Dự án “Khởi đầu mới” giúp phụ nữ nông thôn nâng cao chất lượng cuộc sống

27/12/2011
“Khởi đầu mới” là dự án nằm trong khuôn khổ chương trình “Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua phát triển kinh doanh và giáo dục sức khỏe” hợp tác giữa Hội LHPN Việt Nam và Uniliver Việt Nam.

Khởi đầu mới cho một cuộc sống tốt đẹp hơn luôn là khát khao cháy bỏng của những người phụ nữ. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn, phần lớn phụ nữ, đặc biệt phụ nữ nông thôn còn thiếu kiến thức và vốn để phát triển kinh tế gia đình. Sau 3 năm thực hiện, Dự án “Khởi đầu mới” tại Quảng Bình đã góp phần giúp phụ nữ nghèo, cận nghèo nâng cao kiến thức về phát triển kinh tế,tạo việc làm, tăng thu nhập, tổ chức cuộc sống gia đình, nâng cao vị thế và quyền năng phụ nữ trong gia đình và xã hội.

“Khởi đầu mới” là dự án nằm trong khuôn khổ chương trình “Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua phát triển kinh doanh và giáo dục sức khỏe” hợp tác giữa Hội LHPN Việt Nam và Uniliver Việt Nam. Dự án được thực hiện từ năm 2008 đến nay tại xã Mai Thủy và Dương Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và gia đình thông qua việc nâng cao nhận thức, hỗ trợ tín dụng nhỏ cho phụ nữ nghèo, cận nghèo. Dự án đã tập trung vào các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cho phụ nữ về chăm sóc sức khỏe, tập huấn chuyển giao KHKT, đào tạo nghề, vay vốn tín dụng nhỏ cho phụ nữ nghèo và cận nghèo.

Hơn 3 năm triển khai thực hiện, Dự án đã tổ chức được 22 lớp tập huấn chăm sóc sức khỏe, xây dựng gia đình hạnh phúc… cho 880 phụ nữ; 576 lượt truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẵng, tiến bộ, hạnh phúc” trên hệ thống loa truyền thanh tại các thôn; thành lập và duy trì sinh hoạt 2 CLB Gia đình hạnh phúc, 2 CLB dinh dưỡng thu hút 160 thành viên tham gia; xây dựng và duy trì hoạt động của 2 tủ sách tại 2 xã dự án thu hút 1.069 lượt người đọc; tổ chức 4 Hội thi “Kiến thức và thực hành dinh dưỡng”, “Phụ nữ với phát triển kinh tế gia đình”. Với nội dung thiết thực, hình thức hoạt động phong phú, Dự án đã đem lại cho phụ nữ nghèo, cận nghèo và bà con nhiều kiến thức bổ ích, góp phần nâng cao nhận thức cho phụ nữ và cộng đồng về sức khỏe, sinh sản, dinh dưỡng và các vấn đề liên quan đến gia đình và xã hội.

Cùng với tuyên truyền, giáo dục, Dự án làm tốt mục tiêu tiếp sức cho phụ nữ tạo dựng mô hình sản xuất kinh doanh nhỏ. Dự án đã xây dựng Quỹ “Khởi đầu mới” hoạt động theo mô hình tín dụng vi mô giúp chị em tiếp cận vốn vay nhỏ để chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình và cải thiện thu nhập. Hiện tại, địa bàn thực hiện Dự án xây đã xây dựng được 50 nhóm tín dụng-tiết kiệm thu hút 637 thành viên tham gia. Tham gia nhóm tín dụng - tiết kiệm, chị em được vay vốn được gửi tiết kiệm ban đầu và tiết kiệm định kỳ hàng tháng. Đã có 398 thành viên được vay trên 1.844 triệu đồng với mức vay từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/hộ; đã tiết kiệm được 211.430.000 đồng để quay vòng cho chị em khác. 100% chị em được vay vốn đầu tư đúng mục đích, nhiều hộ đã sản xuất có lãi từ 2-5 triệu đồng/hộ/tháng, tỷ lệ hoàn trả đạt 100%. Tham gia vào Quỹ “Khởi đầu mới” đã giúp phụ nữ nghèo, cận nghèo có cơ hội đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình, hình thành ý thức tiết kiệm cho phụ nữ, tăng cường tình đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, nâng cao tình làng nghĩa xóm. Đời sống của chị em đã từng bước được nâng lên rõ rệt.

Để giúp phụ nữ sử dụng vốn vay hiệu quả, dự án đã chú trọng đến hoạt động nâng cao kiến thức cho phụ nữ về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tư vấn, hỗ trợ phụ nữ tự lập phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Dự án đã tổ chức được 56 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 2.240 người thụ hưởng dự án tham gia với các nội dung: kỹ thuật chăn nuôi lợn, kỹ thuật trồng tiêu, chăn nuôi trâu, bò, gà thả vườn, trồng hoa, trồng lạc, đậu xanh, nuôi cá, trồng rau, trồng lúa… ; 13 lớp tập huấn về lập kế hoạch và sử sụng vốn vay hiệu quả cho 585 thành viên; thành lập và duy trì sinh hoạt 4 CLB Khoa học kỹ thuật với 160 thành viên tham gia chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; tổ chức 2 chuyến tham quan các mô hình phát triển kinh tế gia đình trên địa bàn tỉnh cho 44 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế; hỗ trợ 44 triệu đồng cho 520 chị em mua giống cây, con, thức ăn, nguyên vật liệu để phát triển chăn nuôi, trồng trọt tại hộ gia đình. Qua đó, chị em đã biết cách hạch toán và áp dụng hiệu quả các kiến thức vào thực tiễn sản xuất hàng ngày, góp phần giúp cho sản lượng và chất lượng cây trồng vật nuôi tăng lên, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Cùng với đó, Dự án đã giúp phụ nữ lúc nông nhàn tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để phát triển nghề mới, khôi phục làng nghề truyền thống ở địa phương, Dự án đã tổ chức 8 khóa đào tạo nghề làm chổi đót, làm nón, làm hương, trồng nấm cho 240 học viên, tạo công ăn việc làm cho bà con vùng dự án; xây dựng thử nghiệm thành công 4 mô hình trồng nấm với tổng kinh phí 12 triệu đồng. Đến nay, các mô hình vẫn được duy trì, có sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn và các xã lân cận, mở ra một nghề mới cho phụ nữ nghèo, cận nghèo trên địa bàn dự án.

Dự án cũng đã quan tâm nâng cao kiến thức cho phụ nữ về phát triển kinh doanh, tự lập vươn lên làm giàu chính đáng. Thông qua hoạt động đào tạo phát triển kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp, 160 nữ doanh nghiệp và chủ hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn 2 xã dự án và một số vùng lân cận của huyện Lệ Thủy đã áp dụng các kiến thức được đào tạo vào thực tiễn. Đến nay, nhiều chị đã xây dựng được mô hình sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Dự án là cải thiện điều kiện nhà ở cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, tiếp sức cho phụ nữ xây dựng, phát triển kinh tế gia đình, mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình. Hai mái ấm tình thương đã được dựng lên tặng cho gia đình chị Huỳnh Thị Loan (thôn Mai Hạ- xã Mai Thủy) và chị Lê Thị Chắn (thôn Bình Minh- xã Dương Thủy) - những hộ phụ nữ nghèo đơn thân, có hoàn cảnh gia đình khó khăn chưa có nhà ở hoặc đang ở nhà tạm. .

Dự kiến tới đây mô hình Quỹ “Khởi đầu mới” sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh, từng bước thành lập tổ chức tài chính vi mô cung cấp tín dụng nhỏ cho phụ nữ nghèo, cận nghèo vùng nông thôn phát triển kinh tế.

Mỹ Hạnh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video