Gây dựng nên thương hiệu sạp hàng lề đường

08/07/2022
Từ bán hàng len lề đường, chị Nguyễn Thị Liễu, 34 tuổi, đã từng bước gầy dựng thương hiệu Dương Liễu Handmade cung ứng sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước.
Chị Liễu giới thiệu sản phẩm tại các chương trình của Hội Phụ nữ

Khởi đầu gian nan

Sinh ra ở H.Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, trong một gia đình nông dân nghèo với bảy anh chị em, năm 2007, Nguyễn Thị Liễu trúng tuyển và theo học Khoa Xuất bản - Phát hành, Trường đại học Văn hóa TP.HCM. Những ngày trọ học, thấy có người đan đồ len để bán, Liễu lân la học hỏi với suy nghĩ “đan chơi cho khuây khỏa”. Rồi các bạn trong lớp khen mấy mẫu túi đựng điện thoại của Liễu đẹp và hỏi mua. “Vậy là tôi làm và bán hàng len từ dạo ấy, nhưng chỉ nghĩ là tạm thời thôi, nào ngờ những sợi len lại theo mình trên bước đường lập nghiệp về sau” - chị Liễu bồi hồi nhớ lại.

Ngoài Trường đại học Văn hóa, Liễu còn học thêm chuyên ngành kế toán của Trường đại học Kinh tế. Khi chị ra trường, đi làm, thì hai người em trai cũng lần lượt vào cao đẳng, đại học. Quê nhà khó khăn, ba mẹ không thể chu cấp, còn thu nhập từ chân nhân viên kế toán của chị không đủ trang trải chi phí sinh hoạt của cả ba chị em. Thế là, ban ngày đi làm, tối về chị phải làm thêm nhiều việc. Cả ba chị em thuê trọ sau lưng chùa Phước Tường, P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức, nên vào những ngày lễ Phật, chị lại đan túi đựng điện thoại, móc khóa đem ra nơi cổng chùa bán cho khách thập phương. Dù phải làm quần quật nhưng đời sống của chị em Liễu vẫn chật vật, luôn thiếu trước hụt sau. Được bạn hàng mách nước, năm 2013, chị bàn với hai em mua 30 cuộn len giá 120.000 đồng về chỉ nhau đan thật nhiều sản phẩm rồi trải bạt bán trước Trường cao đẳng Công Thương vào mỗi tối thứ Bảy, Chủ nhật. “Đêm đầu tiên bán được 150.000 đồng, mấy chị em tôi ôm nhau reo vui. Thời gian sau, chúng tôi đan thêm giày và nón em bé đem bán hằng đêm nên hầu như không có thời gian ngủ nghỉ gì mấy. Ban ngày đi làm, đi học cũng mang len theo đan, tối đi bán về lại thức đan tiếp. Nhưng bán lề đường thì cũng thấp thỏm chuyện bị đuổi, nên đến tháng 9/2013, tôi lập trang fanpage Dương Liễu Handmade, bắt đầu rao bán online” - chị Liễu kể. Giai đoạn 2013 - 2016, chị chủ yếu bán các sản phẩm từ len với hình thức online và đưa ra chợ Lò Lu, chợ Bắc Ninh (TP.Thủ Đức).

Để nâng cao tay nghề, chị Liễu thường tìm các video clip trên mạng để học hỏi. Và bước ngoặt đã đến vào đầu năm 2017, khi chị sinh con đầu lòng và quyết định nghỉ làm kế toán để toàn tâm cho việc phát triển Dương Liễu Handmade.

Đổi mới để đi đường dài

Thông qua Facebook, năm 2017, chị Liễu mở các cuộc thi ảnh nhận quà là những đôi giày len, nón len xinh xắn dành cho các bé. Chương trình được hội mẹ “bỉm sữa” hưởng ứng nhiệt tình, nhờ vậy mà sản phẩm của Dương Liễu Handmade ngày càng được nhiều người biết đến. Đến tết Nguyên đán 2019, chị trình làng bộ sưu tập Bé Heo gồm ba-lô, nón, quần áo, túi đựng tiền, giày, khăn choàng len thông qua việc tạo hình những chú heo con ngộ nghĩnh. Chỉ sau một ngày đăng trên fanpage Dương Liễu Handmade, Bé Heo đã thu hút hơn 2.000 lượt tương tác, và trong một tháng chị bán được hàng ngàn sản phẩm. Buôn bán thuận lợi, chị Liễu hùn vốn với bạn thuê mặt bằng mở xưởng. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, xưởng có 20 nhân công. Ngoài ra còn nhiều người nhận len và hàng mẫu về đan tại nhà. Dịch COVID-19 kéo dài suốt hai năm qua, hàng bán không được khiến chị phải trả mặt bằng, dẹp xưởng. Đến tháng 8/2021, chị lập kênh YouTube Dương Liễu Handmade để hướng dẫn kỹ thuật đan - móc len và bán nguyên phụ liệu sẵn có. Chị cũng làm phụ đề tiếng Anh cho mỗi clip đăng tải nhằm thu hút bạn bè nước ngoài có cùng đam mê với len. Dần dần, thông qua YouTube và các hội, nhóm Facebook, mọi người biết đến sản phẩm của chị ngày càng nhiều hơn, một số chị em Việt kiều ở Nhật, Mỹ, Đức đã tìm đến đặt hàng sỉ xuất ra nước ngoài.

Sản phẩm len của chị Liễu đang được bày bán tại quán cà phê Bến Sạn Tây (TP.Thủ Đức, TP.HCM) và nhận được sự quan tâm của khách hàng

Đầu năm 2022, Hội LHPN TP.Thủ Đức mở gian hàng giới thiệu sản phẩm kinh doanh của chị em hội viên tại Nhà Thiếu nhi Thành phố. Đến tháng Sáu vừa qua, Hội lại mở các điểm kết nối và bày bán lâu dài các sản phẩm kinh doanh, khởi nghiệp của phụ nữ địa phương tại quán cà phê Bến Sạn Tây (P.Hiệp Phú) và khu du lịch sinh thái Song Long (P.Long Phước). Tại tất cả các điểm kết nối này, hàng len của Dương Liễu Handmade đều góp mặt. Những mẫu túi, mũ, giày em bé được làm mới thường xuyên giúp mặt hàng len của chị Liễu được nhiều khách hàng quan tâm, lựa chọn.

Sau những nỗ lực không ngừng, hiện chị Liễu đã thuê được mặt bằng ở P.Tăng Nhơn Phú A làm cửa hàng kinh doanh sản phẩm len và các loại phụ kiện. Với việc bày bán sản phẩm tại cửa hàng và các điểm kết nối của Hội lẫn trên YouTube, chị Liễu nói có niềm tin Dương Liễu Handmade đang đi đúng hướng. “Sau mấy năm dịch bệnh, việc buôn bán không thuận lợi như trước, nhưng tôi hy vọng sẽ được Hội Phụ nữ đồng hành giới thiệu sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn, để tạo đầu ra tốt. Nếu đầu ra ổn định tôi sẽ mở lại xưởng, từng bước gầy dựng chuỗi cửa hàng để tạo việc làm cho ngày càng nhiều lao động nữ”, chị Liễu bày tỏ.

phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video