Gần 7000 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XIII

02/11/2020
Được tổ chức trực tuyến tại 387 điểm cầu vào chiều ngày 02/11/2020, hội thảo “Nâng cao năng lực đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ - Những nội dung liên quan trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XIII” đã thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến của gần 7.000 cán bộ Hội LHPN các cấp, các đơn vị trực thuộc, tổ chức thành viên và hội viên, phụ nữ tiêu biểu các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Các đồng chí chủ trì hội thảo tại điểm cầu Hà Nội

GS.TS. Vũ Văn Hiền, nguyên Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đ/c Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương, phó ban chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo văn kiện; Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga; Phó Chủ tịch Hội Bùi Thị Hòa chủ trì hội thảo tại điểm cầu Hà Nội

Đề dẫn hội thảo, GS.TS. Vũ Văn Hiền, Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nêu rõ vị trí, vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam cũng như tổ chức Hội LHPN Việt Nam đã được thể hiện nhất quán qua các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong suốt quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; Đồng thời khẳng định, công tác phụ nữ ngày càng sáng rõ, đổi mới, thiết thực, được thể hiện trong dự thảo các Văn kiện Đại hội Đảng XIII.

GS.TS. Vũ Văn Hiền, nguyên Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Với tư cách là thành viên ban soạn thảo Văn kiện, GS.TS Vũ Văn Hiền gợi mở 4 vấn đề mong muốn nhận được sự đóng góp ý kiến, đề xuất tại Hội thảo gồm:

- Vai trò, vị trí của tổ chức Hội LHPN Việt Nam trong bối cảnh mới;

- Thực tế triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phụ nữ, trong đó cần làm rõ thực trạng, quan điểm, kiến nghị giải pháp nhằm đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ;

- Các giải pháp nâng cao năng lực của Hội trong vận động, tuyên truyền, giáo dục phụ nữ tham gia thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiểu biết, kiến thức mọi mặt, ý thức cộng đồng cho phụ nữ;

- Nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, như năng lực phân tích, tổng hợp, tham mưu góp ý, giám sát, phản biện... về các vấn đề liên quan đến phụ nữ.

Điểm cầu Hà Nội

Gần 7.000 đại biểu tại 387 điểm cầu của 54 tỉnh, thành phố (trừ 8 tỉnh khu vực miền Trung, từ Nghệ An đến Quảng Ngãi không thể kết nối cầu để tham gia hội thảo do ảnh hưởng của bão lụt), đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào hai chủ đề chính:

Phát huy Vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân

Tại phiên chủ đề này, đa số các ý kiến đều thể hiện sự nhất trí, đồng tình cao với các nội dung cơ bản trong các dự thảo Văn kiện; Khẳng định, những vấn đề về vai trò của Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội giữ vai trò nòng cốt chính trị... tiếp tục được đề cập, nhất quán và khá rõ nét, là định hướng hết sức quan trọng liên quan tới thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội LHPN Việt Nam, đặc biệt là chức năng giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của phụ nữ.

Dự thảo Văn kiện cũng xác định các nội dung: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thực hiện các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Phát huy tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em". 

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo điểm cầu Hà Nội

Nhằm nâng cao năng lực của Hội LHPN Việt Nam trong đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, các đại biểu đã tham gia góp ý, đề xuất:

- Đại diện Hội LHPN TP Hồ Chí Minh: Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách nhằm phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội, đặc biệt là vai trò giám sát, phản biện xã hội; Tiếp tục thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đảm bảo phát huy quyền làm chủ thực chất của nhân dân, cũng như thực hiện trách nhiệm của công dân đối với Nhà nước và xã hội.

Điểm cầu TP Hồ Chí Minh đóng góp ý kiến

- Đại diện Hội LHPN TP Hà Nội: Việc thực hiện sắp xếp lại đội ngũ cán bộ ở cấp thôn, tổ dân phố, công chức cơ sở... dẫn đến kiêm nhiệm nhiều. Điều đó đòi hỏi phải chú trọng nâng cao năng lực, trách nhiệm cũng như kịp thời động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ở một số nơi vẫn còn hình thức, vai trò, tiếng nói sự tham gia của nhân dân, phụ nữ còn hạn chế, đòi hỏi phải hoàn thiện cơ chế, lượng hóa các quy định để phát huy và đảm bảo cho MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội hoạt động hiệu quả.

Đại diện Hội LHPN TP Hà Nội đóng góp ý kiến

- Đại diện Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa: Vai trò của Nhân dân cần được cụ thể hơn trong các nhiệm vụ, giải pháp, ví dụ như nhân dân hiến kế, đóng góp xây dựng các chủ trương, chính sách; giám sát thực thi pháp luật, giám sát cán bộ, đảng viên; phát hiện tiến cử người tài, giám sát quy trình công tác cán bộ...

- Đại diện Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk: Cần làm rõ vai trò của cấp ủy đảng các cấp, có cơ chế chính sách cho đội ngũ cán bộ Hội tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó, điểm nóng... để chị em yên tâm công tác, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tiếng nói (tâm tư, nguyện vọng) của các tầng lớp phụ nữ đối với Đảng

Trong phiên chủ đề thứ hai, các ý kiến tại hội thảo đã đề cập tới nhiều vấn đề liên quan tới phụ nữ hiện nay, cụ thể:

- Về phát huy vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển đất nước: Các chính sách phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh vùng dân tộc miền núi cần toàn diện, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số; cần có giải pháp liên quan đến nguồn lực dành cho bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ vùng DTTS và miền núi.

Đại biểu góp ý về vấn đề lao động nữ di cư

- Vấn đề phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và an toàn cho lao động nữ di cư trong quá trình phát triển đất nước: Cần chính thức hóa các việc làm trong khu vực phi chính thức để bảo đảm quyền lợi của lao động di cư; các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cần phù hợp, sát thực hơn; nên đưa lao động di cư thành một nhóm đối tượng trong gói hỗ trợ đột xuất của Chính phủ.

- Chăm lo đời sống gia đình, sức khỏe cho phụ nữ công nhân: Hỗ trợ lao động nữ trong tiếp cận thông tin ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp 4.0; Có giải pháp thỏa đáng về nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, xây dựng các khu ký túc xá công nhân ở gần các khu công nghiệp, khu chế xuất; Có các chính sách về điều kiện kinh doanh nhà trọ tư nhân.

Đại biểu đại diện Tổng Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai góp ý về vấn đề nữ công nhân lao động

- Vai trò của phụ nữ nông thôn trong phát triển đất nước: Cần tiếp tục đưa yếu tố giới vào các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong nội dung xây dựng nông thôn mới gắn với công tác bảo vệ môi trường; Có chính sách giúp cộng đồng, phụ nữ nông thôn giữ gìn giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa dân tộc găn với phát triển du lịch; hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các chính sách hỗ trợ mang tính đặc thù vùng miền để phát triển kinh tế...

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Phước Lộc - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến Nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đánh giá, các hội nghị lấy ý kiến các tầng lớp phụ nữ vào dự thảo Văn kiện rất chất lượng và hiệu quả, thể hiện được vai trò trung tâm của tổ chức Hội LHPN Việt Nam trong tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến về các vấn đề của phụ nữ và bình đẳng giới, bám sát vào các nội dung trong dự thảo Văn kiện.

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc trao đổi với các đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu Hà Nội

Các hội thảo do Hội LHPN Việt Nam tổ chức rất bài bản, khoa học, chặt chẽ, công phu, đảm bảo tính chính trị, trách nhiệm, lấy được ý kiến của đông đảo các tầng lớp phụ nữ thông qua đại diện các nhóm phụ nữ tiêu biểu trong xã hội, các chuyên gia, các nhà khoa học chuyên hoạt động trong lĩnh vực về Giới.

Đồng chí  Nguyễn Phước Lộc đề nghị các cấp Hội và phụ nữ tiếp tục nghiên cứu, gửi góp ý để Hội LHPN Việt Nam tổng hợp gửi tới ban soạn thảo, đảm bảo phản ánh đầy đủ, trung thực nhất tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ đối với Đảng.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga kết luận Hội thảo

Kết luận Hội thảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga một lần nữa khẳng định, các hội nghị đóng góp ý kiến là một trong những hình thức sinh hoạt chính trị rộng khắp, điều kiện rất tốt để củng cố niềm tin của các tầng lớp phụ nữ đối với Đảng. Những ý kiến đóng góp có chất lượng, phân tích các vấn đề từ nhiều góc độ, toàn diện cũng như các kiến nghị đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Hội và quyết tâm của tổ chức Hội trong phát huy trí tuệ, trách nhiệm của phụ nữ tham gia đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video