Dự thảo Luật Bình đẳng giới

01/06/2006
Sáng 31/5/2006 Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban QGVSTBCPNVN, Trưởng ban soạn thảo Luật Bình đẳng giới Hà Thị Khiết đã trình bày Tờ trình dự án Luật Bình đẳng giới. Để có thêm thông tin, trang Web Hội LHPN Việt Nam xin trân trọng giới thiệu với độc giả nội dung dự thảo Luật Bình đẳng giới


Luật số.…/2006/QH11

           Dự thảo

 

QUỐC HỘI CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                   Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Khoá XI, kỳ họp thứ….

(Từ ngày….tháng….đến ngày….tháng….năm 2006)

-----------------

 LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI

 

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;

           Luật này quy định về bình đẳng giới.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới; thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với:

1. Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, gia đình và công dân Việt Nam (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân).

2. Cơ quan, tổ chức nước ngoài được thành lập, hoạt động tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài cư trú hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giới chỉ đặc điểm, tính cách, vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của nữ giới và nam giới do xã hội quy định.

2. Giới tính là sự khác biệt giữa nữ giới và nam giới về mặt sinh học.

3. Bình đẳng giới là việc nam, nữ có quyền, nghĩa vụ, cơ hội và được hưởng lợi ích như nhau trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

4. Phân biệt đối xử về giới là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế, loại trừ, không công nhận hoặc không coi trọng vai trò, địa vị bình đẳng của nam giới, nữ giới trong các lĩnh vực.

5. Định kiến giới là việc nhìn nhận không đúng về khả năng của namgiới hoặc nữ giới; về tính cách mà nam hoặc nữ nên có; về loại hoạt động, nghề nghiệp mà nam hoặc nữ có thể làm hoặc không thể làm.

6. Biện pháp tạm thời là những biện pháp được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, tạo cơ hội và điều kiện cho nữ giới hoặc nam giới nâng cao năng lực, vai trò, địa vị nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.

7. Lao động gia đình bao gồm việc chăm sóc con và các công việc phục vụ đời sống gia đình.

Điều 4. Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới

1. Nữ giới và nam giới bình đẳng về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới.

2. Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ sự khác biệt về giới tính giữa nữ giới và nam giới.

3. Không coi là phân biệt đối xử về giới khi cơ quan, tổ chức áp dụng những biện pháp tạm thời nhằm thúc đẩy bình đẳng giới

Các biện pháp nhằm bảo vệ và hỗ trợ người mẹ cũng không bị coi là phân biệt đối xử về giới.

4. Nhà nước có trách nhiệm xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật nhằm đạt mục tiêu bình đẳng giới.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới

1. Bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.

2. Thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; tạo điều kiện cho nữ giới và nam giới phát huy đầy đủ khả năng của mình, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và hưởng lợi từsự phát triển.

3. Bảo đảm cho phụ nữ thực hiện tốt thiên chức mang thai, sinh con; tạo điều kiện và khuyến khích nữ giới và nam giới chia sẻ công việc lao động gia đình.

4. Áp dụng mọi biện pháp xoá bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

5. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.

Điều 6. Nội dung quản lý nhà nước về bình đẳng giới

1. Xây dựng chiến lược và ban hành chính sách, pháp luật về bình đẳng giới

2. Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.

3. Xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ hoạt động về bình đẳng giới.

4. Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.

5. Hợp tác quốc tế về bình đẳng giới.

Điều 7. (Có 2 phương án)

Phương án 1 (Điều 7):

Điều 7. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bình đẳng giới, hàng nămbáo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

2. (Có 2 phương án)

Phương án 1 (khoản 2 Điều 7):

Uỷ ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới.

Phương án 2 (khoản 2 Điều 7):

Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới.

3. Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới trong phạm vi ngành, lĩnh vực theo sự phân công của Chính phủ.

4. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới tại địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ.

 

 

Phương án 2 (Điều 7):

Điều 7. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bình đẳng giới, hàng nămbáo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

2. Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới trong phạm vi ngành, lĩnh vực theo sự phân công của Chính phủ.

3. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới tại địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ.

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Cản trở nam, nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học và xã hội.

2. Đặt ra và thực hiện các quy định có sự phân biệt đối xử về giới trong các hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc trong quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.

3. Truyền bá tư tưởng trọng nam, khinh nữ, phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức.

4. Đặt ra và áp dụng tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng khác nhau giữanữ giới và nam giới cho cùng một công việc mà cả hai đều có khả năng thực hiện, gây bất lợi cho nữ giới.

5. Sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với phụ nữ vì lý do mang thai, nghỉ thai sản và nuôi con nhỏ.

6. Ép buộc trẻ em và người chưa thành niên nghỉ học vì định kiến giới.

7. Ép buộc người khác phá thai vì lý do giới tính của thai nhi.

8. Đánh đập, hành hạ, ngược đãi phụ nữ và trẻ em.

9. Các hành vi khác phân biệt đối xử, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nữ giới theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới theo quy định của Luật này và pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới theo quy định của Luật này và pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

3. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

 

Chương II

BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG CÁC LĨNH VỰC

CỦA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI VÀ GIA ĐÌNH

 

Điều 10. Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

1. Nữ giới và nam giới bình đẳng trong tham gia hoạt động xã hội, tham gia quản lý Nhà nước và xã hội; tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước, củađịa phương.

2. Nữ giới và nam giới bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.

3. Nữ giới và nam giới bình đẳng trong việc được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp.

4. Nữ giới và nam giới bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo cơ quan, tổ chức; được bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành nghề có tiêu chuẩn chức danh.

Điều 11. Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động

1. Nữ giới và nam giới bình đẳng trong tham gia hoạt động kinh tế, trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và các dịch vụ tư vấn phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã.

2. Nữ giới và nam giới bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức và được đối xử bình đẳng trong phân công công việc, bảo hộ lao động và tiền lương, tiền công, tiền thưởng.

3. (Có 2 phương án)

Phương án 1 (khoản 3 Điều 11):

Tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức và người lao động nam, nữ nhưnhau.

Đối với nữ cán bộ, công chức và người lao động, nếu có nguyện vọng, có quyền nghỉ sớm từ một đến năm năm, không bị trừ phần trăm lương hưu do nghỉ trước tuổi.

Tuổi nghỉ hưu trong một số ngành, nghề đặc thù do Chính phủ quy định.

Phương án 2(khoản 3 Điều 11)

Tuổi nghỉ hưu của một số nữ cán bộ, công chức như nam giới. Đối tượng cụ thể do Chính phủ quy định.

Điều 12. Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo

1. Độ tuổi đi học và được cử đi đào tạo của nam, nữ như nhau.

2. Nữ giới và nam giới bình đẳng trong lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo.

3. Nữ giới và nam giới bình đẳng về cơ hội, điều kiện tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Điều 13. Bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ

1. Nữ giới và nam giới bình đẳng về cơ hội tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ.

2. Các nhà khoa học nữ, nam bình đẳng về cơ hội tiếp cận các khoá đào tạo về khoa học và công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát minh sáng chế.

Điều 14. Bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hoá - thông tin và thể thao

1. Nữ giới và nam giới bình đẳng trong tham gia các hoạt động văn hoá - thông tin, thể thao.

2. Nữ giới và nam giới bình đẳng trong hưởng thụ văn hoá, trong tiếp cận và sử dụng các nguồn thông tin.

Điều 15. Bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế

1. Nữ giới và nam giới bình đẳng về cơ hội và điều kiện tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về sức khoẻ sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế.

2. Nữ giới và nam giới bình đẳng trong lựa chọn và quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn tình dục và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS phù hợp.

Điều 16. Bình đẳng giới trong gia đình

1. Phụ nữ từ mười tám tuổi đến đủ mười tám tuổi, đã kết hôn, bình đẳng với chồng trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

2. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung và bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng.

3. Vợ, chồng có trách nhiệm bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.

4. Con trai, con gái được chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, phát triển.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN

TRONG VIỆC THỰC HIỆN VÀ BẢO ĐẢM BÌNH ĐẲNG GIỚI

 

MỤC 1. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

TRONG VIỆC BẢO ĐẢM BÌNH ĐẲNG GIỚI

 

Điều 17. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới

Cơ quan nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

1. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới.

2. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em.

3. Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới quy định tại Điều 4 Luật này.

Điều 18. Ban hành các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới

1. Chính phủ ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định các biện pháp tạm thời sau nhằm thúc đẩy bình đẳng giới:

a) (Điểm a có 2 phương án)

Phương án 1 (của điểm a khoản 1 Điều 18):

Quy định tỉ lệ nam hoặc nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới trong danh sách giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, trong cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, trong bổ nhiệm các chức danh thuộc các ngành, nghề có chức danh; trong tham gia học tập, đào tạo hoặc tuyển dụng lao động;

Phương án 2 (của điểm a khoản 1 Điều 18):

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội tối thiểu là 30%; nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tối thiểu 30%, cấp huyện và xã tối thiểu là 25%.

Các Bộ, ngành, cơ quan nhà nước có 30% lực lượng lao động nữ trở lên có ít nhất một nữ tham gia ban lãnh đạo;

b) Ban hành chính sách khuyến khích nữ giới thành lập và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ;

c) Có biện pháp hỗ trợ để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước;

d) Các biện pháp tạm thời khác nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.

2. Chính phủ ban hành hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định các biện pháp sau tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện thiên chức làm mẹ:

a) Thời gian lao động nữ nghỉ thai sản được coi là thời gian làm việc liên tục để giải quyết các chế độ, chính sách liên quan;

b) Hỗ trợ cán bộ, công chức nữ khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi;

c) Hỗ trợ phụ nữ nghèo ở nông thôn và thành thị sinh con đúng chính sách dân số, trừ những người đã hưởng chính sách bảo hiểm thai sản;

d) Phát triển các cơ sở phúc lợi xã hội, các dịch vụ hỗ trợ nhằm giảm nhẹ gánh nặng lao động gia đình;

đ) Bổ sung thông tin về giá trị lao động gia đình trong những số liệu thống kê về sản phẩm quốc dân;

e) Các biện pháp khác nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.

Điều 19. Thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và pháp luật về bình đẳng giới

1. Chính phủ có trách nhiệm công bố chính thức các thông tin quốc gia về bình đẳng giới.

2. Bộ Văn hoá - thông tin có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo sản xuất, xuất bản, tuyên truyền, phổ biến các ấn phẩm và chương trình cung cấp kiến thức giới và pháp luật về bình đẳng giới.

3. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm giáo dục về giới và pháp luật về bình đẳng giới cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động do mình quản lý.

4. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc tuyên truyền, giáo dục về giới và pháp luật về bình đẳng giới cho nhân dân trong địa phương.

5. Bộ Giáo dục - Đào tạo có trách nhiệm tích hợp kiến thức giới và pháp luật về bình đẳng giới vào sách giáo khoa, giáo trình và các chương trình giáo dục đào tạo khung.

6. Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, gia đình người học trong hoạt động giáo dục về giới và pháp luật về bình đẳng giới.

Điều 20. Bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

1. Nội dung bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bao gồm:

a) Xác định vấn đề giới và các biện pháp giải quyết trong lĩnh vực mà văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh;

b) Đánh giá dự kiến tác động của các quy định trong văn bản quy phạmpháp luật khi được ban hành đối với nữ giới và nam giới;

c) Xác định trách nhiệm và nguồn lực để giải quyết các vấn đề giới trong phạm vi văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.

2. Trách nhiệm của các cơ quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật:

a) Quán triệt đầy đủ và toàn diện các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới theo quy định tại Điều 4 Luật này trong dự án văn bản quy phạm pháp luật khi trình các cơ quan có thẩm quyền;

b) Chuẩn bị hồ sơ đánh giá việc bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 21. Đánh giá việc bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

1. Hồ sơ đánh giá việc bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật gồm có:

a) Dự thảo văn bản chính sách, pháp luật;

b) Báo cáo xác định, giải quyết vấn đề giới và tác động dự kiến của các quy định trong dự thảo văn bản chính sách, pháp luật;

c) Văn bản dự kiến quy định trách nhiệm và nguồn lực để giải quyết các vấn đề giới trong lĩnh vực mà văn bản chính sách, pháp luật điều chỉnh;

d) Phụ lục thông tin, số liệu về giới.

2. Cơ quan đánh giá xem xét mức độ thực hiện nội dung bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật này.

3. Kết quả đánh giá là một trong những căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét thông qua văn bản quy phạm pháp luật đó.

Điều 22. Cơ quan đánh giá việc bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

1. Bộ Tư pháp khi thẩm định văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm đánh giá việc bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

2. Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá việc bảo đảm bình đẳng giới đối với những văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành không do Bộ Tư pháp thẩm định.

Điều 23. Bảo đảm bình đẳng giới trong hoạt động của cơ quan nhà nước

1. Trong công tác tổ chức, cán bộ, cơ quan nhà nước có trách nhiệm:

a) Bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức nam, nữ bình đẳng trong làm việc, đào tạo, thăng tiến và hưởng phúc lợi;

b) Bảo đảm việc đánh giá cán bộ dựa trên nguyên tắc bình đẳng giới.

2. Trong hoạt động của mình, cơ quan nhà nước phải:

a) Xác định thực trạng bình đẳng giới, xây dựng và bảo đảm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong ngành, lĩnh vực do mình quản lý;

b) Bảo đảm sự tham gia của cán bộ, công chức, viên chức nam, nữ trong xây dựng và thực thi pháp luật; các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

c) Có biện pháp khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức thực hiện bình đẳng giới trong cơ quan, tổ chức và gia đình.

Điều 24. Nguồn lực bảo đảm bình đẳng giới

1. Hàng năm, Nhà nước dành một khoản ngân sách cho các hoạt động bình đẳng giới.

2. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm:

a) Sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn ngân sách dành cho bình đẳng giới;

b) Bố trí và đào tạo cán bộ hoạt động về bình đẳng giới.

 

MỤC 2. TRÁCH NHIỆM CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

VÀ CÁC TỔ CHỨC THÀNH VIÊN

 

Điều 25. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên

1. Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia quản lý nhà nước về bình đẳng giới theo quy định của pháp luật.

2. Bảo đảm bình đẳng giới trong cơ quan và đơn vị trực thuộc.

3. Giám sát việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới trong các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân.

4. Tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, đoàn viên thực hiện bình đẳng giới.

 

Điều 26. Trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

1.Thực hiện quy định tại Điều 25 Luật này.

2. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

3. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức bồi dưỡng, giới thiệu phụ nữ đủ tiêu chuẩn ứng cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân; phụ nữ đủ tiêu chuẩn tham gia quản lý, lãnh đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp.

4. Thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật này.

 

MỤC 3. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC KHÁC.

 

Điều 27. Bảo đảm bình đẳng giới trong cơ quan, tổ chức

1. Trong tổ chức bộ máy và hoạt động của cơ quan, tổ chức phải bảo đảm cho nữ giới và nam giới bình đẳng trong tham gia và hưởng lợi.

2. Báo cáo hoặc cung cấp kịp thời thông tin về bình đẳng giới trong cơ quan tổ chức theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.

3. Đề xuất hoặc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bình đẳng giới liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức mình.

Điều 28. Tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới

1. Tuỳ khả năng, điều kiện của mình, các cơ quan, tổ chức chủ động hoặc phối hợp tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới:

a) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền kiến thức về giới và pháp luật về bình đẳng giới cho các thành viên của cơ quan, tổ chức và người lao động;

b) Bố trí cán bộ hoạt động về bình đẳng giới;

c) Tổ chức nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu nhằm tăng cường bình đẳng giới;

d) Dành nguồn tài chính cho các hoạt động bình đẳng giới;

đ) Tổ chức hệ thống nhà trẻ phù hợp để người lao động nam, nữ kết hợp hài hoà giữa lao động sản xuất và lao động gia đình;

e) Tạo điều kiện cho lao động nam nghỉ hưởng nguyên lương và phụ cấp khi vợ sinh con.

2. Các khoản chi cho hoạt động bình đẳng giới do cơ quan, tổ chức tiến hành được coi là khoản chi hợp lý được tính trừ trước thuế.

MỤC 4. TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH VÀ CÔNG DÂN

Điều 29. Trách nhiệm của gia đình

1. Tạo điều kiện cho các thành viên nâng cao nhận thức, hiểu biết và tham gia các hoạt động về bình đẳng giới.

2. Giáo dục các thành viên có trách nhiệm chia sẻ lao động gia đình và phân công hợp lý công việc gia đình cho các thành viên.

3. Chăm sóc sức khoẻ sinh sản và tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện làm mẹ an toàn.

4. Đối xử công bằng, tạo cơ hội như nhau giữa con trai, con gái trong học tập, lao động và tham gia các hoạt động khác.

Điều 30. Trách nhiệm của công dân

1. Công dân nam có trách nhiệm tôn trọng, chia sẻ với công dân nữ việc chăm sóc, giáo dục con và lao động gia đình. Công dân nữ có trách nhiệm tự học tập, tự vươn lên, tự khẳng định mình trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

2. Công dân nam, nữ có trách nhiệm:

a) Học tập nâng cao hiểu biết và nhận thức về bình đẳng giới;

b) Thực hiện và hướng dẫn người khác thực hiện các hành vi đúng mực về bình đẳng giới;

c) Phê phán, ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử về giới;

d) Giám sát việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới của cộng đồng, của các cơ quan, tổ chức và công dân.

 

Chương IV

THANH TRA, KIỂM TRA, GIÁM SÁT

VÀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI

 

Điều 31. Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới

1. Thanh tra Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thanh tra bảo đảm bình đẳng giới.

2. Các cơ quan nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới và các hoạt động bảo đảm bình đẳng giới.

3. Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và các hoạt động bảo đảm bình đẳng giới.

Điều 32. Nguyên tắc xử lý

1. Hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới bị xử lý bằng một trong các hình thức theo quy định tại Điều 33 Luật này.

2. Việc áp dụng đồng thời một số hình thức xử lý đối với một hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 33. Các hình thức xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới

1. Người nào có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị áp dụng một trong các hình thức xử lý khác sau đây:

a) Không xét danh hiệu thi đua cho tập thể, cá nhân trực tiếp có hành vi vi phạm; không xem xét đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu đề cử, chấp nhận ứng cử: cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong thời hạn một năm.

b) Buộc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ văn bản có phân biệt đối xử về giới;thông báo cải chính, thu hồi văn bản, ấn phẩm và sản phẩm hàng hoá có nội dung vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.

Điều 34. Trình tự, thủ tục xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới

1. Tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới có quyền khiếu nại, tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật đó; đồng thời có quyền đề nghị với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện hoặc kiến nghị thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về bình đẳng giới của phụ nữ và trẻ em gái.

2. Các cơ quan có thẩm quyền thụ lý và giải quyết đơn yêu cầu xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới theo quy định chung của pháp luật về thủ tục, trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo và thủ tục tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng hành chính và xử lý vi phạm hành chính.

 

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 35. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày... tháng... năm....

Điều 36. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật này.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ    thông qua ngày     tháng      năm 2006.

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

 

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video