việt Nam đã thực hiện thành công lời kêu gọi của Bác: giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 rõ ràng là một tiến bộ của loài người mà cho đến nay, vẫn âm vang trong tâm khảm nhân dân thế giới.

Thứ hai, Việt Nam đã đạt được những bước tiến vĩ đại trong việc thực hiện lời dạy của Người về cải thiện đời sống nhân dân. Sự phát triển của CNXH giúp nâng cao điều kiện sống của người dân. Thành tựu của Việt Nam về xóa đói giảm nghèo là niềm mơ ước của nhiều nước đang phát triển khác.

Thứ ba, Bác Hồ là một nhà quốc tế chân chính. Cuộc đời Người gắn liền với câu nói nổi tiếng: “Công nhân thế giới hãy đoàn kết lại! Các bạn không có gì để mất, trừ xiềng xích”. Dòng cuối cùng trong di chúc, Người nhắc nhở Việt Nam hãy đóng góp cho cách mạng thế giới.

Ngày nay, Việt Nam đã là thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc (LHQ) và hiện là ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ. Việt Nam kiên định lập trường đoàn kết với Cuba, Venezuela và các nước XHCN khác; kiên định quan điểm đối với những vấn đề quan trọng của quốc tế như giải trừ vũ khí hạt nhân.

Với vai trò ngày càng được tăng cường trên trường quốc tế, Việt Nam đang đón nhận những vận hội mới để có thể đóng góp cho cách mạng thế giới, trong đó có việc nêu lên vấn đề chất độc da cam và những loại vũ khí hóa học hủy diệt hàng loạt khác, kêu gọi chấm dứt sử dụng những loại vũ khí này, bồi thường cho nạn nhân.

Việt Nam có vị trí thuận lợi để có thể đảm nhận vai trò tiên phong trong cuộc đấu tranh của cộng đồng quốc tế, nhằm phân phối lại nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách công bằng hơn và xóa bỏ nợ nần đang phủ bóng đen lên tương lai nhiều nước đang phát triển. Việt Nam có thể hợp tác với các nước tiến bộ và XHCN để xây dựng những hình thái hợp tác kinh tế với các mô hình sản xuất và phân phối mới. Nền kinh tế mới sẽ điều chỉnh các nguồn lực theo hướng bền vững cho hàng tỷ người đang thiếu ăn, bệnh tật và mù chữ.

Thế hệ trẻ Việt Nam: năng động để đưa đất nước lên tầm cao mới

Hồ Chí Minh rất nhiều lần nhấn mạnh đến yêu cầu về đạo đức cách mạng, đó là toàn tâm toàn ý vì lợi ích tập thể và vị tha sâu sắc. Đảng Cộng sản Việt Nam cùng nhiều đảng viên và quần chúng vẫn giữ vững nguyên tắc này. Thế nhưng, để đạt được điều đó trong bối cảnh hiện nay, không phải đơn giản khi kinh tế thị trường tạo ra mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng và chủ nghĩa cơ hội. Ở Mỹ, tôi và các đồng chí trong phong trào cộng sản vẫn tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ và ích kỷ, những biểu hiện của hệ tư tưởng tư sản.

Thậm chí, ngay ở các nước XHCN, nhu cầu về một nền kinh tế thị trường trong thời kỳ quá độ có xu hướng đẩy con người đến chỗ xem xét mọi thứ qua lăng kính của đồng tiền và biến quan hệ người với người thành hàng hóa. Ví dụ như xu hướng “đong đếm” hạnh phúc và sự thành đạt bằng tài sản và tiền bạc, hay nhận xét về người khác dựa trên giá trị tài sản mà họ có, chứ không phải đóng góp của họ cho xã hội. Chủ nghĩa hưởng thụ thái quá sẽ dẫn đến sự đố kỵ, cạnh tranh và tham nhũng nếu không được kiểm soát.

Bác Hồ đã nhấn mạnh đến sự cống hiến cả đời cho cách mạng. Ngày nay, nhiều bạn trẻ coi đây là một phần quan trọng của lịch sử Việt Nam. Thế nhưng, đối với tương lai, thì nó lại quan trọng hơn nhiều. Tương lai cách mạng Việt Nam nằm trong tay thế hệ trẻ, đòi hỏi họ phải vận dụng tri thức, sự năng động và can đảm để đưa cách mạng lên tầm cao mới.

 “Bà người sẵn sàng làm tất cả vì Việt Nam”, đó là điều mà bạn bè dành để nói về Merle Ratner, điều phối viên Chiến dịch vận động trách nhiệm và cứu trợ nạn nhân chất độc da cam/diôxin Việt Nam (VAORRC). Sinh ra ở New York (Mỹ), ngay từ khi còn rất trẻ, bà đã tham gia phong trào phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Khi chiến tranh chấm dứt, bà lại cùng chồng là Tiến sỹ Ngô Thanh Nhàn tích cực vận động để Mỹ xóa bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Hiện nay, bà đang hoạt động không biết mệt mỏi vì công lý cho nạn nhân chất độc da cam/diôxin Việt Nam.  

 

Theo www.baodatviet.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video