Gia Lai: Dạy nghề cho phụ nữ vùng sâu

19/11/2013
Lớp dạy nghề trồng và chăm sóc cây cà phê do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Prông phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Cơ điện-Xây dựng và Nông lâm Trung bộ (tỉnh Bình Định) dành cho chị em nghèo làng O Ngol (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) đã kết thúc tốt đẹp. Mặc dù chỉ diễn ra trong gần hai tháng nhưng lớp học đã đem lại những kiến thức hữu ích giúp chị em phụ nữ trong làng áp dụng vào cuộc sống.

Mặc dù trời Tây Nguyên mưa rả rích nhưng chị em vẫn gọi nhau đến lớp đầy đủ, không vắng mặt dù một buổi. Chính vì vậy, các thầy như có thêm động lực để hoàn thành tốt gần 180 tiết học, truyền đạt một cách đầy đủ, trọn vẹn những kiến thức cần thiết cho chị em, từ việc giải thích các vấn đề lý thuyết đến tận tình hướng dẫn trực tiếp tại các vườn cà phê về cách nhận diện sâu bệnh, cách phòng-chống, cách bón phân, chăm sóc,… Cách học trực quan sinh động này đã giúp chị em tiếp nhận kiến thức một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Gia đình chị Rơ Mah Buk (làng O Ngol) có hơn 500 cây cà phê nhưng phát triển rất chậm, cho năng suất kém do không biết cách chăm sóc, cắt tỉa và bón phân đầy đủ. Vì thế mỗi năm nhà Buk cũng chỉ thu được khoảng 20 triệu đồng. Được giới thiệu tham gia lớp học, lúc đầu Buk còn dè dặt, e ngại nhưng càng học, chị càng cảm thấy thích thú bởi những kiến thức được học hết sức hữu ích cho vườn cây của mình. “Từ giờ mình đã biết cách bón phân thế nào là đủ, cần những loại gì, bón vào lúc nào cũng như cách tưới nước, làm bồn,… Hy vọng vườn cà của nhà mình được phát triển tốt hơn”-Buk chia sẻ.

 

Tương tự, vườn cà phê của chị Rơ Mah Vin (làng O Ngol) cũng sẽ nhanh chóng được chị áp dụng những kiến thức vừa được học để nâng năng suất. Chị Vin nói: “Thầy giáo dạy học dễ hiểu và rất vui tính nên ai cũng thích học. Mình mong muốn Hội mở thêm ngày càng nhiều lớp dạy nghề như thế này để chị em biết cách chăm sóc, trồng trọt cho đúng, đạt năng suất cao”.     

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Ngọc Chi-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: “Mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho chị em đồng bào dân tộc thiểu số nghèo là một cách giúp chị em có thêm những kiến thức nông nghiệp cần thiết để áp dụng, nâng cao năng suất cho vườn cây của mình. Kết thúc lớp học lần này, bên cạnh việc cải thiện vườn cây cho gia đình, Hội hy vọng các chị em sẽ cùng nhau tuyên truyền về cách chăm sóc cây cà phê cho những chị em không được tham gia lớp học để họ vẫn có thể cải tạo, nâng cao chất lượng vườn cây, từ đó cùng nhau vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình”.

Theo Gialai online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video