Dư luận quốc tế về việc Việt Nam chính thức gia nhập WTO

15/01/2007
Ngày 11/1, nhiều báo và hãng tin lớn trên thế giới đã đồng loạt đưa tin và bình luận về việc Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

* Đưa tin về sự kiện này, hãng tin Mỹ AP nhận xét rằng việc Việt Nam chính thức gia nhập WTO mở ra "kỷ nguyên thương mại và đầu tư mới" ở một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Việc gia nhập WTO của một nước có mức tăng trưởng kinh tế trung bình hơn 7%/năm trong suốt thập kỷ qua cũng thực sự là một tin tốt lành cho tổ chức thương mại toàn cầu này.

Trong hai thập kỷ Đổi mới, Việt Nam đã tiến hành những cải cách theo hướng tự do hóa thị trường và đang giành được lòng tin ngày càng tăng của giới đầu tư nước ngoài. Năm 2006, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã đạt mức kỷ lục trên 10 tỷ USD năm 2006.

* Hãng tin Pháp AFP dẫn lời Giám đốc chấp hành Phòng thương mại Mỹ tại Hà Nội Adam Sitkoff khẳng định: "Mỗi ngày tới là một cơ hội cho Việt Nam để nền kinh tế trở nên cạnh tranh hơn và vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân".

*VOV-Tokyo: Sự kiện Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 11/1 tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận báo chí Nhật Bản.

Dưới đầu đề “Gia nhập chính thức WTO, các lĩnh vực chủ yếu sẽ mở cửa trong vòng 5 năm và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng”, tờ báo kinh tế Nihon Keizai viết: Ngày 11/1, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ tiến hành mở cửa thị trường đối với 1 loạt các lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và cắt giảm mạnh thuế nhập khẩu, trong đó, có tới 3.800 danh mục sản phẩm sẽ cắt giảm thuế trong vòng 5-7 năm.

Đầu tư nước ngoài, nhất là của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ nhằm vào thị trường với 84 triệu dân và nền kinh tế đang tiếp tục tăng trưởng hàng năm trên 8% của Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng. Chính phủ Việt Nam đã đề ra kế hoạch đẩy mạnh cải cách để đến năm 2010 tạo ra môi trường thu hút đầu tư dễ dàng ít nhất cũng ngang bằng với các nước Đông Nam Á khác. Năm 2006, Việt Nam đã thu hút được lượng vốn đầu tư lên tới 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay.

Còn tờ Asahi cũng cho rằng, với việc gia nhập WTO, Việt Nam hy vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài. Từ năm 2002 tới nay, Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7-8%/năm và trong năm ngoái, các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu của thế giới như Intel (Mỹ), Posco (Hàn Quốc) đã đầu tư các dự án khổng lồ vào Việt Nam. Tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm ngoái lần đầu tiên đã vượt qua mốc 10 tỷ USD./.

*Với tiêu đề ''Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO'', bài viết trên tờ "Thời báo" (Times) nêu rõ khi là thành viên đầy đủ của WTO, Việt Nam sẽ càng thịnh vượng hơn; công nghiệp may mặc, thủy sản và nhiều sản phẩm xuất khẩu khác có hy vọng lớn, từ các trang trại đến những công ty bảo hiểm đều sẵn sàng cho làn sóng mới, đối mặt với cạnh tranh nước ngoài.

* Báo "20 phút" của Thụy Sĩ giật tít "Ngày 11/1, WTO đã chào đón thành viên mới nhất của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này". Theo bài báo, việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ tạo cơ hội thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn và cải thiện cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam.

* Tổ hợp truyền thông Anh BBC đánh giá vị trí thành viên WTO sẽ tạo cho Việt Nam cơ hội lớn hơn trong việc tiếp cận với các thị trường nước ngoài, nhưng cũng đòi hỏi phải cắt giảm thuế nhập khẩu. Theo BBC, các công ty nước ngoài đã tăng cường sự có mặt tại Việt Nam và đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam đạt 10 tỷ USD trong năm 2006. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất của khu vực Đông-Nam Á.

* Tại Đức, tờ "Rheinpfalz" nhấn mạnh rằng sự tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đã đạt được, chỉ đứng sau Trung Quốc, riêng trong năm 2006 đã đạt tăng trưởng kinh tế khoảng 8%.

* Báo "Tiêu chuẩn" (Standard) và tờ "Die Presse" của Áo lại viết với việc chính thức trở thành thành viên WTO, Việt Nam hy vọng trong năm 2007 sẽ thu hút trên 11 tỷ USD đầu tư nước ngoài, sau khi đã đạt mức cao kỷ lục 10 tỷ USD trong năm 2006.

Tuy nhiên, dư luận nhìn chung đều cho rằng, trở thành thành viên WTO, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với sự cạnh tranh mới từ những công ty nước ngoài; buộc phải chấp thuận những điều khoản ngặt nghèo đòi hỏi mở cửa thị trường nội địa trong lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, phân phối bán lẻ nhanh hơn so với các thành viên gia nhập WTO trước.

Trung tâm Thông tin tổng hợp (Theo TTXVN, VOV...)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video