Dì Năm Vạn - người gắn bó cả cuộc đời mình với công tác phụ nữ

14/07/2022
Nhiều người vẫn quen gọi bà Lê Thị Huệ bằng cách xưng hô trìu mến: Má Năm, cô Năm Vạn, dì Năm Vạn… bởi sự gần gũi, giản dị của bà. Cả cuộc đời bà đã dành trọn cho sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của quê hương Đồng Tháp.
Chân dung Bà Lê Thị Huệ (Dì Năm Vạn)

Bà Lê Thị Huệ (bí danh Thanh Vân, Năm Vạn), sinh ngày 31/3/1930 tại xã Hoà An, huyện Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là phường Hoà Thuận, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Năm 1942, bà Huệ học tại trường tiểu học Hoà An, sau đó học trường trung học Gia Long, Sài Gòn. Năm 1944, khi Sài Gòn bị ném bom, bà phải nghỉ học khi vừa tròn 14 tuổi để về nhà làm bánh bán với mẹ. Bà đã được chị ba tên là Lê Thị Thuỷ, Đoàn trưởng Phụ nữ cứu quốc tỉnh Sa Đéc hướng theo con đường cách mạng và gắn bó cuộc đời mình với công tác phụ nữ.

Bà chính thức tham gia cách mạng khi vừa tròn 16 tuổi (khoảng tháng 6 năm 1946), sinh hoạt trong tổ Phụ nữ cứu quốc xã Hoà An. Công việc ban đầu của bà là đi vận động chị em tham gia các buổi sinh hoạt, họp hội. Tháng 9/1947, bà là tổ trưởng tổ phụ nữ cứu quốc xã Hoà An. Tháng 1/1948, bà là Đoàn phó, sau là Đoàn trưởng Ban Chấp hành Phụ nữ cứu quốc xã Hòa An.

Với vai trò là Đoàn trưởng Ban Chấp hành Phụ nữ cứu quốc xã, bà hoạt động tích cực và được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) tại lớp huấn luyện chương trình Miền ngược do đồng chí Đỗ Văn An, Bí thư Chi bộ xã Hòa An giới thiệu (8/1948).

Bà Lê Thị Huệ là người giản dị và gần gũi. Ảnh: Tùng Thiện

Từ tháng 02/1949 đến 01/1951, bà là Đoàn phó rồi Đoàn trưởng Ban Chấp hành Phụ nữ cứu quốc huyện Cao Lãnh. Tháng 01/1951, bà là Uỷ viên Ban Chấp hành Phụ nữ cứu quốc tỉnh Sa Đéc (sau là tỉnh Long Châu Sa). Tháng 12/1953 đến 10/1954, bà là Uỷ viên Ban Chấp hành Phụ nữ xã Mỹ Ngãi và giáo viên dạy bình dân học vụ ở kênh Ông Kho (căn cứ kháng chiến).

Bà Lê Thị Huệ (Dì Năm Vạn) qua đời ở tuổi 93

Bà Lê Thị Huệ (bí danh Thanh Vân, Năm Vạn) đã từ trần hồi 5 giờ ngày 13/7, thượng thọ 93 tuổi. Theo chương trình lễ tang, lễ viếng bà Lê Thị Huệ bắt đầu lúc 14 giờ ngày 13/7 tại nhà riêng ở TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Lễ truy điệu bắt đầu lúc 11 giờ, ngày 15 /7; sau đó hoả táng tại Nghĩa trang nhân dân Quản Khánh.

Ban tổ chức lễ tang bà Lê Thị Huệ gồm 14 người do ông Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp làm Trưởng Ban. 2 Phó Trưởng Ban là bà Đỗ Thị Thu Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực TƯ Hội LHPN Việt Nam và ông Trần Văn Cường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp.

Tháng 10/1954, thi hành Hiệp định Giơnevơ, Cao Lãnh được chọn làm điểm tập kết chuyển quân, bà tham gia vận động bà con bố trí địa điểm ăn ở cho bộ đội về đóng quân. Hết thời gian 100 ngày tập kết, bà được bố trí ở lại, rút vào hoạt động bí mật. Cuối năm 1954, bà là Uỷ viên Ban Phụ vận tỉnh Kiến Phong, được phân công bám địa bàn hai xã Mỹ Ngãi và Hoà An.

Năm 1959, do bị lộ, bà được Tỉnh uỷ Kiến Phong rút về cơ quan Tỉnh uỷ, làm cộng tác viên phụ trách phụ vận. Được Tỉnh uỷ cử tham gia lớp học sơ cấp chính trị tại trường Đảng Trần Phú do Khu uỷ phụ trách (lúc đó trường có tên là Út Lợp), sau đó về mở lớp đào tạo cán bộ cốt cán phụ vận cho cơ sở.

Sau Đồng Khởi 1960, vùng giải phóng được mở rộng, tháng 11/1960, bà được điều về làm Huyện uỷ viên Huyện uỷ Cao Lãnh, phụ trách hai xã Tân An (nay là Mỹ Tân), Mỹ Ngãi và sau đó bà được tổ chức phân công về xã Tân Tịch và Tịnh Thới. Trước chủ trương khôi phục lại các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân đã giải tán (1954), bà cùng với một đồng chí cán bộ Thanh vận và Nông vận được giao nhiệm vụ viết Điều lệ cho các tổ chức đoàn thể hoạt động trở lại.

Tháng 10/1961, bà là Trưởng Ban Phụ vận tỉnh Kiến Phong. Ngày 01/6/1962, bà học trung cấp chính trị Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc miền Nam tại rừng Tây Ninh do Trung ương Cục miền Nam tổ chức.

Ngày 08/3/1963, thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng tỉnh Kiến Phong, bà được bầu Hội trưởng Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng tỉnh Kiến Phong, Uỷ viên Thường vụ Ban Chấp hành Phụ nữ Khu Trung Nam Bộ, Tỉnh uỷ viên Tỉnh uỷ Kiến Phong.

Tháng 6/1967 đến 5/1968, bà được Tỉnh uỷ phân công phụ trách ba xã: Hoà An, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, vùng tiếp giáp thị xã Cao Lãnh để phối hợp chi bộ ba xã phát động quần chúng nổi dậy, kết hợp ba mũi tấn công chính trị, binh vận và vũ trang, làm tan rã bộ máy kìm kẹp của địch, tạo thế làm chủ cho cách mạng.

Bà Lê Thị Thanh Phương - nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng luôn ân cần, chu đáo chăm sóc cho mẹ là bà Lê Thị Huệ. Ảnh: Tùng Thiện

Tháng 10/1968, bà được rút lên Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Khu 8 (Khu Trung Nam Bộ). Từ tháng 10/1973 đến 3/1976, bà là Hội Phó Ban Chấp hành Phụ nữ Khu Trung Nam Bộ, được phân công hoạt động trên chiến trường Gò Công, Mỹ Tho và Bến Tre để hỗ trợ phụ nữ các tỉnh và báo cáo viên của Khu uỷ, truyền đạt sự chỉ đạo của Khu uỷ cho các Tỉnh uỷ.

Năm 1974, bà được cử đi công tác trong phái đoàn phụ nữ miền Nam ra Hà Nội dự Đại hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (lần thứ IV), do bà Nguyễn Thị Định, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam, Tư lệnh phó các Lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam làm trưởng đoàn.

Cuối năm 1974, bà trở về miền Nam. Đầu năm 1975, chuẩn bị giải phóng miền Nam, bà là thành viên trong Ban Chỉ huy tiền phương của Khu uỷ Khu 8, vừa làm công tác phụ nữ, vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ huy tiền phương cho các Tỉnh uỷ.

Tháng 6/1976, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam hợp nhất với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lấy tên Hội LHPN Việt Nam, bà được điều về công tác tại tỉnh Đồng Tháp. Sau đại hội, bà được bầu Hội trưởng Hội LHPN Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, khoá đầu tiên sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và là Tỉnh uỷ viên, đại biểu quốc hội khóa VI (1976 – 1981), đại biểu Hội đồng Nhân dân Tỉnh Đồng Tháp khóa I (1977 -1981)

Tháng 7/1981 đến 5/1982, bà là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Tháng 5/1982 đến 11/1985, bà là Uỷ viên Đảng đoàn, Uỷ viên Ban Thư ký Trung ương Hội LHPN  Việt Nam.

Tháng 11/1985 đến 01/1989, bà là Phó Ban Dân vận Tỉnh uỷ Đồng Tháp. Tháng 02/1989, bà nghỉ hưu tại xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (nay là phường Hoà Thuận, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Bà Lê Thị Huệ đã được Đảng, Nhà nước tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều hình thức khen thưởng khác.

Song song với những thành tích vẻ vang ấy, má Năm còn là một người vợ, người mẹ tuyệt vời với chồng con. Má Năm là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước cho nhiều phụ nữ Việt Nam học tập và noi theo. 

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video