Doanh nghiệp xã hội Thương Thương Handmade kiên cường trong đại dịch

18/11/2021
Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn khi đại dịch, nhưng Công ty CP Thương mại và sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade (Đống Đa, Hà Nội) - doanh nghiệp tập hợp chủ yếu là những người khuyết tật – vẫn đứng vững.
Các sản phẩm của Thương Thương Handmade là hàng thủ công lưu niệm

Khi đại dịch Covid-19 ập đến, nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ và cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, những doanh nghiệp xã hội, trong đó có người khuyết tật lại càng khó khăn gấp bội.

Doanh nghiệp xã hội Thương Thương Handmade dạy nghề và tạo việc làm cho những hoàn cảnh đặc biệt, đó là những người khuyết tật. Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau nhưng đã coi trung tâm như mái nhà thứ hai để làm việc và sinh sống đây, với những sản phẩm tự tay làm ra, mọi người đã tự tin hơn khi có thể tự kiếm tiền và nuôi sống bản thân. Các sản phẩm của Thương Thương handmade là hàng thủ công lưu niệm, sản phẩm chủ yếu là nghệ thuật cuốn giấy với nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú như hộp cắm bút cuốn giấy, hộp giấy ăn cuốn giấy, khuyên tai xoắn giấy, hộp trang sức 5 mặt cuộn giấy, bookmark xoắn giấy, thiệp chúc mừng Quilling, tranh phố cổ Hà Nội giấy cuốn, tranh phong cảnh con người Việt Nam cuộn giấy, các loại tranh logo công ty. Dù từng ngày các bạn phải đối mặt với khó khăn nhưng họ luôn luôn cố gắng làm việc thật tốt, cho ra các sản phẩm đẹp để có thể tự trang trải, tạo cơ hội có được cuộc sống hoà nhập.

Là doanh nghiệp tập hợp chủ yếu là những người khuyết tật, Công ty CP Thương mại và sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade (Đống Đa, Hà Nội) gặp muôn vàn khó khăn khi đại dịch.

Các thành viên của Thương Thương HandMade

Thương Thương HandMade được thành lập từ năm 2013 do chị Nguyễn Thu Thương, một người khuyết tật làm chủ. Các sản phẩm của Thương Thương Handmade là hàng thủ công lưu niệm, sản phẩm chủ yếu là nghệ thuật cuốn giấy với nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú như hộp cắm bút cuốn giấy, hộp giấy ăn cuốn giấy, khuyên tai xoắn giấy, hộp trang sức 5 mặt cuộn giấy, bookmark xoắn giấy, tranh phố cổ Hà Nội, các loại tranh logo...

Chị Thương Thương và sản phẩm của Thương Thương HandMade

"Doanh nghiệp hiện có 16 người ở các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Nam Định, Lào Cai, có một số thành viên người khuyết tật bẩm sinh, một số bị tai nạn, có người là bệnh nhân nặng, phải lọc máu, chạy thận…", chị Thương cho biết. Bản thân chị Thương cũng là người bị xương thủy tinh có sức khỏe yếu.

Trong đợt dịch Covid-19, ngoài những khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, thì doanh nghiệp Thương Thương HandMade còn gặp trở ngại do đội ngũ lao động đều có sức khỏe kém.

Chị Đỗ Thị Quyên cũng như những thành viên khác đều cố gắng khắc phục sức khỏe để đảm bảo tốt công việc

Điển hình như chị Đỗ Thị Quyên (sinh năm 1995) bị ốm nhưng vì sợ lây nhiễm dịch Covid-19 nên không dám đi khám. Khi bệnh nặng quá mới đến bệnh viện thì đã trong tình trạng hạ tiểu cầu, lúc chữa được tiểu cầu thì lại bị trầm cảm. Sau đó chị Quyên phải vào viện tâm thần điều trị một tháng. Doanh nghiệp đã trích quỹ để thăm hỏi, động viên và kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ chị Quyên, đến nay chị đã hồi phục và tiếp tục đi làm.

Các sản phẩm của Thương Thương HandMade được trưng bày tại Ả Rập Xê Út

Đời sống của các thành viên khuyết tật đã khó khăn, họ còn vấp phải khó khăn do không bán được hàng. Tuy vậy, chị Thương vẫn giao việc đều đặn cho các thành viên, để giữ vững tinh thần cho mọi người. Khi khó khăn nhất, các chị tổ chức làm mũ chống giọt bắn chống dịch để bán cho các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm, mang lại thu nhập ổn định giúp các thành viên trang trải cuộc sống.

Sản phẩm hộp giấy ăn cuốn giấy

Khó khăn là thế, nhưng các chị vẫn quyết tâm bám nghề, dù giá mỗi sản phẩm không được nhiều, phải cạnh tranh theo giá trị trường. Số lượng bán lẻ cũng rất hạn chế do các thành viên khuyết tật, ốm đau nên không năng động trong việc tiếp thị sản phẩm. Đơn hàng chủ yếu do chị Thương liên hệ đặt hàng, xoay vòng vốn, cố gắng đủ để trả lương cho các thành viên.

Tranh giấy xoắn

Thời gian này, hàng vẫn chưa bán được nhưng các chị vẫn tiếp tục làm, hy vọng Tết có thể tiêu thụ được nhiều hơn. Hiện tại, Thương Thương HandMade vẫn đang được một CLB tình nguyện hỗ trợ mỗi tháng 50kg gạo và một số nhà hảo tâm hỗ trợ kinh tế.

Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn nhưng tất cả vẫn kiên cường vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống. Chị Thương Thương hy vọng, sau thời gian giãn cách, thành phố, các tổ chức xã hội có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xã hội về vốn, đầu ra sản phẩm để duy trì lâu bền công việc cho các thành viên.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video