Già hoá dân số - thách thức trong chăm sóc người cao tuổi

10/12/2013
Già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh chóng và hiện tượng “nữ hóa dân số cao tuổi” đang trở thành vấn đề thách thức trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) ở nước ta hiện nay.

Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nhanh nhất thế giới

Các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số năm 2013, diễn ra từ ngày 01-12-2013 đến ngày 31-12-2013 với chủ đề “Già hóa dân số - Những thách thức trong chăm sóc NCT”. Đây là một trong 5 nội dung chính của mục tiêu nâng cao chất lượng giống nòi mà ngành dân số đang thực hiện.

“Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nhanh hàng đầu châu Á và cũng thuộc diện nhanh nhất thế giới”, ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) khẳng định tại Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số diễn ra sáng 4/12 tại Hà Nội.Cũng theo ông Tân, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với tỷ lệ người trên 65 tuổi là 7% tổng dân số, sớm hơn 6 năm so với dự báo của Tổng cục Thống kê năm 2009 Theo dự đoán, thời gian chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già” ở Việt Nam chỉ khoảng 18 - 20 năm, ngắn hơn nhiều so với các nước trên thế giới như Pháp 115 năm; Thụy Điển 85 năm; Hoa Kỳ 70 năm; Nhật Bản 26 năm… Nguyên nhân do tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng (tăng gấp khoảng 1,5 lần mức gia tăng tuổi thọ trung bình trên thế giới)trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm.

Già hóa dân số - đồng nghĩa vớituổi thọ của người dân Việt Nam tăng cao – là thành tựu vô cùng to lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức nhất là khi tốc độ già hoá dân số của Việt Nam tăng nhanh trong khi các điều kiện kinh tế, an sinh xã hội còn chưa được chuẩn bị kỹ càng. Báo cáo của Tổng cục dân số chỉ ra cả nước ta có đến 70% NCT phụ thuộc vào con, cháu và khả năng lao động của bản thân, không có có bảo hiểm y tế, lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước, không có tích lũy. Quỹ hưu trí, tử tuất của bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn. Trong khi đó, tuy tuổi thọ trung bình tăng cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của Việt Nam lại thấp. Trung bình mỗi NCT ở nước ta mắc 2,69 bệnh; phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống của mình, 95% NCT có bệnh, chủ yếu là các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường...

Nữ hóa dân số cao tuổi

Cùng với vấn đề dân số đang già thì tình trạng “mất cân bằng giới tính nghiêng về phía phụ nữ cao tuổi” cũng trở thành thách thức lớn trong dân số Việt Nam. Chênh lệch giới tính dân số cao tuổi của Việt Nam ở các nhóm tuổi càng cao càng giảm do tuổi thọ của nam giới thấp hơn nữ. Điều này dẫn đến hiện tượng “nữ hóa trong dân số cao tuổi”. Theo điều tra dân số, tỷ lệ NCT sống cô đơn ngày càng lớn, chủ yếu là cụ bà. Hiện số lượng cụ bà góa chồng cao hơn nhiều lần số cụ ông góa vợ. Năm 1989, cả nước có khoảng 282,3 nghìn cụ ông góa vợ so với 1,414 triệu cụ bà góa chồng. Năm 2009, có 434,9 nghìn cụ ông góa vợ so với và 2,37 triệu cụ bà góa chồng (gấp 5,51 lần). Số cụ bà sống ly hôn, ly thân cũng cao hơn số cụ ông sống ly hôn, ly thân 2,2 lần (năm 2009 có khoảng 63 nghìn cụ bà và 28 nghìn cụ ông sống ly hôn, ly thân). Năm 2012, tính chung trong dân số cao tuổi (60+) cứ 1,4 cụ bà có 1 cụ ông, ở nhóm tuổi 80+ cứ 1,8 cụ bà có 1 cụ ông và ở nhóm tuổi 85+ cứ 2,1 cụ bà có 1 cụ ông. Bên cạnh đó, cùng với thu nhập kém hơn nam giới, nữ NCT còn phải đối mặt với nhiều bệnh tật, khuyết tật nhiều hơn nam và khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, BHYT cũng thấp hơn.

Điều đó cho thấy, rất cần có giải pháp kịp thời hỗ trợ NCT, nhất là nữ NCT đảm bảo cuộc sống như thu nhập, dịch vụ chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần. Cùng với đó, vấn đề tạo môi trường thân thiện với NCT; hỗ trợ, chăm sóc NCT tại nhà và bảo vệ NCT trong các tình huống khẩn cấp; đảm bảo các quyền của NCT (tránh bị lạm dụng, bạo hành và phân biệt đối xử…); hệ thống y tế phù hợp với việc chăm sóc NCT… đang vấn đề đặt ra cho ngành dân số, y tế và toàn xã hội.

* Các số liệu trong bài được lấy từ Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số diễn ra sáng 4/12 tại Hà Nội.

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video