Diệp 'đồng nát' kích thích trẻ sáng tạo bằng mô hình 'Rơm hí hoáy'

22/08/2019
Với mong muốn tái chế tất cả những đồ bỏ đi thành vật dụng có giá trị, chị Nguyễn Thị Bích Diệp (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) đã quyết tâm khởi nghiệp bằng dự án giáo dục trải nghiệm mang tên “Rơm hí hoáy”. Dự án đoạt giải nhì Cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2019.

Giáo dục trải nghiệm để gần con

Làm sao vừa tạo môi trường học tập tốt cho con vừa có thời gian bên con lại vừa cân đối được kinh tế? Có lẽ đây là câu hỏi cũng là mối bận tâm của rất nhiều bà mẹ bỉm sữa. Chị Bích Diệp cũng không nằm ngoài số đó.

Trên hành trình tìm kiếm phương pháp giáo dục con, chị Diệp đã phát hiện ra rằng: Chính bản thân mới là người cần được giáo dục và nhiệm vụ của người làm giáo dục là tạo ra môi trường để sống cùng nhau, noi gương, khích lệ yêu thương và đặc biệt tôn trọng nhau.

“Hơn 2 năm trước mình sống ở Hà Nội. Mình chuyên sản xuất đồng phục học sinh, mình bận đi kết nối sản xuất, tìm đầu mối ở các tỉnh nên chồng ở nhà chăm 2 con nhỏ. Mỗi lần nghĩ về con mình lại suy nghĩ làm gì để được ở cạnh con. Sau đó, mình đã chọn rẽ sang giáo dục trải nghiệm. Đây vừa là cơ hội phát triển bản thân, vừa có kiến thức đồng hành cùng con lại vừa có thu nhập. Đó là lý do Rơm hí hoáy ra đời”, chị Diệp chia sẻ.

Chị Diệp cho biết: Với tư tưởng mẹ làm xôi con được ăn xôi, nên tất nhiên mẹ sẽ nấu xôi thật sạch, thật ngon và trao cả tình yêu vào đó. Rơm hí hoáy không chỉ làm trải nghiệm cho trẻ mà còn mong muốn thay đổi tư duy giáo dục cho giáo viên, phụ huynh. Dự án mong muốn kết hợp nhịp nhàng giữa gia đình và nhà trường để dạy trẻ. Dự án đã kết nối các chuyên gia giáo dục về chia sẻ cho giáo viên, phụ huynh về những phương pháp đồng hành cùng con, học tập hiệu quả và nhớ nhanh, nhớ lâu, các giá trị về lòng biết ơn...

 Ảnh minh họa

Chị Diệp nhớ, thời thơ ấu rất thích chui vào đống rơm, đùa nghịch với rơm


“Mình nhớ lại tuổi thơ của mình ngày xưa rất thích chui vào đống rơm, đùa nghịch với rơm. Tuổi thơ đó rất là hạnh phúc nên mình đặt tên dự án là rơm. Trong dự án các bé sẽ bện rơm thành các vòng đội đầu, các hình nộm, nhảy lên những đống rơm… Bên cạnh đó, mọi người còn gọi mình là Diệp “đồng nát” bởi vì mình luôn gom đồng nát về tái chế, mình muốn mọi thứ đều có thể tái chế để chính nó trở nên có ý nghĩa. Dự án của mình cũng có một phần giúp các bé sáng tạo tái chế đồ cũ”, chị Diệp tâm sự.

 Ảnh minh họa

 "Rơm hí hoáy" nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh trên địa bàn TP Vũng Tàu


Phụ huynh Phạm Bích Phương (TP Vũng Tàu) nhận xét: “Sau khi cho con tham gia khóa trải nghiệm ở Rơm hí hoáy, tôi cảm thấy con đã thay đổi rất nhiều. Con tôi năng động hơn, hòa đồng hơn với mọi người. Tôi cảm nhận được con rất là vui, một sân chơi hoàn toàn mới lạ, ở đó không cần điện thoại, không cần các đồ chơi đắt tiền”.

Phát huy tính sáng tạo

Hiện nay, dự án Rơm hí hoáy của chị được chia làm 2 dự án nhỏ là chợ Rơm Hí Hoáy và dự án vũng bùn. Trong đó, chợ Rơm hí hoáy được thiết kế hoạt động dạng chợ phiên trải nghiệm các loại hình truyền thống. Ở đó các bé được trải nghiệm bán các món hàng quê, làm thí nghiệm khoa học, sáng tạo, làm bánh, biểu diễn nghệ thuật, trồng cây, làm tranh từ cỏ cây... Các hoạt động này sẽ giúp trẻ em phát huy được tính sáng tạo của bản thân và kết nối với ba mẹ.

 Ảnh minh họa

 Trẻ học thực hành các nghề truyền thống


Còn dự án vũng bùn sẽ cho các bé được hòa mình với thiên nhiên. Các bé được đùa nghịch với bùn, được hướng dẫn cách cụ thể trong từng bài học trải nghiệm. Chợ rơm hí hoáy đang tập trung triển khai tại các trường trên địa bàn thành phố Vũng Tàu. Dự án Vũng bùn đang trong quá trình xây dựng, phí tham gia dự tính từ 350.000 đến 700.000/bé/1 ngày trải nghiệm.

Theo chị Diệp chia sẻ, dự án chợ Rơm hí hoáy ban đầu được mở cố định vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần tại TP Vũng Tàu. Tuy nhiên, hiện nay mô hình này đã chuyển đổi sang phương thức “di động”. Công ty của chị Diệp  kết nối với các trường để đưa mô hình này vào trong nhà trường vào các dịp đặc biệt hay các khóa học trải nghiệm theo yêu cầu của nhà trường. Các ngày hội do Đội thiếu nhi, Đoàn thanh  niên trên địa bàn tổ chức cũng kết nối lồng ghép cùng công ty của chị để tạo sân chơi cho các bé.

Mục đích của dự án là giúp trẻ kết nối được với bản thân, với ba mẹ, với thiên nhiên và cộng đồng. Hướng đến xây dựng một con người có đạo đức, nghị lực và trí tuệ. “Thông qua trải nghiệm ở Rơm hí hoáy, nhiều bà mẹ giật mình vì phát hiện ra con mình bộc lộ rõ tính cách, thiếu xót và ưu điểm của con. Khi tham gia trải nghiệm tại Rơm, trẻ được “học mà như không học”. Tức là tự mình học qua trải nghiệm, quan sát, phân tích, đúc kết. Và kết quả thấy rõ nhất là các con được bộc lộ tài năng bẩm sinh, đam mê của mình. Từ đó định hình cho mình là 1 người tài năng và từ đó con trở nên rất tự tin”, chị Diệp cho biết.

Chị Diệp từng chia sẻ mong muốn trong tương lai mọi người cùng nhau xây dựng thành phố "không ổ khoá". Tức là nhà nhà mở cửa, các quán xá, siêu thị không cần có người trông coi, khách hàng tự phục vụ. Tất cả sống trong môi trường yêu thương, dưới nền giáo dục hạnh phúc. Sẽ không viễn vông với một ước mơ chính đáng như vậy nếu xã hội có nhiều mô hình khởi nghiệp giáo dục như chính bản thân chị đang làm.

Lời khuyên của chị Diệp dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp ở lĩnh vực giáo dục:

1. Phải vừa học vừa khởi nghiệp

2. Tìm cho mình người thầy, tham gia vào 1 cộng đồng kinh doanh tử tế.

3. Đã nói là phải làm, làm thì phải đến cùng, và không bỏ cuộc.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video