Dinh dưỡng cho trẻ - vấn đề cần nhìn lại

25/05/2012
“Từ bao lâu nay thấp còi đã chỉ nhận được sự lưu tâm ít ỏi. Gần như cứ 3 trẻ ở Việt Nam lại có một trẻ bị thấp còi và ở nhiều vùng và nhiều cộng đồng, người ta vẫn nhầm lẫn thấp còi là do gen di truyền chứ không phải là một tình trạng sức khỏe có thể phòng ngừa được”, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Lotta Sylwander phát biểu tại Hội thảo Nuôi dưỡng trẻ nhỏ: Đầu tư hôm nay – Sức khỏe ngày mai tại Hà Nội ngày 22/5/2012 vừa qua.

* Nuôi dưỡng trẻ nhỏ - những con số báo động

Mặc dù trong những năm qua tình hình dinh dưỡng trẻ em nước ta đã được cải thiện đáng kể nhưng suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn cao, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi và còn có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng miền.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, năm 2010, tỷ lệ trẻ được bú mẹ trong vòng 1 giờ đầusausinh cả nước chỉ có khoảng 62%, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 69.2%, cao hơn rất nhiều so với khu vực thành thị (58.2%). Trong khoảng 1.5 triệu trẻ em sinh ra mỗi năm có khoảng 600 nghìn trẻ không được bú sữa mẹ trong giờ đầu sau sinh. Và cứ 3 bà mẹ mới sinh thì có 1 người mang sữa đến cơ sở y tế, đặc biệt tỉ lệ này lên tới 87% ở Hà Nội. Việc các bà mẹ mang sữa khi đi sinh được lí giải là để dự phòng trường hợp không có sữa trong những giờ đầu sau sinh.

Cũng với lí do không có sữa, không đủ sữa, không có thời gian cho con bú, tin tưởng vào chất lượng sữa… nhiều bà mẹ cho trẻ ăn ngoài, ăn thêm (ngoài sữa mẹ) từ rất sớm. Trong 5 bà mẹ nuôi con nhỏ, chỉ có 1 bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Tỷ lệ trẻ tiếp tục được bú mẹ cho tới khi 2 tuổi ở mức thấp 22,9%. Việt Nam hiện là nước có tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ thấp thứ 3 trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo, tình trạng trẻ không được bú sữa mẹ sớm trong 1 giờ đầu, không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, thời gian được bú sữa mẹ ngắn là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng trẻ thấp còi như hiện nay. Điều tra dân số 2011, cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam cao thứ 13 so với thế giới (khoảng 2.5 triệu trẻ - chiếm 27,5% tổng số trẻ). Trong 5 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thiếu cân thể trung bình hoặc nặng (17,5%).

Không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển, suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn phổ biến. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 10,9 triệu trường hợp tử vong ở trẻ em, trong đó có tới 60% trường hợp bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp do suy dinh dưỡng.

Nhìn nhận về thực trạng phát triển của trẻ em Việt nam, bà Lotta Sylwander - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đã chỉ ra: “Từ bao lâu nay thấp còi đã chỉ nhận được sự lưu tâm ít ỏi. Gần như cứ 3 trẻ ở Việt Nam lại có một trẻ bị thấp còi và ở nhiều vùng và nhiều cộng đồng, người ta vẫn nhầm lẫn thấp còi là do gen di truyền chứ không phải là một tình trạng sức khỏe có thể phòng ngừa được”.

* Cần thay đổi nhận thức và hành vi

Cho trẻ bú sữa ngoài ngay sau sinh đã vô tình làm hại trẻ, làm giảm đi cơ hội trẻ được tiếp xúc với nguồn sữa dinh dưỡng quý giá và làm tăng nguy cơ bệnh tật cho trẻ. TS.GS. Nhi khoa và Dịch tễ học, khoa Y, trường Đại học MaGill (Canada) Michael S.Kramer chia sẻ: khi mới được sinh ra, dạ dày trẻ rất nhỏ, chỉ cần 1 vài giọt sữa non của mẹ là đủ. Nên cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh bởi sữa non được tiết ra từ người mẹ trong trong 3 ngày đầu tiên, nhất là những giờ đầu sau sinh rất giàu chất đạm (gấp 10 lần sữa trưởng thành) và vitamin A. Đặc biệt, trong sữa non còn có lượng kháng thể (chủ yếu là IgG) và bạch cầu lớn giúp trẻ giảm được nguy cơ dị ứng và mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Nếu được bú sớm, trẻ sẽ ít khả năng mắc các bệnh hô hấp, tiêu hóa như viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy… Tiến sĩ cũng cảnh báo, trẻ càng được bắt đầu cho bú mẹ muộn thì nguy cơ tử vong càng cao. Các nhà khoa học ước tính, có thể ngăn chặn được 15- 20% tử vong sơ sinh nếu tất cả trẻ trong ngày đầu sinh ra được bú mẹ; và 22% tử vong sơ sinh nếu trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, trẻ được bú mẹ.

Cho trẻ ăn bổ sung sớm cũng là một hành vi cần phải thay đổi. Ý kiến các chuyên gia tại Hội thảo đều cho thấy: để phát triển bền vững, trẻ phải được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên của cuộc đời và tiếp tục được duy trì bú sữa và ăn bổ sung hợp lý đến năm 2 tuổi. Kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Michael S. Kramer và cộng sự trên gần 14.000 trẻ sơ sinh ở Belarus trong 6.5 năm qua đã chỉ ra rằng trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu có chỉ số IQ cao hơn đến 8 điểm so với trẻ có sử dụng thêm các thực phẩm khác ngoài bú mẹ.

Lo sợ rằng không đủ sữa cho trẻ bú, tin tưởng vào nguồn dinh dưỡng của sữa ngoài cũng là những suy nghĩ cần phải thay đổi. Mọi bà mẹ đều có khả năng có đủ sữa cho con bú. Điều đó phụ thuộc chính vào người mẹ như làm tăng nguồn sữa của mình thông qua việc ăn uống, bổ sung hợp lí; cho con bú đúng cách – là cách kích thích nguồn sữa mẹ tốt nhất. Nếu không cho trẻ bú, nguồn dinh dưỡng quý giá đó mất đi vì chính cơ thể mẹ ngừng tiết sữa. Trong sữa mẹ chứa nhiều thành phần cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển tối ưu của trẻ như: các chất tăng khả năng miễn dịch, enzyme, hormone, vitamin, những chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng… mà các sản phẩm thay thế sữa mẹ không thể có được. Bên cạnh đó, sự tiếp xúc giữa mẹ và bé còn tăng khả năng kích thích sữa mẹ, tăng mối quan hệ mật thiết mẹ - con rất có lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.
Theo Bà o­nerlla Lincetto, đại diện WHO, trẻ thấp còi lúc 3 tuổi thì khi trưởng thành cũng sẽ thấp còi. Ngoài ra, thấp còi còn dẫn đến các hậu quả xấu đối với sức khoẻ, kết quả học tập và khả năng thu nhập trong tương lai của trẻ.
Chính vì vậy, chúng ta cần phải nhận thức đúng về dinh dưỡng cho trẻ, thay đổi hành vi nuôi con ngay từ hôm nay để trẻ có khởi đầu tốt đẹp nhất, làm cơ sở cho sự trưởng thành của trẻ sau này.

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video