Dự án Bò sữa “khơi nguồn” cho Ba Vì phát triển

10/02/2006
Khởi nguồn từ ý tưởng khuyến khích lao động nữ, góp phần giải quyết nhu cầu dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em Việt Nam của Chủ tịch tổ chức Thế giới Hài Hoà,

hơn 10 năm qua, dự án Bò sữa do Hội LHPN Việt Nam trực tiếp điều hành đã mang lại cho hàng trăm hộ gia đình ở Ba Vì một hướng phát triển kinh tế bền vững.

 

Bây giờ, khi những sản phẩm sữa Ba Vì (Hà Tây) đã nổi danh khắp trong Nam ngoài Bắc và vùng đất này được biết tới vớitiềm năng dồi dào để phát triển chăn nuôi bò sữa… thì hẳn ít người còn nhớ rằng hơn chục năm về trước hàng loạt gia đình nơi này đã phải phá rừng để kiếm ăn từng bữa. Đất đai cằn cỗi, trồng trọt không hiệu quả; chăn nuôi đại gia súc đã có nhưng nuôi bò sữa mới chỉ manh nha, chăn nuôi bò sữa ở quy mô gia đình thì hoàn toàn vắng bóng. Thiếu phong trào, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên người dân không dễ dàng “đột phá”. May sao chính ở thời điểm gian nan đó,dự án “Phát triển chăn nuôi bò sữa và công nghiệp chế biến sữa” (gọi tắt là Dự án Bò sữa) do tổ chức Thế giới Hài hòa (World in Harmony- có trụ sở tại Tây Ban Nha) tài trợ và Hội LHPNVN trực tiếp điều hành, đã thực sự mở ra một hướng đi đầy triển vọng để người dân phát triển kinh tế một cách bền vững.

Khởi nguồn từý tưởng khuyến khích lao động nữ, góp phầngiải quyết nhu cầu dinh dưỡngcho phụ nữ và trẻ emVN của công chúa Irene (Hy Lạp) - Chủ tịch tổ chức Thế giới Hài Hòa- với sự nỗ lực của Hội LHPNVN,đầu năm 1993, 50 con bò sữa giống tốt đã được đưa đến 50 gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Tản Lĩnh- một trong những xã nghèo nhất ở Ba Vì. Khỏi phải nói những người được hưởng lợi mừng đến mức nào bởi vào thời điểm đó mỗi con bò sữa đã có giá giá 10 triệu đồng- lớn hơn cả một cơ nghiệp cỡ trung bình trong xã. Có cả cơ nghiệp trong tay đã đành, các thành viên dự án còn được tham gia các lớp tập huấn cách nuôi bò và lấy sữa sao cho có giá trị kinh tế nhất; những đời bê tiếp theo các hộ này có toàn quyền giữ lại hoặc bán đi… Không chỉ hỗ trợ về con giống, dự án còn có một dây chuyền thanh trùng sữa đồng thời nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật rất tích cực từ Trung tâm nghiên cứu Bò và đồng cỏ Ba Vì. Vậy là vừa được hỗ trợ kinh nghiệm và kỹ thuật, vừa được bảo đảm đầu ra, các thành viên dự án không những có một nguồn thu ổn định từ tiền bán sữamà còn được lợi từ việc xây biogas vàtrồng cỏ voi trên những khoảnh ruộng quá cằn cỗi… Với sự chăm lo “khép kín” của dự án và sự cố gắng của từng thành viên, chẳng bao lâu những hộ chăn nuôi bò sữa đã có kinh tế vượt hẳn các hộ làm nông nghiệp thông thường khác. Mô hình chăn nuôi bò sữa ở quy mô hộ trên đồng đất Ba Vì đã khẳng định được tính ưu việt nổi trội trong xóa đói-giảm nghèo nên nhanh chóng tạo được sức lan tỏa, nhiều hộ không phải là thành viên dự án cũng đến để học tập và làm theo. Phong trào nuôi bò sữa ở Ba Vì ngày càng được nhân rộng.

Giai đoạn I của dự án được khép lại vào năm 2003 với những kết quả khả quan. Sau 10 năm thực hiện, dưới sự điều hành sát sao của Hội LHPN các cấp,3 hợp tác xã mang tên Hài Hòa được thành lập ở 2 xã (Tản Lĩnh và Vân Hòa) đến năm 2003 đã thu hút 153 hộ thành viên với 357 con bò, bê sữa, hầu hết kinh tế các gia đình tham gia dự án đều được nâng lên nhờ bò sữa. Những thành công này đã thuyết phục tổ chức Thế giới Hài Hòa tiếp tục tài trợ để dự án triển khai giai đoạn 2 với quy mô mở rộng hơn.Với vốn hỗ trợ tiếptừ tổ chức Thế giới Hài hòa và tiền vốn từ giai đoạn I chuyển sang, chỉ trong gần 2 năm của giai đoạn II dự án đã tiến hành giải ngân thêm 1,5 tỷ đồng cho 112 hộ trên địa bàn 5 xã (Vân Hòa, Tản Lĩnh, Yên Bài, Ba Trại và Chu Minh) vay để mua bò sữa. Ngoài lãi suất ưu đãi (0,5%/tháng), các hộ tham gia dự án còn được hưởng sự hỗ trợ kỹ thuật, được lo đầu ra của sản phẩm; các hộ chưa tìm được bò có thể nhờ Hội LHPN huyện giúp đỡ để có thể mua được bò như ý, được Trung tâmnghiên cứu Bò và đồng cỏ Ba Vì tổ chức tiêm phòng bệnh định kỳ và chăm sóc thú y. Tính đến cuối năm 2005, đàn bò của dự án giai đoạn 2 đã có tổng số 176 con, trong đó concao nhất cho thu 18kg sữa/ngày, con ít nhất cũng cho 10kg sữa/ ngày. Với giá sữa hiện là 3.500 đ/lít, thu nhập bình quân từ mỗi con bò vắt sữa là khoảng 700.000đ/tháng. Đây là nguồn thu nhập ổn định, thường xuyên mang rất nhiều ý nghĩa đối với hàng trăm gia đình trong huyện.

Điều đáng mừng là cùng với sự phát triển về kinh tế, dự án Bò sữa do Hội LHPNVN điều hành còn mang một ý nghĩa xã hội rất sâu sắc. Với hình thức những tổ phụ nữ nuôi bò sữa, các chị em tham gia dự án còn được hưởng lợi từ các hoạt động lồng ghép như tuyên truyền nâng cao nhận thức, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ở địa phương, nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe, văn hóa, xã hội, luật pháp, chính sách… Nhờ tham gia các lớp tập huấn, hàng trăm chị đã biết cách làm kinh tế, biết sắp xếp, tổ chức xây dựng cuộc sống gia đình một cách khoa học; biết quản lý, sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả. Chị em trong các tổ rất phấn khởi, chí thú làm ăn, đầu tư vốn và sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả. Kinh tế lên, không còn ai lên rừng chặt cây như xưa nữa. Các tổ chăn nuôi bò sữa đã trở thành hạt nhân gắn bó tình làng nghĩa xóm; vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội đều được nâng cao. Nhiều gia đình có cơ ngơi khang trang hơn,con cái được chăm sóc tốt hơn chính nhờ “chiếc cần câu” mà dự án Bò sữa đã mang lại ./.

Hải Phong

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video