Giải bài toán thiếu hụt năng lượng - phụ nữ đã vào cuộc

20/03/2008
Năng lượng thiếu hụt nghiêm trọng - đó là cảnh báo được đưa ra tại Hội nghị tổng kết dự án thí điểm Cuộc vận động “Xây dựng mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong mỗi hộ gia đình” năm 2007, phát động xây dựng gia đình tiết kiệm năng lượng năm 2008 do Trung ương Hội LHPNVN tổ chức tại Hà Nội, ngày 18/3/2008.

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, những thập niên gần đây, cùng với tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế thì nhu cầu sử dụng điện cũng không ngừng tăng. Theo số liệu thống kê của ngành Điện lực, trong năm 2007, cả nước thiếu khoảng 6,6 tỷ Kwh, dự tính năm nay sẽ thiếu hụt 8,6 tỷ Kwh và năm 2009 con số này sẽ tăng lên khoảng 10,3 tỷ Kwh. Nhu cầu sử dụng năng lượng tăng nhanh dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu, nhiều địa bàn phải luân phiên nhau cắt điện, gây thiệt hại lớn cho sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.

 

Điều đáng nói là nguyên nhân của thực trạng này không chỉ do nhu cầu sử dụng điện tăng mà còn do quá trình sử dụng năng lượng chưa hợp lý, chưa hiệu quả trong mọi lúc, mọi nơi, ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chỉ làm một phép tính đơn giản: nếu mỗi hộ gia đình giảm bớt một giờ làm việc của một bóng đèn 40W trong giờ cao điểm thì hàng năm sẽ tiết kiệm trong khu vực ánh sáng sinh hoạt của cả nước tới 219 triệu Kwh, tương đương khoảng 130 tỷ đồng. Chính vì vậy, tiết kiệm hiệu quả năng lượng đã trở thành vấn đề cấp bách, thành chương trình mục tiêu quốc gia. Xác định vai trò quan trọng của phụ nữ tham gia vào các chương trình phát triển năng lượng quốc gia và đặc biệt là tính quyết định trong kiểm soát việc chi trả, sử dụng điện trong gia đình, nhiều năm qua Hội LHPNVN đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ phụ nữ sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng tại các địa bàn trong cả nước, đặc biệt là năm 2007 Hội đã triển khai Dự án thí điểm Cuộc vận động xây dựng mô hình “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong mỗi hộ gia đình” tại 6 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Tây, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ngãi và Đồng Nai.

 

Kết thúc giai đoạn thí điểm, các gia đình trên địa bàn thực hiện Dự án đã tự giác áp dụng các biện pháp và cách thức tiết kiệm năng lượng trong cuộc sống hàng ngày; có thói quen tắt điện khi ra khỏi phòng; biết cách sử dụng năng lượng thiên nhiên như ánh sáng mặt trời, gió và sử dụng các thiết bị điện hợp lý vào giờ cao điểm, mang lại hiệu quả cao.

 

Đồng thời với hoạt động tuyên truyền, các mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã được xây dựng tại 14 xã, phường của 6 tỉnh Dự án. Với sự hỗ trợ một phần kinh phí của chương trình cho các gia đình xây dựng mô hình, năm 2007 đã có 1.500 mô hình thay đèn sợi đốt bằng đèn compact; 86 mô hình xây và sử dụng khí sinh học; 20 mô hình lắp đặt và sử dụng dàn nước nóng năng lượng mặt trời. Các mô hình đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho gia đình, góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường, giải phóng phụ nữ, đồng thời làm mô hình trình diễn và tuyên truyền nhân rộng trong cộng đồng.

 

Đến với Hội nghị, chị Nguyễn Thị Bích, hội viên phụ nữ phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên khẳng định: trước khi chưa thay đèn compact mà sử dụng đèn sợi đốt và còn lãng phí trong sử dụng các thiết bị điện, mỗi tháng gia đình chị phải trả 300.000 đồng tiền điện. Nay nhờ thay toàn bộ đèn sợi đốt và biết cách sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, tiền điện của gia đình chị đã giảm còn hơn 200.000 đồng. Còn gia đình chị Phan Thị Hệ, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình nhờ sử dụng đèn compact cũng đã giảm tới 30-40% tiền điện và nhờ làm hầm Biogas không những đảm bảo vệ sinh môi trường mà còn tiết kiệm gần 200.000 đồng tiền mua than, phát triển đàn lợn 25-30 con. Nhưng điều quan trọng theo chị Hệ đó là giải phóng được sức lao động của chị em. Nhờ đun bằng khí sinh học mà chồng và con chị đã không còn ngần ngại vào bếp, giúp chị nấu ăn cho gia đình. Chị đã có nhiều thời gian tham gia hoạt động xã hội và nghỉ ngơi. Theo một hộ gia đình ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai (Hà Tây), sau khi làm điểm tại một số hộ gia đình, thấy hiệu quả, đến nay Kim Bài đã có 70-80% số hộ trong phường chuyển sang sử dụng đèn compact và hệ thống đèn chiếu sáng đường phố cũng đã sử dụng đèn compact. Tương tự ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, do tiện ích của hầm Biogas đã có 1.700 hộ xây dựng loại hầm này.

 

Rõ ràng, lợi ích thiết thực là vậy, song không phải hộ gia đình nào cũng nhận thức được điều đó. Bên cạnh những mặt tích cực của các thiết bị tiết kiệm năng lượng theo công nghệ mới đem lại thì khó khăn nhất hiện nay là giá đầu tư ban đầu cao (hầm biogas khoảng 4 triệu đồng trở lên, thiết bị nước nóng công suất trung bình cũng trên 4 triệu, giá đèn compact cao gấp 10 lần so với đèn sợi đốt). Đây là số tiền khá lớn so với các hộ gia đình, đặc biệt là các gia đình khó khăn, nông thôn. Chính vì vậy, để tăng số hộ gia đình sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, rất cần có sự đồng hành, vào cuộc của các ngân hàng cho họ vay chi phí ban đầu, đồng thời các đối tác cung cấp thiết bị phải tuân thủ đúng quy trình lắp đặt cũng như đảm bảo chất lượng của thiết bị.

 

Để Cuộc vận động “Xây dựng gia đình tiết kiệm năng lượng” tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực, năm 2008 Hội LHPNVN tập trung phát động phụ nữ hưởng ứng bằng những tiêu chí cụ thể: vận động các thành viên trong gia đình có thói quen tắt điện khi ra khỏi phòng, sử dụng tiết kiệm và hợp lý các thiết bị điện trong giờ cao điểm, thay thế các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng bằng các thiết bị tiêu hao năng lượng ít hơn. Phấn đấu thực hiện các mô hình trình diễn với 3.000 đèn TKNL, 100 công trình Biogas, 50 dàn nước nóng năng lượng mặt trời làm cơ sở nhân rộng ra cộng đồng dân cư.

Đỗ Hoa - Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video