Giải Kova - phần thưởng quý cho nỗ lực xoá đói giảm nghèo của Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá

18/01/2008
Với hơn 30% số hộ thuộc diện đói nghèo, cao hơn so với bình quân chung của cả nước, trong đó có đến 52.523 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ trên tổng số 275.146 hộ nghèo toàn tỉnh, Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá đã làm gì để rút ngắn con đường đi tới ấm no của các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt mà nếu để tự bản thân họ thì thật không dễ trong công cuộc mưu sinh.

“Thực trạng, giải pháp nâng cao đời sống hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ tại Thanh Hoá”- đề tài được thực hiện thành công sau nhiều năm trăn trở, bền bỉ phấn đấu thêm một viên gạch hồng đặt nền móng cho quyết tâm giảm tỷ lệ đói nghèo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh cũng như là đòn bẩy thực hiện mục tiêu của Hội LHPN Thanh Hoá: có 80% trở lên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được Hội giúp đỡ, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ IX và thứ X đã đề ra.

 

Từ những mô hình điểm

 

Đi tìm nguyên nhân lý giải tại sao số hộ đói nghèo còn cao, Hội LHPN Thanh Hoá đã chỉ đạo các cấp Hội khảo sát, điều tra thực trạng hộ nghèo do phụ nữ làm chủ trên diện rộng: 634/634 xã, phường, thị trấn thuộc 27 huyện, thị; tổ chức khảo sát xã hội học tại 12 xã thuộc 4 huyện đại diện 4 vùng kinh tế của tỉnh. Qua điều tra cho thấy, trong số 52.523 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ có tới 33.000 phụ nữ đơn thân. Bên cạnh những lý do thường thấy như thiếu vốn, thiếu kiến thức, thiếu đất canh tác, nhà ở tạm bợ, dột nát, ốm đau, TNXH, thì một trong những nguyên nhân khá “đặc trưng” của Thanh Hoá là số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ phần đa lại rơi vào hoàn cảnh khá éo le, đơn thân do hậu quả chiến tranh, chồng không may mất sớm, ly hôn, ly thânhoặc bệnh tật ốm đau. Cuộc sống vốn đã khốn khó nay lại càng khó khăn hơn. Cái đói cái nghèo cùng đồng nghĩa với sự mặc cảm tự ti và ngày càng tăng dần tỷ lệ thuận với thời gian, tuổi tác khi họ không còn sung sức.

 

Làm gì để giúp chị em có hoàn cảnh đặc biệt vượt khó vươn lên, hoà nhập cộng đồng? Câu hỏi đó luôn là nỗi băn khoăn, trăn trở, day dứt tập thể BCH Hội LHPN Thanh Hoá. Sáng kiến xây dựng đề tài khoa học: “Thực trạng, giải pháp nâng cao đời sống hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ tỉnh Thanh Hoá” xuất phát từ đây. Và cũng bởi trước đó Hội cũng đã có nhiều biện pháp giúp phụ nữ nghèo với sự giúp đỡ của các Tổ chức quốc tế, sự tham gia của Ngân hàng CSXH tổng cộng vốn huy động được lên tới 800 tỷ đồng cho gần 300.000 hội viên, phụ nữ vay. Tuy nhiên, chưa có đề tài nghiên cứu toàn diện, khoa học về tình trạng hộ nghèo và các giải pháp đồng bộ trong toàn tỉnh nên việc hỗ trợ phụ nữ nghèo còn không ít khó khăn, hạn chế.

 

Với suy nghĩ, giải quyết được số hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt sẽ là đòn bẩy thúc đẩy chương trình xoá đói, giảm nghèo chung toàn tỉnh đi vào chiều sâu, bền vững hơn, Hội đã đề ra mục tiêu cụ thể: tỉnh giúp 1 huyện nghèo nhất tỉnh, huyện giúp 1 xã nghèo nhất huyện, xã giúp 1-2 chi Hội thoát nghèo và mỗi tổ giúp 1-2 hộ thoát nghèo trong năm. Đồng thời BTV Hội LHPN tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình “CLB phụ nữ giảm nghèo”, quy tụ những phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt éo le tại 4 xã nghèo đại diện cho 4 vùng kinh tế: Tân Thọ (huyện Nông Cống), Hà Tiến (huyện Hà Trung), Cẩm Giang (huyện Cẩm Thuỷ) và Quảng Khê (huyện Quảng Xương) với quy chế đặc thù, phù hợp đặc điểm từng vùng, tâm sinh lý của chị em. Nội dung, hình thức sinh hoạt khá linh hoạt, mềm dẻo, lấy văn hoá, văn nghệ làm “gia vị” cho các buổi sinh hoạt hấp dẫn hơn, chị em đã trở nên mạnh dạn, hoà đồng, tự tin hơn. Được tập huấn chuyển giao KHKT, cung cấp kiến thức CSSK cho PNTE, hướng dẫn cách tổ chức cuộc sống gia đình, làm ăn, chi tiêu, nuôi dạy con theo phương pháp khoa học, được vay vốn phát triển sản xuất, thành lập tổ, nhóm tiết kiệm, chị em được tiếp thêm sức mạnh, phấn khởi tham gia sinh hoạt và áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, xây dựng gia đình 4 chuẩn mực “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Kết quả sau 3 năm thành lập, CLB đã giúp nhiều chị em thoát nghèo, trong đó nhiều chị vươn lên khá. Toàn tỉnh đã giúp 30.465 hộ nghèo, trong đó có 5.100/18.493 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ.

 

Đến câu chuyện thoát nghèo của những phụ nữ có hoàn cảnh éo le

 

Nét mặt hồ hởi vui tươi, đến dự và tham luận tại Hội thảo CLB phụ nữ XĐGN do phụ nữ làm chủ hộ, các điển hình vượt khó đã có thể tự hào quên đi quá khứ đau buồn và sẵn sàng đối diệnvới thực tế hiện tại bởi bên họ giờ đây đã có hàng chục chị em cùng cảnh ngộ tham gia CLB chia sẻ.

 

Đến với CLB trong hoàn cảnh chồng mất, 1 nách 3 con nhỏ dại, nhìn 50 gương mặt buồn so, khắc khổ trong CLB, chị Mai Thị Đào, hội viên CLB xã Hà Tiến, Hà Trung không khỏi chạnh lòng. Chị chỉ muốn lui về “ở ẩn” trong ngôi nhà hiu quạnh, vắng hơi ấm đàn ông. Nhưng rồi, được học hỏi, giao lưu văn hoá văn nghệ, chị đã xoá bỏ được mặc cảm, tự tin, hoà nhập với mọi người và mạnh dạn vay 7 triệu đồng mua bò về nuôi. 1 năm sau, bò đã sinh được 1 con bê và phát triển dần lên. Cùng với cày cấy, thâm canh tăng năng suất cây trồng, con nuôi, chị đã không còn lo đứt bữa, sắm sanh sách vở nuôi con ăn học. Hiện 1 con của chị đã học đại học, 2 cháu còn lại học THPT và THCS.

 

40 tuổi, chồng đau ốm 15 năm nay, 3 con nhỏ, chị Phạm Thị Dầu – thành viên CLB xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thuỷ được xếp vào những trương hợp khó khăn nhất huyện. Thu nhập cả gia đình chỉ trông vào 7 sào ruộng, chăn nuôi thường xuyên bị dịch bệnh, nhiều khi chết cả đàn khiến khó khăn chồng chất khó khăn. Tháng 10/2005, được các chị trong Hội vận động tham gia CLB, chị đã học hỏi được nhiều điều mà từ trước đến nay chị không bao giờ để tâm, được đi tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, kinh tế gia đình chị đã tăng lên rõ rệt: từ 150-200kg lúa/sào nay năng suất đã tăng lên 300 kg, đàn lợn mỗi năm xuất chuồng 2 lứa cho nguồn thu 3 triệu đồng.

 

Và còn rất nhiều các chị - những người từ cuộc sống nghèo khó đã tự đứng vững trên đôi chân của mình, tiêu biểu là các chị: Lê Thị Việt, xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương; Lê Thị Hoa, xã Tân Thọ, huyện Nông Cống…Đặc biệt là chị Phiên ở Quảng Thắng, TP. Thanh Hoá không những vươn lên thoát nghèo mà còn tập hợp được nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn, TNXP chưa có gia đình đầu tư vốn lập trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa, mang lại hiệu quả kinh tế cao…Kết quả đó cùng với nỗ lực của cán bộ, hội viên, phụ nữ Thanh Hoá đã góp phần giảm số hộ nghèo toàn tỉnh mỗi năm 19.000 hộ, đồng thời nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể về công tác xoá đói giảm nghèo được nâng lên. Nhờ đó đã tạo cơ hội và điều kiện cho phụ nữ vươn lên làm chủ cuộc sống, nâng cao vai trò, vị thế trong gia đình và ngoài xã hội.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác XĐGN, đặc biệt là đối với phụ nữ làm chủ hộ ở Thanh Hoá còn không ít khó khăn. Qua khảo sát cho thấy còn tới gần 70% số hộ thiếu vốn đầu tư vào sản xuất, trong đó số hộ được vay vốn ngân hàng mới chỉ đạt 54%. Nguyên nhân là do số hộ đó còn chưa biết cách làm ăn, tâm lý lo ngại, tự ti, mặc cảm. Và còn có từ 26,8-48,7% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thường xuyên phải chi cho khám, chữa bệnh cho người thân đau yếu trong gia đình, có trên 30% số hộ đói kiến thức, rơi vào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; số hộ thiếu lao động do goá chồng (50,3%), chồng ốm đau bệnh tật (18,3%), ly dị, ly thân (15,6%), đơn thân (11%)…Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như: thiếu tư liệu, đất sản xuất, đông con…trong khi sự quan tâm đối với nhóm phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt chưa rõ, cơ chế, chính sách chưa tương xứng với yêu cầu giải quyết triệt để cho nhóm phụ nữ yếu thế này cũng như chưa có chính sách riêng dành cho họ.

 

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2010 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 20%, Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá đã đề ra các giải pháp, chỉ tiêu phấn đấu cụ thể:tỷ lệ lao động nữ đạt 50% trong tổng số lao động có việc làm mới; tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 76%, giảm tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp ở thành thị xuống còn 5%. Có 50% phụ nữ trong tổng số người được vay vốn tín dụng sản xuất và 80% số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được vay vốn từ chương trình XĐGN. Đề nghị Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được vay vốn thông qua uỷ thác với Hội LHPN. Nhân rộng mô hình giúp phụ nữ thoát nghèo hiệu quả, đặc biệt là mô hình CLB phụ nữ giảm nghèo. Cùng với đó là các mô hình: Gia đình không có con em suy dinh dưỡng, Gia đình đảm bảo an toàn giao thông, Gia đình không có con em phạm tội, mắc TNXH, mô hình chăm sóc sức khoẻ và phát triển cộng đồng…Hội cũng quyết tâm chỉ đạo mỗi đơn vị lựa chọn một điển hình vượt khó làm kinh giỏi để làm gương, thuyết phục, khuyến khích các hộ nghèo vươn lên.

Đỗ Hoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video